07:02 13/07/2023

Nhận diện thách thức để giữ vững "tấm khiên" tỷ giá trong nửa cuối năm 2023

Hoàng Lan

Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá tương đối ổn định với mức tăng giá nhẹ so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5 và tiếp tục xu hướng tăng cho đến ngày 12/7. Chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức cao…

Giới phân tích dự báo tỷ giá có thể tiến đến mốc 24.500 VND/USD.
Giới phân tích dự báo tỷ giá có thể tiến đến mốc 24.500 VND/USD.

Trong nửa đầu năm 2023, chỉ số đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh khi Fed dần đi vào chặng cuối của chu kỳ nâng lãi suất.

VND ỔN ĐỊNH TRONG BỐI CẢNH NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC LIÊN TỤC GIẢM LÃI SUẤT ĐIỀU HÀNH 

Đồng thời, quan điểm về chính sách tiền tệ đang định hình diễn biến của các đồng tiền còn lại. Việc ECB tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ đã giúp đồng EUR tăng nhẹ so với đồng USD trong nửa đầu năm, mặc dù khu vực Eurozone được xác nhận rơi vào suy thoái kỹ thuật trong hai quý liên tiếp là quý 4/2022 và quý 1/2023.

Ở khu vực châu Á, lập trường duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng trung ương Trung Quốc và Nhật Bản khiến cho đồng tiền hai nước này tiếp tục mất giá thêm khoảng 5% và 9,3% so với đồng USD trong nửa đầu năm nay.

Đối với Việt Nam, VND ổn định trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm. 

 

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD trong suốt quý 2 năm nay dao động trong biên độ hẹp, trong khoảng 23.610-23.755 đồng đổi 1 USD, tăng 0,4% so với cuối năm 2022. 

Tại một toạ đàm mới đây do VnEconomy và các bên liên quan tổ chức, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định: trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, trong 6 tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng chủ động, linh hoạt. Tỷ giá trung tâm giữa USD và VND 6 tháng đầu năm 2023 vẫn được giữ ở mức ổn định.

Theo ông Trung, một trong những điểm sáng góp phần ổn định thị trường ngoại tệ là dòng kiều hối vào Việt Nam không ngừng tăng trong những năm qua. Tính riêng quý 1 năm 2023, chuyển giao vãng lai (thu nhập thứ cấp) (thu) đã đạt 3,642 tỷ USD, tăng 14% so với quý trước (tăng 12,76% so với cùng kỳ năm trước). Dòng kiều hối vào Việt Nam hàng năm giai đoạn 2010 – 2022 trung bình hơn 10 tỷ USD (chiếm trung bình khoảng 4% GDP / năm). .

Nguồn: NHNN, World Bank.
Nguồn: NHNN, World Bank.

Do đó, giữ vững thành quả ổn định tỷ giá là ưu tiên quan trọng khi điều hành chính sách tiền tệ nửa cuối năm 2023.

Ngoài ra, theo một số chuyên gia, áp lực đối với tỷ giá trong năm 2023 được giới phân tích nhận định là không mạnh bằng năm trước do: (i) Việt Nam sẽ ghi nhận thặng dư thương mại cao; (ii) lạm phát trong xu hướng giảm và (iii) dự trữ ngoại hối đang được tích luỹ trở lại.

Tuy nhiên, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã nhích dần lên trong tháng 5/2023 (+0,13% so với tháng 4) và riêng trong tháng 6 tăng 0,4% so với cuối tháng 5. Trên thị trường phi chính thức, tỷ giá tự do đã tăng 0,8% trong tháng 6.

Nhận diện thách thức để giữ vững "tấm khiên" tỷ giá trong nửa cuối năm 2023 - Ảnh 1

3 ÁP LỰC GÂY MẤT GIÁ VND TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2023

Kể từ tháng 6/2023 đến 7/7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh tỷ giá trung tâm theo xu hướng tăng; trước khi giảm nhẹ trong 3 phiên từ 10 đến 12/7.

Tỷ giá trung tâm hôm 12/7 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.772 VND/USD. Áp dụng biên độ 5%, hiện tỷ giá các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.583 - 25.961 VND/USD.

Ngày 12/7, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank là 23.490-23.860 VND/USD, cao hơn 0,47-0,55% so với cuối năm 2022.

Hiện tại, chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng tại các kỳ hạn chủ chốt đang ở mức cao kỷ lục, cao nhất là 4,43 điểm % đối với lãi suất qua đêm và thấp nhất là 0,83 điểm % đối với lãi suất kỳ hạn 3 tháng.

Đối với các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, lãi suất VND cao hơn khoảng 0,3-1,4 điểm % so với lãi suất USD.

Theo chuyên gia, chênh lệch lãi suất nới rộng hiển nhiên sẽ kích thích hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade), và tạo nên áp lực mất giá đối với VND.

Nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Rồng Việt dự báo mức xem xét tiếp theo là 24.500 VND/USD. Tỷ giá có thể tăng vượt mức này nếu đồng USD tăng tốc mạnh. Dự báo của nhóm phân tích được đưa ra dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, báo cáo triển vọng nửa cuối năm của đa số các tổ chức tài chính đều cho rằng triển vọng đồng USD nửa cuối năm 2023 là tích cực. Kỳ vọng chung là đồng tiền này sẽ neo ở mức cao nhờ lãi suất hấp dẫn và vai trò nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới lao đao.

Thứ hai, đồng NDT của Trung Quốc đã mất giá khoảng 5,2% trong nửa đầu năm 2023, là đáng kể so với mức mất giá khoảng 8,5% trong năm 2022. Sự phục hồi tăng trưởng sau mở cửa của Trung Quốc gây thất vọng và chính sách nới lỏng tiền tệ tiếp diễn trong nửa sau của năm nay đưa đến kỳ vọng đồng NDT sẽ còn mất giá thêm trong năm 2023. Với mức tương quan mạnh giữa đồng VND và đồng NDT, nhóm phân tích cho rằng diễn biến “đứng yên” nửa đầu năm khó có thể duy trì được lâu.

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành khá quyết liệt trong nửa đầu năm 2023, đứng về mục tiêu tăng trưởng và hạ bớt tấm khiên về ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa cải thiện nhiều trong quý 3 cũng là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước cân đối giảm tiếp lãi suất điều hành.