17:00 05/11/2018

Nguy cơ nhiễm độc do dùng nhựa tái chế

Hoài Phương

Ở Việt Nam, sản phẩm nhựa tái chế hiện vẫn đang được thả lỏng một cách "vô tội vạ". Nhà sản xuất muốn sử dụng nhựa gì, cho chất phụ gia gì vào cũng không ai biết. Còn người dân mua cũng không rõ chất lượng ra sao...


Thực tế là, đối với nhựa tái chế, tùy vào nguồn gốc các loại nhựa khi chế biến, gia công người sản xuất sẽ cho thêm các chất phụ gia vào để phù hợp với mục đích sản xuất. Ví dụ, có những loại nhựa xấu quá nên người ta phải cho thêm cao su để tăng độ kết dính hoặc chất hóa dẻo. Nhưng cho vào thì các chất này cũng chỉ mang tính liên kết chứ không đảm bảo như loại nhựa tốt. Vì thế, tính liên kết của loại nhựa tái chế này vẫn kém. Cùng lúc đó, khi cho vào máy đùn bằng nhiệt các loại nhựa này vừa được quấy đều vừa làm nóng chảy để đùn ra nhựa. Từ các đùn nhựa mới cho vào khuôn dập ra dép, gáo múc nước, xô chậu hay bất cứ vật dụng gì.
Nguy cơ nhiễm độc do dùng nhựa tái chế - Ảnh 1.
Theo các chuyên gia, hiện nay chưa có cơ quan chức năng nào kiểm soát đồ dùng từ loại nhựa tái chế này nên người dân vẫn phải biết tự bảo vệ mình để lựa chọn hàng tốt, tránh ảnh hưởng sức khỏe. Bởi nếu tiếp xúc thường xuyên với đồ nhựa tái chế sẽ có nguy cơ bị thôi nhiễm các chất độc hại và mất vệ sinh có trong đó. Ví dụ, nhiều đồ dùng có nhựa bẩn thì còn có các chất như niken, đồng, chì, cadmi...Hiện trên thị trường, các loại chai đựng nước ngọt hay hộp nhựa mỏng thường được làm từ nhựa #1 PET, tức là loại nhựa dùng một lần. Theo thời gian, khi chúng ta sử dụng lại và để chai tiếp xúc nhiều với ánh nắng, nhiệt độ cao…, các hóa chất, chất phụ gia, chất tạo màu được sử dụng trong quá trình chế tạo loại nhựa này có thể ngấm vào nước và gây độc hại cho sức khỏe. Ở 100 độ C, nhiều thành phần hóa học của đồ nhựa tái chế bị biến đổi. Chúng có thể dễ dàng tan vào thức ăn như canh, nước mắm, tương ớt, sữa chua, trà sữa...
Nguy cơ nhiễm độc do dùng nhựa tái chế - Ảnh 2.
Không chỉ thế, các loại chai lọ hay hộp làm từ loại nhựa này rất khó để cọ rửa sạch vì chúng là nhựa xốp, rất dễ bị ngấm hương liệu và vi khuẩn trong quá trình sử dụng. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa và nhất là sức khỏe của người dùng. Đối với các hộp làm từ nhựa kém chất lượng sẽ sản sinh chất độc BPA (nguyên nhân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư…).Để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua đồ nhựa đựng thực phẩm của những nhãn hiệu có uy tín, có chứng nhận của cơ quan kiểm định. Chọn mua những đồ nhựa có độ trong, bóng cao, bề mặt không bị nhám hoặc xước. Bạn cũng nên sử dụng đồ đựng thực phẩm bằng nhựa vô cơ vì loại nhựa này thường ít gây độc hại hơn so với nhựa hữu cơ. Để phân biệt 2 loại nhựa này, soi dưới ánh nắng mặt trời, nhựa hữu cơ sẽ vẫn nhìn thấy ánh nắng mặt trời còn nhựa vô cơ không cho ánh nắng đi qua.
Nguy cơ nhiễm độc do dùng nhựa tái chế - Ảnh 3.
Bạn cũng có thể nhận biết chất lượng nhựa bằng cách nhìn dưới đáy hộp. Ở mỗi sản phẩm nhựa, phía dưới đáy đều có biểu hiện nguyên liệu nhựa thông qua các ký hiệu. Trong đó, có 2 loại nhựa được khuyên dùng để đựng thực phẩm là nhựa PP và tritan. Nhựa PP (ký hiệu số 5) có màu hơi đục, khá dẻo; nhựa tritan (ký hiệu số 7 giống ký hiệu nhựa của PC) có độ trong suốt hơn nhựa PC, trong suốt như thủy tinh và có ký kiệu BPA free (không có BPA). Hiện nay, trên thị trường có rất ít sản phẩm làm bằng nhựa tritan do giá thành nguyên liệu đắt hơn các loại nhựa khác. Tuyệt đối không sử dụng nhựa PC (cũng có ký hiệu số 7) vì đây là loại sản sinh chất BPA.