20:27 22/02/2023

Nhận diện thủ đoạn từ xử lý 140.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, nộp ngân sách gần 13.000 tỷ

Trâm Anh

Báo cáo từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết năm 2022 đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nộp ngân sách 12.829 tỷ đồng, giảm gần 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các đơn vị mới dừng lại ở việc phát hiện, xử lý những vụ việc nhỏ lẻ, đối tượng vận chuyển, làm thuê…

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sắp tới sẽ tiếp tục xác định địa bàn, lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để đánh trúng đường dây, ổ nhóm.
Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sắp tới sẽ tiếp tục xác định địa bàn, lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để đánh trúng đường dây, ổ nhóm.

Ngày 22/2, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Hội nghị do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì.

TẬP TRUNG ĐÁNH MẠNH, ĐÁNH TRÚNG CÁC ĐƯỜNG DÂY

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc ghi nhận những nỗ lực của Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

 

Tuy nhiên, "trong thời gian tới cần tiếp tục xác định địa bàn, lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm để có giải pháp đánh đúng, đánh trúng đường dây, ổ nhóm và có hình thức xử lý nghiêm để răn đe", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia lưu ý.

Cùng với đó, trong năm 2023, cần đặt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lên hàng đầu, phản ánh kịp thời, chính xác tình hình và kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các biểu hiện tiêu cực, bất cập trong hoạt động công vụ của các lực lượng chức năng.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...

Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phối hợp kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin phù hợp với tình hình mới...

NHẬN DIỆN THỦ ĐOẠN

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải, cho biết kết quả năm 2022, các bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm, tăng 1,17% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo trên, các đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.945 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, giảm 17,75% so với cùng kỳ năm 2021; 124.121 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế, tăng 2,36% so với cùng kỳ năm 2021; 3.692 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng mạnh 56,51% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Qua việc xử lý vi phạm thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng, giảm 29,92% so với cùng kỳ năm 2021; đồng thời, khởi tố hình sự 642 vụ, giảm 68,96% so với cùng kỳ năm 2021 và 720 đối tượng, giảm 73,86% so với cùng kỳ năm 2021.

Qua kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các vụ việc vi phạm, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng nhận diện ra nhiều phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... 

Cụ thể, "trên tuyến biên giới, đối tượng cầm đầu thuê người dân thông thuộc địa hình tập kết hàng hóa ở địa bàn nước ngoài đối diện, chờ cơ hội thuận lợi, sử dụng phương tiện phù hợp vận chuyển hàng hóa qua sông, suối, đường mòn, lối mở hoặc trực tiếp mang vác hàng hóa qua rừng, đồi, đường mòn biên giới hoặc xé lẻ, trà trộn với hàng chính ngạch vận chuyển vào Việt Nam", ông Hải cho biết.

Trường hợp bị phát hiện, truy bắt, các đối tượng vận chuyển các loại hàng cấm hàng hóa khác thường bỏ lại phương tiện, tang vật chạy thoát thân để tránh bị bắt giữ, xử lý hình sự hoặc chống trả quyết liệt, kích động số đông người dân địa phương đến hiện trường gây áp lực, chống người thi hành công vụ, cướp lại và tẩu tán số hàng hóa vừa bị bắt giữ.

Tại khu vực cửa khẩu, cảng biển, đối tượng lợi dụng việc thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp đồng thương mại, thông qua các pháp nhân, đăng ký trụ sở làm việc tại địa chỉ không có thật.

Ngoài ra, đối tượng còn lợi dụng quy định thông thoáng trong việc khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa, kho ngoại quan, quản lý rủi ro trên hệ thống thông quan hàng hóa tự động, hậu kiểm về hải quan để buôn lậu, khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, trị giá, gian lận xuất xứ, trà trộn với hàng hóa chính ngạch nhập khẩu; hoặc phá niêm phong, tẩu tán hàng trên đường vận chuyển hoặc thẩm lậu sau khi tạm nhập, tái xuất, quá cảnh hàng hóa; hoặc chia nhỏ, thuê người vận chuyển hàng cấm, hàng đã qua sử dụng, hàng không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam.

Tại địa bàn nội địa, đối tượng lợi dụng các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; lợi dụng hiểu biết hạn chế, tâm lý thích hàng ngoại, hàng giá rẻ để trà trộn hàng giả, hành kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với hàng thật, lừa bán cho người tiêu dùng ở các khu dân cư, khu vực nông thôn…

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc chủ trì hội nghị.

Thông tin chi tiết về tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết hoạt động buôn lậu giảm đáng kể, không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

"Các đối tượng chủ yếu lợi dụng việc khai báo thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với các loại hàng hóa như vải, thực phẩm đông lạnh, bánh kẹo, hàng nông sản, hàng gia dụng… qua cửa khẩu các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai để gian lận thương mại, trốn thuế, nhập khẩu hàng có điều kiện, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ", ông Hải cho biết. 

Còn tuyến biên giới Việt Nam - Lào, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm 2022. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới các tỉnh Điện Biên, Sơn La vào Việt Nam trung chuyển sang Trung Quốc; mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, mỹ phẩm, thuốc tân dược, gỗ quý, rượu, bia, gia súc, gia cầm, hàng gia dụng… qua biên giới các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị...

MỚI XỬ LÝ VỤ VIỆC NHỎ LẺ, ĐỐI TƯỢNG LÀM THUÊ

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, chuyên đề; đồng thời, phát hiện, xử lý kịp thời nhiều vụ việc, đối tượng vi phạm, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 cũng thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế.

Theo đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng ở một số địa bàn chưa thực sự quyết tâm cao, chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo quyết liệt, chưa chủ động nắm tình hình, chưa quản lý tốt địa bàn, đối tượng, chưa có giải pháp kịp thời, hiệu quả, còn để xảy ra hoạt buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý.

"Kết quả phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vụ việc, nhất là các vụ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hành vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hoạt động lợi dụng môi trường thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng hóa giả mạo xuất xứ… còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở việc phát hiện, xử lý những vụ việc nhỏ, lẻ, đối tượng vận chuyển, làm thuê…, chưa tương xứng với tình hình thực tế", Ban Chỉ đạo 389 nhấn mạnh.

Đại diện diện một số lực lượng chức năng như biên phòng, cảnh sát biển, công an kinh tế cũng nêu khó khăn trong thực thi công vụ.

Đó là, một số cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập, chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời là kẽ hở để đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Song song, công tác trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin, phối hợp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý còn mang tính hình thức, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của các ngành, lực lượng, địa phương; kinh phí hoạt động cho lực lượng chức năng chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới....