10:32 02/08/2011

Nhiệm kỳ Chính phủ mới và thách thức từ “ba khâu đột phá”

Nguyễn Hòa

Góc nhìn của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch về những thách thức trong nhiệm kỳ mới của Chính phủ

Đại biểu Trần Du Lịch trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: LQP.
Đại biểu Trần Du Lịch trên diễn đàn Quốc hội - Ảnh: LQP.
Sáng 3/8, Quốc hội sẽ phê chuẩn Chính phủ khóa 13. Trước đó, ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng mới tái đắc cử đã có bài viết nêu nhiệm vụ của Chính phủ nhiệm kỳ mới.

Theo bài viết của Thủ tướng, nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ này là thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Đưa đoàn tàu chạy trên đường ray

Trao đổi với VnEconomy, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch cho rằng, thực hiện cho được ba khâu đột phá này chính là những thách thức đặt ra đối với Chính phủ trong 5 năm tới.

Ông Lịch nói:

- Định hướng cho nhiệm vụ và nội dung trọng tâm mà Thủ tướng nêu ra trong bài viết khá rõ và nhằm giải quyết những vấn đề căn cơ của bài toán phát triển trong những năm tới. Nhưng đối chiếu với tình hình thực tiễn, nếu xây dựng lộ trình cụ thể và định lượng được cho cả ba khâu này thì lời giải không hề đơn giản, đòi hỏi một sự quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ sắp tới.

Lấy ví dụ một điểm trong khâu đột phá thứ nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.

Chúng ta đã có hàng chục năm cải cách hành chính, nhưng nền hành chính liên quan đến thể chế, con người, bộ máy, mà bộ máy liên quan đến tổ chức nhà nước, đến tổ chức chính quyền các cấp, tức là phụ thuộc vào Hiến pháp. Vậy theo dự kiến đến giữa nhiệm kỳ mới sửa đổi Hiến pháp thì đổi mới về thể chế hành chính cũng là khó khăn rồi và ảnh hưởng đến tiến độ rồi.

Liên quan đến nguồn nhân lực - khâu đột phá thứ hai - thực tế là thị trường lao động bất cập trong quan hệ cung - cầu. Nhưng nếu thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng chất lượng cao thì cơ cấu sản xuất phải được thay đổi tương ứng?

Ở đây gắn vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao với chuyển dịch cơ cấu kinh tế như thế nào để có được sự phù hợp cung-cầu trên thị trường lao động là vấn đặt ra trong nhiều năm qua.

Trong khi trên thực tế, công nghệ lạc hậu, công nghiệp chủ yếu là gia công thì nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu động lực phát triển?

Còn về khâu thứ ba là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn thì cũng có quá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là sự bất cập về nguồn vốn đầu tư.

Tình trạng đường sắt còn quá lạc hậu, đường bộ cũng quá tải nghiêm trọng, nguồn vốn thì có hạn mà kêu gọi theo phương thức BT, BOT hay PPP thì cũng rất hạn chế. Nếu định lượng hết các vấn đề nêu trên thì tôi cho rằng trong 5 năm tới nhiệm vụ của Chính phủ mới thật sự là những thách thức.

10 năm qua, nền kinh tế tăng trưởng khá, nhưng đồng thời cũng tích tụ những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế, mà trong 3 năm qua vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng đã đặt ra gay gắt rồi.

Tôi hình dung thực hiện 3 đột phá chiến lược, xét về trung và dài hạn, làm sao phải đưa "con tàu kinh tế  việt nam" chạy đúng trên đường ray của nó. Ba khâu đột phá mà Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh, chính là tạo ra đường ray như vậy.

Chưa đặt vấn đề tàu chạy nhanh chậm mà phải đúng đường ray đã, nếu không thì càng chạy càng sinh chuyện, càng tích tụ khó khăn.

Quan trọng là phân bổ nguồn lực hiệu quả.

Ông có cho rằng vì phải tập trung chống lạm phát và giải quyết những khó khăn trước mắt mà những giải pháp căn cơ cho trung và dài hạn đang “lỡ nhịp” không?

Lẽ ra năm 2011, năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, phải đồng thời giải quyết cả những vấn đề ngắn hạn và tính đến trung và dài hạn. Nhưng theo quan sát của tôi thì những giải pháp trung và dài hạn phải "nhường chỗ" cho những giải pháp tình thế nhằm ứng phó với lạm phát.

Trong 3 năm qua chúng ta vừa chống chọi với khó khăn do tác động từ bên ngoài và bất ổn từ nội tại cơ cấu kinh tế, để duy trì mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu, giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh nên chủ yếu vẫn tập trung cho các vấn đề ngắn hạn.

Tôi lấy một ví dụ về chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Lâu nay ta cứ nghe nói phải đổi mới công nghệ mà quên mất một điều rằng doanh nghiệp họ chẳng cần biết công nghệ gì, công nghệ nào cũng được, miễn làm ra lợi nhuận cao nhất.

Nhìn lại thời gian vừa qua, với điều kiện của Việt Nam, doanh nghiệp họ cảm thấy gia công là mang lợi nhuận cao đầu tư xây dựng thương hiệu riêng, thì họ cứ đi theo hướng đó, dẫn đến sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Lợi ích quốc gia và lợi ích doanh nghiệp không phải lúc nào cũng gặp nhau.

Vấn đề là Nhà nước đã thấy như thế thì cần có chính sách để cho người ta nhìn thấy làm theo chính sách đó thì có lợi hơn chứ không phải kêu gọi họ đầu tư theo công nghệ nào. Tôi muốn nói là, Nhà nước muốn gì phải thể hiện qua chính sách cụ thể để tác động vào thị trường, chính thị trường sẽ tác động vào định hường đầu tư của doanh nghiệp, chứ không thể kêu gọi doanh nghiệp được.  

Bài viết của Thủ tướng có nhấn mạnh triết lý tăng trưởng mới - tăng trưởng dựa trên sức cạnh tranh. Ông nghĩ thế nào về triết lý mới này?

Thực chất thì cạnh tranh là thuộc tính của thị trường, không có cạnh tranh thì không có thị trường. Điểm mới ở đây là Thủ tướng đã nêu rõ hơn việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng. Chính cạnh tranh sẽ tạo nên hiệu quả của tăng trưởng kinh tế và nhấn mạnh đến quan điểm không còn để ưu đãi cho riêng thành phần kinh tế nào và hạn chế  khu vực không cạnh tranh, tức khu vực nhà nước.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ chế phân bổ nguồn lực. Vì nguồn lực là hữu hạn, song theo cơ chế phân bổ hiện nay còn dẫn đến tình trạng người có khả năng tạo ra hiệu quả cao thì không có nguồn lực và ngược lại. Đây là vấn đề vấn đề cần được ưu tiên giải quyết, kể cả khu vực tư nhân, chứ không riêng khu vực nhà nước.

Bên cạnh đó, cạnh tranh bây giờ không chỉ ở trong nước mà là cạnh tranh toàn cầu. Vấn đề thách thức rất lớn ai cũng thấy là mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa trên lợi thế tĩnh, còn đa phần các nước công nghiệp mới họ đi lên từ lợi thế động.

Lợi thế động là do con người tạo ra và là vô hạn, còn lợi thế tĩnh là hữu hạn. Muốn phát triển phải tạo lợi thế động mà điều đó chúng ta chưa làm được.

Thực tế hiện nay chúng ta vẫn đang tồn tại 63 nền kinh tế tỉnh, địa phương nào có tiềm năng gì làm cái đó, có nước sâu làm cảng, bờ biển tốt thì chia đất làm du lịch, có titan thì bóc lên để bán…

Tôi không trách chính quyền các địa phương, mà với cơ chế quản lý kinh tế nói chung và cơ chế phân bố, sử dụng nguồn lực hiện hiện nay, thì mỗi địa phương phải tự lo cho mình với những gì mà mình đang có.

Nên thật oái ăm, có cái tưởng là lợi thế động thì biến thành con dao hai lưỡi. Ví dụ để ưu đãi để kêu gọi đầu tư, với giá thuê đất bằng không hoặc miễn tiền thuê đất trong 10-15 năm, nhiều doanh nghiệp chiếm đất rồi để đấy, gây nên lãng phí lớn.

Chúng ta có nhiều cơ hội để tạo lợi thế động không, thưa ông?

Tất cả đều được tạo ra từ thể chế, thể chế tốt sẽ trở thành nguồn lực vật chất, như tôi đã phân tích trong một bài viết trên VnEconomy, Đổi mới thể chế kinh tế: Tốn kém ít, hiệu quả cao.

Có ba việc Nhà nước cần làm tốt, đó là làm quy hoạch, ban hành chính sách và giám sát. Tôi rất mừng là trong bài của Thủ tướng đã nêu khá rõ về quan điểm này với tư duy là "chuyển từ nhà nước điều hành nền kinh tế sang nhà nước kiến tạo phát triển".

Nếu ba khâu này chỉ làm không tốt một khâu giám sát thôi thì đã tạo ra bất bình đằng ngay trong một nền kinh tế. Ví dụ nhỏ như kiểm soát không tốt, không phát hiện xử lý nghiêm để một bộ phận trốn thuế thì đã bất bình đẳng với những anh làm ăn ngay ngắn. Hay để doanh nghiệp chạy chọt chiếm đất giá rẻ thì đã lợi hơn anh không chạy rồi.

Là người nhiều năm theo đuổi nghiên cứu kinh tế vĩ mô, theo ông nên ưu tiên khâu nào để có thể tạo lợi thế động?

Lợi thế động bao giờ cũng bắt đầu từ nguồn nhân lực, cái đó chỉ có thể do thể chế tạo ra. Cách đây 10 năm Nghị quyết Đại hội IX đã yêu cầu hoàn thiện 5 loại  thị trường: thị trường hàng hóa, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ. Vậy muốn hoàn thiện thể chế thì từng loại thị trường cần sửa đổi bổ sung bao nhiêu luật, cái gì cũng phải luật hóa. Chứ như thị trường bất động sản, đâu chỉ Bộ Xây dựng quản lý là được.

Nhưng khi chờ hoàn thiện hệ thống pháp luật thì cũng cần chọn một số vấn đề để làm ngay. Như khi chưa có một đạo luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước thì có thể chọn 1 số ít tập đoàn để thí điểm minh bạch hoạt động theo các tiêu chí của doanh nghiệp đăng ký trên thị trường chứng khoán…

Ông vừa đề cập đến bất cập trong quản lý, vậy theo cơ cấu tổ chức của Chính phủ vừa được trình Quốc hội, bất cập này liệu có được khắc phục?

Rất tiếc là sau 4 năm thực hiện chưa tổng kết được mô hình quản lý đa ngành đa lĩnh vực thật rõ nét.Tuy báo cáo của Chính phủ cũng có có nêu những ưu nhược điểm, nhưng chưa thấy giải pháp để xử lý. Còn với lý do chờ sửa Hiến pháp để cơ cấu lại thì nhiều ý kiến cho rằng việc đó chỉ cần Quốc hội quyết, đâu cần chờ sửa Hiến pháp.

Xác định trách nhiệm của bộ trưởng trong hoạt động lập pháp

Vào kỳ họp giữa năm ngoái, ông và một số vị đại biểu khác đã từng “đòi nợ” Chính phủ ngay tại nghị trường đề án tái cấu trúc nền kinh tế. Theo ông đây có phải là thách thức lớn của Chính phủ nhiệm kỳ mới?

Tôi cũng không biết số phận đề án này ra sao rồi. Chính phủ có nói rằng sẽ lồng nội dung này vào kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 nhưng đọc kế hoạch cũng không thấy lồng chỗ nào cho rõ cả.

Khi dự thảo ban đầu thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đưa ra 7 nhóm vấn đề. Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, trước mắt tập trung làm nhanh 4 nhóm và mỗi nhóm có hệ thống chính sách riêng.

Thứ nhất là phải cấu trúc lại đầu tư công, dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ.

Thứ hai là tái cấu trúc thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng.

Thứ ba, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và phải ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước.

Thứ tư là tái cấu trúc lại thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Đã tới lúc không phải cái gì xuất khẩu được là xuất, không chạy theo kim ngạch đơn thuần mà phải tính toán giá trị nội địa hóa trong cớ cấu giá trị xuất khẩu và hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Cần phát triển thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa.

4 vấn đề này cần được ưu tiên triển khai ngay từ đầu nhiệm kỳ, phải bằng hệ thống pháp luật điều chỉnh, chứ không phải trên quan điểm định hướng. Quan điểm chính sách muốn đi vào cuộc sống phải thể hiện qua pháp luật.

Nhưng việc này còn liên quan đến vai trò của Quốc hội, bởi chính ông và nhiều vị đại biểu khác đã hơn một lần đề nghị sớm ban hành luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Song đến nay đề nghị vẫn chỉ là đề nghị?

Cũng phải thừa nhận thực tế là Quốc hội ta chưa chủ động trong hoạt động lập pháp, song thực tế là  có những dự án luật Chính phủ không chuẩn bị nổi thì phải để lại.

Tới đây Quốc hội thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh tôi sẽ đặt vấn đề nếu đã giao cho bộ trưởng chủ trì soạn thảo luật mà không làm được thì Quốc hội nên xác định trách nhiệm chính trị của vị đó.

Với đặc thù của Việt Nam thì không đòi hỏi Quốc hội quá nhiều được, Chính phủ phải chủ động trong xây dựng chính sách  và đề xuất các đạo luật để chuyển tải chính sách đi vào cuộc sống.