23:15 30/05/2013

Nhật ký nghị trường: Day dứt biển Đông

Nguyên Thảo

Đại biểu Dương Trung Quốc: “Bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam, ai cũng biết là bài học cảnh giác”

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.
17h kém 5 phút, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “gói” lại một ngày thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, với nỗi lo chất chứa không chỉ ở các con số về kinh tế.

Trong nghị trình, các phiên thảo luận này luôn được truyền hình trực tiếp và được cử tri dành sự quan tâm đặc biệt. Hội trường cũng hiếm ghế trống.

Hôm nay (30/5) cũng không là ngoại lệ. 7h30 phút, các đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Đỗ Văn Đương, Bùi Đức Thụ, Trần Văn… đã có mặt ở hành lang. Sau một chút, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng xuất hiện với tư cách khách mời.

Thủ tướng cũng có mặt, cùng các thành viên Chính phủ đồng thời là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, chăm chú lắng nghe ý kiến của trên 40 vị đại biểu.

Màn hình vẫn chạy tên 35 vị đại biểu đã bấm nút đăng ký nhưng không có điều kiện phát biểu vì hết thời gian khi Quốc hội kết thúc phiên thảo luận chiều. Trong đó có Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên, doanh nhân Phan Văn Quý, luật sư Trương Trọng Nghĩa…

Nhưng không đăng đàn, không có nghĩa là thiếu "lửa". Báo chí luôn là cầu nối giữa đại biểu và cử tri.

Trở lại sự khác nhau giữa nhận định của Chính phủ và nhiều vị đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - một trong những tâm điểm của phiên thảo luận - khi trao đổi với VnEconomy,  Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên phân tích rằng nếu chỉ nhìn theo quý thì có thể thấy GDP tăng so với cùng kỳ. Nhưng nếu nhìn vào chỉ số nợ công tăng gấp hai lần, lạm phát cao và không ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm 1,6 lần thì rõ ràng kinh tế vĩ mô từ 2007 đến nay diễn biến theo chiều hướng xấu đi.

Trong khi đó, vấn đề rất đáng lưu ý trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, theo ông, là việc chậm tái cơ cấu doanh nghiệp đang gây thất thoát tài sản nhà nước.

Ví dụ rất cụ thể được ông Kiên dẫn chứng là Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam - Hà Nội (51% vốn nhà nước do SCIC quản lý) trong hai năm 2009 và 2011 chi thưởng âm, khi cổ đông phát hiện thì chuyển sang nợ phải thu. Còn 2012 lúc tình hình kinh tế khó khăn như thế lại trả thêm 16 tháng lương nữa cho người lao động và đội ngũ lãnh đạo. Điều này tất nhiên dẫn đến thiệt hại của chủ sở hữu.

Từ dẫn chứng này, ông Kiên cho rằng việc thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước cần thiết phải làm ngay, nhưng 5 tháng vừa rồi lại không thực hiện được.

Ở phiên thảo luận buổi sáng, đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM cũng đề xuất rất mạnh mẽ là Nhà nước phải rà lại toàn bộ vốn nhà nước lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng ở hàng trăm doanh nghiệp trong những ngành công nghiệp nhẹ không cần thiết phải nắm giữ.

Quan điểm về xây dựng một chương trình trung hạn trong ba năm phục hồi tăng trưởng kinh tế của đại biểu Lịch cũng được ông Kiên đồng tình cao. Và vì thế, trọng tâm của các phiên thảo luận hôm nay theo ông không chỉ là những vấn đề của 2013 vì mới đi chưa được nửa chặng đường.

Quốc hội phải thảo luận các vấn đề trung hạn, các biện pháp về vĩ mô để làm căn cứ thực hiện trong vòng 3 năm tới, ông Kiên nhấn mạnh.

Có thể khác nhau về các vấn đề được lựa chọn để phát biểu, nhưng tâm tư về tình hình đất nước thì không hẹn cũng gặp.

Dành quan tâm đặc biệt cho kinh tế biển, doanh nhân Phan Văn Quý, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương kiên nhẫn trở lại đề nghị từ kỳ họp trước là san sẻ nhiệm vụ trong lĩnh vực này của những đơn vị yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ cho các doanh nghiệp quốc phòng có năng lực. Kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế biển, tổ chức các đơn vị đánh bắt xa bờ có sự bảo vệ của các đơn vị quân đội.

Vị đại biểu - doanh nhân này cũng dùng hai chữ nghiêm trọng để chỉ mức độ của tình trạng gần đây có một số tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn cháy cabin, húc vỡ mạn thuyền, gây thiệt hại lớn.

"Chính sách ngoại giao cần uyển chuyển nhưng phải kiên quyết, như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã từng nói, chúng ta mềm mỏng nhưng không mềm yếu", ông viết trong phần phát biểu đã được chuẩn bị cẩn thận.

Cũng không đến lượt phát biểu tại hội trường, luật sư Trương Trọng Nghĩa chia sẻ với báo chí mối quan tâm không chỉ của ông về việc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ, quy mô và tính chất đáng báo động.

Dẫn số liệu từ nguồn của chuyên gia là trong khi xuất siêu trong năm 2012, thì Việt Nam lại nhập siêu trên 16 tỷ USD từ Trung Quốc, đại biểu Nghĩa lo ngại “có thể mọi nỗ lực và thành tích của chúng ta trong hơn hai thập kỷ qua trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, thương mại, công nghệ và thị trường đang có nguy cơ bị xóa sổ”.

Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ, ông Nghĩa nói.

Cùng quan tâm với vị đại biểu này, mối lo về biển Đông từ nghị trường hôm nay đầy day dứt.
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc, trước hàng triệu cử tri theo dõi qua truyền hình trực tiếp, nói “chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với nước Trung Hoa đang trỗi dậy. Nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ mà ông cha ta đã phải đương đầu. Nói cách khác đó là căn bệnh thời khí không thể không tính đến nếu muốn thân thể quốc gia cường tráng, đủ sức chịu đựng những thách thức của thời đại mà chúng ta đã hội nhập ngày càng sâu sắc”.

Luận về nền quốc phòng toàn dân, ông Quốc cho rằng không thể chỉ dựa vào ý chí của nhà nước. Nhắc bài học lịch sử "đoàn kết chúng ta giữ được nước, mất đoàn kết thì chúng ta mất nước", ông nhận xét báo cáo của Chính phủ dường như còn ít quan tâm đến vấn đề này.

“Chính phủ đã làm gì để góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân? Đó có thể sẽ là câu hỏi tôi chất vấn Thủ tướng nếu có cơ hội trong thời gian sắp tới”, ông phát biểu.

Nhắc Chính phủ đừng chỉ nhìn vào những vĩ mô hay đại cục diễn ra trên bàn hội nghị, những lời tuyên bố hay kể cả những văn bản ký kết, mà hãy quan tâm nhiều hơn nữa đến những việc tưởng nhỏ mà không nhỏ, ông lưu ý rằng “bài học sớm nhất trong lịch sử nhà nước Việt Nam, ai cũng biết là bài học cảnh giác”.