09:04 23/06/2009

Nhân lực công nghệ cao: Thiếu "điều lệnh" và "tư lệnh"

Hoàng Lộc

Không thống nhất, không chính quy, làm việc còn thiếu liên kết là những đặc tính đặc thù của nhân lực công nghệ cao nước ta

Hình thành các mô hình liên kết nhóm là biện pháp thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao - ảnh minh họa.
Hình thành các mô hình liên kết nhóm là biện pháp thúc đẩy chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao - ảnh minh họa.
Theo báo cáo “Phát triển con người năm 2004” của UNDP, nhân sự làm R&D của Việt Nam có tới trên 50.000 người, nhiều gấp gần 5 lần Thái Lan và gần gấp 6 lần Malaysia.

Nhưng theo đánh giá của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI), thì hiện tại Việt Nam mới chỉ theo kịp trình độ của các quốc gia nói trên ở thời điểm cách đây trên dưới 20 năm, tính theo tổng số các công trình khoa học và công nghệ trên đầu người.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không hẳn hoàn toàn là nhân lực công nghệ cao của Việt Nam có trình độ hay năng lực kém hơn, bởi có một tỷ lệ rất cao đội ngũ này được đào tạo cơ bản ở nước ngoài. Tính không thống nhất, không chính quy, làm việc còn thiếu liên kết là những đặc tính đặc thù của hiện trạng nguồn nhân lực công nghệ cao.

Thiếu tính chính quy

Chuyên gia Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng Nghiên cứu tế bào gốc - Đại học Khoa học tự nhiên Tp.HCM ví von: “Một đội quân khổng lồ, tâm huyết, khí thế hừng hực, tuyệt nhiên không ô hợp, nhưng lại hành quân lộn xộn, không đi đều bước, quân trang quân dụng không đồng bộ, không có hướng tác chiến chung,... nói chung, thiếu “điều lệnh” và thiếu “tư lệnh”. Ít nhiều tính chính quy trong mỗi thành viên của đội quân chưa được “tích hợp” để trở thành một đội quân mang đầy tính chính quy”.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Giám đốc Trung tâm Đào tạo công nghệ cao Tp.HCM than phiền: “Trên thực tế, chúng ta hầu như chỉ quan tâm đến tầm nhìn trước mắt, đó là đầu tư vào công nghệ cao, chỉ là sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, mà quên rằng cốt lõi là việc đầu tư và phát triển ngành công nghệ cao của đất nước.

Trong khi đó, các trường đại học trong nước gần như đứng ngoài cuộc, không gắn mình vào “nhịp đập” ngành công nghệ cao mà lẽ ra chính mình là nơi đào tạo trụ cột”. PGS Tống đưa ra giải pháp bắc cầu, theo đó đầu tư xây dựng và quy chế hóa cho các đại học nghiên cứu để phát triển hệ thống nghiên cứu khoa học  theo cơ chế viện - trường - doanh nghiệp; xây dựng nền văn hóa nghiên cứu trong các trường đại học, các đô thị khoa học hay tòa nhà khoa học. Nói cách khác, các doanh nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao liên kết với trường đại học đào tạo nguồn lực cho mình.

Ông Trương Quang Học, thuộc Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: ở Việt Nam, nguyên tắc chung để có được nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay là đào tạo thông qua nghiên cứu và cho nghiên cứu theo xu hướng hội nhập. Mô hình và luật về khu công nghệ cao kết hợp với công tác giáo dục và đào tạo sẽ góp phần không nhỏ thậm chí có tính quyết định, nhằm giải quyết vấn đề này.

Hình thành các mô hình liên kết nhóm

Một trong các biện pháp thúc đẩy chất lượng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao là hình thành các nhóm, các tập thể nghiên cứu khoa học mạnh, qua đó tạo dựng các thủ lĩnh khoa học, và họ chính là những hạt nhân trong các tập thể nguồn nhân lực công nghệ cao.

Nhóm nghiên cứu khoa học cơ bản không giống như một cơ quan hành chính nhà nước, cũng không giống với cấu trúc nghiệp đoàn. Nhóm làm việc trên tinh thần không có lương cơ bản. Các khoản thu chi của nhóm phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu, kết quả chuyển giao công nghệ, phụ thuộc các đề tài khoa học hay dự án. Do vậy cấu trúc nhóm cần gọn nhẹ tối đa.

Nhóm này có vai trò như là một yếu tố có tính chất quyết định tới hình thức, quy mô và chất lượng của một hoạt động khoa học và công nghệ nào đó; và đồng thời là nền tảng quan trọng bậc nhất trong đào tạo, nhất là sau đại học (đối với các trường đại học phấn đấu trở thành đại học nghiên cứu). Trong đào tạo, nhóm nghiên cứu khoa học chú trọng việc đào tạo người tài, đào tạo các thủ lĩnh khoa học trong tương lai.

Theo chuyên gia Phan Kim Ngọc, để đánh giá năng lực của một nhóm nghiên cứu khoa học, vấn đề quan trọng nhất buộc phải có là: Nhóm nghiên cứu khoa học có thể thực hiện thành công một chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo một cách độc lập và có sức cạnh tranh sản phẩm.

Đồng thời, trong quá trình hoạt động, nhóm này phải tương tác với lãnh đạo chuyên môn, cũng như các thành viên của tổ chức khác, qua đó mọi thành viên trong nhóm có cơ hội học tập, tiếp thu, nắm bắt các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới, cần thiết. Nhờ vậy, nhóm sẽ có đủ yếu tố tối thiểu, đưa vào chương trình nghiên cứu của phòng thí nghiệm, tạo ra các ý tưởng mới, các thành tựu khoa học mới cũng như các sản phẩm đào tạo và công nghệ mới.