Nhiều chính sách an sinh có hiệu lực từ 01/01/2022
Từ tháng 1/2022, nhiều chính sách liên quan đến an sinh, người lao động có hiệu lực, trong đó có tăng lương hưu, tăng mức đóng bảo hiểm tự nguyện...
Nhiều chính sách với phạm vi ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội của người dân có hiệu lực như: Tăng thêm 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021 cho một số nhóm đối tượng; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu...
Tăng lương hưu, trợ cấp 7,4%
Từ ngày 1/1/2022, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ cấp hằng tháng được tăng lương hưu, trợ cấp với mức 7,4% theo Nghị định 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng.
Đối tượng điều chỉnh bao gồm: những người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng trước tháng 1.2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tháng 1.1995 sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người.
Mức điều chỉnh chung cho các đối tượng là 7,4%. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, những người nghỉ hưu trước năm 1995 mà có mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng được điều chỉnh tiếp.
Cụ thể, đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng trở xuống tăng thêm 200.000 đồng/tháng; đối với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Từ 1/1/2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, năm 2022, lao động nam được nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi 6 tháng, tăng 3 tháng so với tuổi nghỉ hưu quy định của năm 2021, lao động nữ được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi 8 tháng, tăng 4 tháng so với năm 2021.
Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5-10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu hằng năm của người lao động là nhằm tiến tới đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu
Từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ thay đổi căn cứ vào Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, quy định về chuẩn hộ nghèo ở khu vực nông thôn giai đoạn 2021-2025 là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ nghèo tại khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống.
Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu từ 1/1/2022 sẽ tăng lên.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất sẽ là 330.000 đồng/tháng (cách tính bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn: 22% x 1,5 triệu đồng). Hiện nay, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất mà người tham gia bảo hiểm xã hội phải đóng, bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn là 154.000 đồng/tháng (22% x 700.000 đồng).
Cùng với đó, mức hỗ trợ tiền đóng của nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng tăng lên. Theo đó, đối với người tham gia thuộc hộ nghèo thì số tiền hỗ trợ sẽ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng; hỗ trợ cho hộ cận nghèo tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng và hỗ trợ cho người tham gia thuộc đối tượng khác tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng.
Do năm 2022 chưa thực hiện cải cách tiền lương nên lương cơ sở 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng. Vì thế, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là 29.800.000 đồng/tháng.
Thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống ở thành thị được coi là nghèo
Nghị định số 07/2021/NĐ-CP về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ban hành từ năm 2015, quy định từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.
Trước đây, ở thành thị, hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; hoặc trên 900.000 đồng-1,3 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên thì mới được coi là hộ nghèo. Còn ở nông thôn, hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; hoặc trên 700.000 đồng-1 triệu đồng và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Cấp thẻ BHYT miễn phí cho người thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều
Theo BHXH Việt Nam, những người thuộc diện chuẩn nghèo cũ từ nay sẽ phải chủ động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình và không được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như trước đây. Còn các đối tượng thuộc diện chính sách chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT miễn phí kể từ ngày 1/1/2022.
Lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng BHXH và thuế 2 lần
Từ ngày 1/1/2022, luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chính thức có hiệu lực.
Tại luật sửa đổi lần này là quy định quyền của Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng BHXH hoặc thuế thu nhập cá nhân 2 lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về BHXH hoặc hiệp định tránh đánh thuế 2 lần…
Luật có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài, nhất là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục…
Luật quy định rõ cấm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong các công việc sau: massage tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…