10:14 12/10/2010

Nhập khẩu than cho nhiệt điện: Khó chần chừ?

Mạnh Đức

Do nhiều dự án nhiệt điện “lỗi hẹn” nên việc nhập khẩu than đã được lùi đến 2015 thay vì 2013 như dự kiến trước đó

Lượng than cam kết cung cấp cho ngành điện đã vượt rất xa khả năng sản xuất trong nước.
Lượng than cam kết cung cấp cho ngành điện đã vượt rất xa khả năng sản xuất trong nước.
Quy hoạch phát triển ngành điện giai đoạn từ nay đến sau năm 2015 cho thấy, nhu cầu sử dụng than trong các nhà máy nhiệt điện là rất lớn.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), lượng than cam kết cung cấp cho ngành điện đã vượt rất xa khả năng sản xuất trong nước. Do đó, “bài toán” nhập khẩu than đã được tính đến.

Hiện nay, do nhiều dự án nhiệt điện “lỗi hẹn” nên việc nhập khẩu than đã được lùi đến 2015 thay vì 2013 như dự kiến trước đó. Song, điều này không có nghĩa là các chủ đầu tư còn thời gian để chần chừ.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) Nguyễn Mạnh Quân cho biết, nếu như trước đây nhiều doanh nghiệp rất khó tìm kiếm nguồn than ở nước ngoài thì nay đã có thể kỳ vọng vào một số thị trường được coi là nhiều hứa hẹn cho việc nhập khẩu than.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có hai chuyến công tác tại Nga, và thấy, Việt Nam có thể xúc tiến tìm kiếm nguồn than tại thị trường này, bởi đây là thị trường rộng mở với nhiều hình thức, mua đứt bán đoạn, hợp tác khai thác hoặc có thể mua cả mỏ. Hơn nữa, đặc điểm của các mỏ ở đây là 100% tư nhân nên họ có quyền điều hành và quyết định nhanh. Qua nhiều cuộc tiếp xúc, các đối tác đều có mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, giá cả đang là vấn đề khó khăn đối với các chủ đầu tư. Nếu không tính toán một cách thận trọng thì khi mua than về sẽ khó bán được bởi giá cao sẽ vượt quá sức chịu đựng của các nhà máy điện. Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành, qua thực tế khảo sát việc mua bán than của một số đối tác cho thấy, lúc đầu họ chào giá 70 USD/tấn, sau một hồi đàm phán giá đã được đẩy lên đến 120 USD/tấn.

Một vấn đề nữa là dường như bản thân các chủ đầu tư cũng không “mặn mà” với việc nhập khẩu than. Phó tổng giám đốc TKV Trần Chiến Thắng cho biết, mặc dù được Chính phủ giao nhiệm vụ là đầu mối nhập khẩu than cho các dự án nhiệt điện, nhưng thời gian qua chưa có một chủ đầu tư trong nước nào đến đặt vấn đề với TKV về việc nhập khẩu than cho nhà máy nhiệt điện mà họ dự định xây dựng và khó khăn chính của TKV là không biết nhập than về cho ai.

Hiện nay, TKV đã ký kết được 15 bản ghi nhớ với các đối tác cung cấp than, tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chỉ là ký trên nguyên tắc bởi không có thông số cụ thể của từng khách hàng cung cấp cho đối tác. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, dường như các chủ đầu tư chỉ muốn dùng than trong nước thay vì than nhập khẩu bởi ở có giá bao cấp của nhà nước.

Trên thực tế, chính bản thân TKV không “thiết tha” với việc nhập khẩu than để sản xuất điện ở các nhà máy do họ làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, với trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước được giao khai thác than để cung cấp cho nền kinh tế nói chung thì có thể thấy lượng than mà TKV sử dụng cho các nhà máy điện của mình chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng than cung cấp cho các nhà máy điện khác ngoài TKV.

Về phía EVN lại càng không muốn sử dụng than nhập khẩu cho các nhà máy điện do mình làm chủ đầu tư. Vì vậy, dù than trong nước được khai thác ở miền Bắc vận chuyển vào các nhà máy điện ở miền Nam sẽ bị đội chi phí lên khá cao nhưng EVN vẫn thích dùng than trong nước vì giá rẻ hơn than nhập.

Theo Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương) Tạ Văn Hường, trong khi một số doanh nghiệp “đàn anh” còn đang chần chừ và bày tỏ khó khăn trước việc nhập khẩu than thì đã có doanh nghiệp tư nhân ký xong hợp đồng mua than trong vòng 20 năm với nước ngoài và sẵn sàng làm đầu mối nhập khẩu than cho các doanh nghiệp trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết thêm, mới đây, An Viên Group và VinCom Group đã bày tỏ với Bộ có thể giúp các doanh nghiệp tìm nguồn than từ Nga. Tuy nhiên, vẫn còn một số chuyên gia tỏ ra lo ngại, có nên để nhiều đầu mối cùng tham gia nhập  khẩu than hay không, bởi mặt lợi là khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn than nhưng mặt hạn chế lớn hơn là dễ xảy ra hiện tượng cạnh tranh lẫn nhau.

Về điều này, ông Tạ Văn Hường cho rằng, không nên quá lo ngại, TKV vẫn là chủ đầu mối lo than cho các tập đoàn, các trung tâm điện lực vẫn có thể “mở cửa” cho các doanh nghiệp khác cùng tham gia, vấn đề là cần có một văn bản pháp quy linh hoạt, cụ thể để điều chỉnh.

Thời gian tới, Tổ liên ngành chỉ đạo nhập khẩu than của Chính phủ sẽ xây dựng một văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp nhập khẩu than đồng thời tránh xung đột giữa các doanh nghiệp. Tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu than phải theo sự điều hành của Tổ liên ngành này. Bởi việc nhập khẩu than không hề dễ dàng, doanh nghiệp nào làm được sẽ được khuyến khích, và khi nào phát triển “trên mức cần thiết” thì sẽ có biện pháp siết chặt lại.

Việc nhập khẩu than cho sản xuất điện là vấn đề hết sức cần thiết và phù hợp với hoàn cảnh thiếu nhiên liệu hiện nay. Thời gian không còn nhiều, do đó, nếu để nhập khẩu than cho năm 2015 thì cần đàm phán để có nguồn than ngay từ bây giờ...