Nguy cơ Vietnam Airlines bị hủy niêm yết trên sàn HoSE rất lớn
Năm 2020 và 2021 Vietnam Airlines ghi nhận lỗ, nếu năm 2022 hãng hàng không quốc gia tiếp tục lỗ thì án hủy niêm yết buộc phải thực hiện và nguy cơ này được đánh giá là rất cao...
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM thông báo về việc giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP.
Theo đó, HOSE sẽ giữ nguyên diện kiểm soát đổi với cổ phiếu HVN theo Quyết định số 359/QĐ-SGDHCM ngày 01/06/2022 của SGDCK TP.HCM. Nguyên nhân do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng, căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính kiểm toán 2 năm gần nhất 2020 và 2021 là số âm, thuộc chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2022 đã được soát xét bởi Công ty Kiểm toán Deloitte Việt Nam, tại ngày 30/6/2022, nợ ngắn hạn của Tổng Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 36.425 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng và khoản phải trả quá hạn của Tổng công ty là 14.858 tỷ đồng.
Trong kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc cùng ngày, Tổng công ty có kết quả kinh doanh hợp nhất lỗ sau thuế với số tiền là 5.237 tỷ đồng, trong đó lỗ sau thuế công ty mẹ 5.167 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến kỳ này là âm 28.904 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 4.897 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cho biết, căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau "Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Do đó, HoSE lưu ý công ty về khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ và/hoặc vốn chủ sở hữu là số âm.
Nguy cơ bị hủy niêm yết của Vietnam Airlines là khá lớn. Bởi trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đặt mục tiêu doanh thu công ty mẹ 45.252 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu tăng nhưng công ty vẫn dự kiến sẽ lỗ ròng 9.335 tỷ đồng trong năm nay, giảm 23,5% so với khoản lỗ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 9.335 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh lỗ được xây dựng trên cơ sở năm nay hãng hàng không quốc gia lên kế hoạch vận chuyển 17 triệu khách cùng 271.200 tấn hàng hóa.
Trước đó, bên kiểm toán cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê. Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng công ty.
Mặc dù vậy, trong một nỗ lực không ngừng nghỉ, Vietnam Airliens đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022 Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất bao gồm:
Một là, giải pháp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh vận tải hàng không là thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi, nhanh chóng phục hồi và cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh; sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Hai là, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiển và cuối cùng là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.