Nhà đầu tư phải thận trọng với hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”
Có vụ kiện cho thấy nếu không tìm hiểu kỹ thông tin, nhà đầu tư sẽ phải “nắm dao đằng lưỡi”, mất tiền đầu tư khi tham gia giao kết các hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”...
Chị Nguyễn Thị V. (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ với VNEconomy, hồi đầu tháng 6/2023, chị nhận được điện thoại của Công ty S. mời tham gia hội thảo tri ân khách hàng.
“CÀI” NHIỀU ĐIỀU KHOẢN BẤT LỢI?
Theo lời chị V., nhân viên cho biết công ty sắp ra mắt “thẻ du lịch thông minh” nên muốn gửi tặng vé máy bay và voucher khách sạn 3 ngày 2 đêm với điều kiện là khách hàng cần phải đến hội thảo nghe giới thiệu về các khu nghỉ dưỡng. Tại buổi hôm đó, các nhân viên cũng liên tục chia sẻ về “thẻ du lịch thông minh”. Với những ai quan tâm thì nhân viên sẽ trưng ra hợp đồng ký kết về việc “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”…
Sau buổi hội thảo trên, chị V. được đơn vị này tặng 2 voucher bao gồm 2 đêm nghỉ dưỡng ở khách sạn hạng sang tại Đà Nẵng – Hội An… và vé máy bay khứ hồi chặng bay Hà Nội – Đà Nẵng, hạn sử dụng đến 16/11/2023.
Tuy nhiên, khi về nhà, chị V. kiểm tra thì thấy vé máy bay không có dấu, hoàn toàn không có giá trị. Còn liên hệ với khách sạn thì không có ai nghe máy, hoặc máy bận, không thể liên lạc. Lúc này, chị V. nhận thấy các voucher này không có giá trị sử dụng.
Hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu tìm hiểu du lịch của người dân tăng cao. Tuy nhiên, ngày 5/7, Bộ Công an cũng phát đi thông cáo cho biết, thời gian gần đây, mô hình "sở hữu kỳ nghỉ du lịch" được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam.
Trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà…của người dân để lừa đảo, trục lợi.
Mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 07 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.
Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.
Một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ chủ động gọi điện thoại thông báo chương trình “tri ân khách hàng”, với những lời mời chào hấp dẫn, đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia.
Bộ Công an cho biết, ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian nhanh chóng. Trong khi hợp đồng với số lượng lớn trang giấy A4 nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, ký các điều khoản không rõ ràng, trong hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.
Thời gian qua, cơ quan công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…
Thực tế tố tụng cũng ghi nhận có vụ kiện nhà đầu tư chật vật “đáo tụng đình” song không đòi được tiền đầu tư.
Theo đó, vào trung tuần tháng 6/2023, TAND TP Hà Nội đã xét xử vụ kiện tranh chấp hợp đồng dịch vụ giữa anh Hồ Hoàng T. (ở Hà Nội) và Công ty O. liên quan đến hợp đồng “sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.
Theo đó, năm 2018, anh T. có mua quyền nghỉ dưỡng tại khu nghỉ dưỡng C. của công ty này với thời hạn 20 năm (thẻ Gold, từ năm 2019-2038). Anh T. đã nộp 220 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, công ty chưa hoàn thành khu nghỉ dưỡng để đưa vào khai thác. Anh T. không sử dụng được các dịch vụ của công ty.
Khi vụ việc ra tòa, công ty phản bác cho rằng, anh T. đã nâng cấp hợp đồng trên nhưng lại không thanh lý hợp đồng cũ. Anh T. cũng không có văn bản yêu cầu nghỉ dưỡng. Như vậy, khách hàng không sử dụng, không phải do công ty không phục vụ. Công ty còn có đơn phản tố là anh T. vi phạm nghĩa vụ đóng phí quản lý. Do không nắm kỹ thông tin hợp đồng nên anh T. không đòi được khoản tiền đã đầu tư.
CẢNH GIÁC TRƯỚC KHI MUA GÓI DỊCH VỤ “SỞ HỮU KỲ NGHỈ DU LỊCH”
Theo Bộ Công an, hầu hết hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.
Tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.
Đối với khách hàng đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ để bán lại hưởng lợi nhuận, việc chuyển nhượng thành công kỳ nghỉ cho người khác phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.
Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân, cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ này.
Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.
Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.