16:57 17/08/2021

Nguy cơ đổ vỡ phương án tài chính, chậm tiến độ dự án BOT trọng điểm

Ánh Tuyết

Trước tình trạng hàng loạt dự án BOT dừng thu phí, dự án trọng điểm dừng thi công, Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam đề xuất các giải pháp khẩn cấp "cứu" doanh nghiệp BOT…

Dừng toàn bộ thu phí BOT các dự án giao thông phía Nam từ ngày 20/7.
Dừng toàn bộ thu phí BOT các dự án giao thông phía Nam từ ngày 20/7.

Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản số 12/2021/VARSI gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị Chính phủ ban hành giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

TRẠM DỪNG THU PHÍ, DỰ ÁN DỪNG THI CÔNG

Cụ thể, PGS. TS. Trần Chủng, Chủ tịch VARSI cho biết, đối với các trạm thu phí ở các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện yêu cầu của Tổng cục đường bộ Việt Nam và của địa phương, các doanh nghiệp đang vận hành khai thác các dự án BOT đã triển khai tạm dừng thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ. Việc dừng thu phí dẫn đến doanh thu tại các trạm thu phí bằng không.

Đối với các trạm thu phí nằm ngoài vùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT, các đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí... đang miễn thu phí để hỗ trợ cho các phương tiện tham gia vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa qua trạm, nhân viên y tế, người tăng cường hỗ trợ vùng dịch và các phương tiện chở người dân từ vùng dịch về các địa phương. Do đó, doanh thu của các đơn vị này cũng đang sụt giảm nghiêm trọng do lưu lượng phương tiện thu phí giảm đáng kể.

 
“Các nhà đầu tư vẫn phải duy trì, bố trí bộ máy nhân sự và kinh phí để vận hành, đảm bảo an toàn giao thông và trả nợ lãi ngân hàng theo phương án tài chính. Việc này dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ xấu và có nguy cơ phá sản".
Ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI.

Vì vậy, các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ các dự án không đảm bảo tiến độ, phương án tài chính bị phá vỡ.

Đối với các dự án giao thông đang xây dựng, theo Bộ Giao thông vận tải, từ nay đến hết năm 2021, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn.

Cụ thể, phải hoàn thành các thủ tục đầu tư để khởi công 13 dự án, chỉ đạo hoàn thành đưa vào khai thác 18 dự án. Chỉ đạo các dự án đang triển khai thi công để đảm bảo hoàn thành trong các năm sau theo tiến độ yêu cầu, đặc biệt là các dự án, công trình trọng điểm ngành; hoàn thành nhiệm vụ giải ngân các tháng cuối năm 2021,…

"Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, mùa mưa bão diễn ra từ nay đến cuối năm sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai dự án", Bộ Giao thông vận tải đánh giá.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, hiện các địa phương đang thực hiện giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 nên việc vận chuyển nhân sự, thiết bị, vật liệu, máy móc cho dự án gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông qua các chốt kiểm soát dịch.

Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương bổ sung "luồng xanh" vận chuyển vật tư, thiết bị từ các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, TP. HCM đến công trường 2 dự án cao tốc Bắc – Nam, là dự án xây dựng đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Cũng theo Chủ tịch VARSI, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nhà thầu đang thi công không thể luân chuyển nhân sự, máy móc thiết bị, vật tư vật liệu đến công trường, ảnh hưởng đến tiến độ. Cá biệt, một số dự án còn phải dừng thi công, điển hình là cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, cao tốc Nghi Sơn-Diễn Châu...

“Nhiều cán bộ, công nhân phải cách ly tập trung, điều trị đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công các dự án khiến các đơn vị, doanh nghiệp phát sinh thêm chi phí duy trì bộ máy," ông Chủng cho biết thêm.

ĐỀ XUẤT GIẢM THUẾ, TÍNH LÃI SUẤT 0% CÁC KHOẢN VAY THI CÔNG

Trước tình hình cấp bách trên, VARSI đề nghị VCCI báo cáo Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng BOT, hợp đồng vay tín dụng của các nhà đầu tư với cơ quan có thẩm quyền và với các tổ chức tín dụng ngân hàng đã ký trước đây với doanh nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Hiệp hội các nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam cũng đề nghị VCCI báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc áp dụng quy định dựa trên cơ sở Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, VARSI đề nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp xây dựng công trình giao thông được chậm thu và chậm nộp các khoản phí bảo hiểm xã hội của 6 tháng cuối năm 2021. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người lao động đối với những trạm thu phí phải tạm dừng thu phí, dự án dừng thi công.

Chủ tịch VARSI cũng đề xuất cho giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi ngân hàng; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; giảm giá thuê đất đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất; bình ổn giá nguyên vật liệu phục vụ thi công xây dựng các dự án.

Đồng thời, cần xem xét bổ sung các doanh nghiệp quản lý vận hành dự án giao thông, các công trường dự án thi công trong danh mục được hỗ trợ giảm tiền điện theo Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành.

Để đảm bảo thi công các dự án đang triển khai, "các bộ, ngành nên hướng dẫn, bổ sung luồng xanh cho công tác vận chuyển hàng hoá, vật tư vật liệu cho các dự án đang triển khai thi công, nhằm đáp ứng nhu cầu vật tư vật liệu. Đảm bảo việc triển khai dự án đúng kế hoạch đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đang triển khai thi công. Các khoản vay thi công nên được hoãn nộp hoặc tính lãi suất 0% để đảm bảo các doanh nghiệp có thể tồn tại được qua thời điểm khó khăn này”, ông Trần Chủng kiến nghị.

 
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố số thu dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án BOT trong giai đoạn kinh doanh khai thác quý 2/2021. Cụ thể, 55/62 dự án đang tổ chức thu phí hoàn vốn đầu tư, với tổng số thu phí gần 3.135 tỷ đồng. Số thu các tháng giảm dần theo diễn biến phức tạp của đại dịch, với doanh thu tháng 4 đạt 1.179 tỷ đồng; tháng 5 là 1.035 tỷ đồng và số thu tháng 6 gần 920 tỷ đồng.
Dù doanh thu phí BOT tháng 7 chưa được công bố, tuy nhiên, hiện các trạm BOT trên địa bàn 19 tỉnh phía Nam, các trạm thu phí BOT thuộc địa bàn Hà Nội dừng thu phí. Ngoài ra, nhiều trạm BOT cũng đã giảm phí cho các phương tiện như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng giảm 30% từ 0h ngày 12/8. Vì vậy, doanh thu của các trạm BOT sụt giảm mạnh, khó đạt theo phương án tài chính ban đầu.