11:20 25/04/2022

Ảnh hưởng từ chiến tranh Nga-Ukraine: Nhiều nước ngấp nghé khủng hoảng nợ

An Huy

Chiến tranh giữa Nga và Ukraine khiến cho chính phủ của nhiều quốc gia đang phát triển gặp thách thức lớn hơn trong việc thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ có thể nổ ra, gây chao đảo thị trường tài chính, làm suy yếu sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu...

Biểu tình trong khủng hoảng nợ ở Sri Lanka - Ảnh: Bloomberg.
Biểu tình trong khủng hoảng nợ ở Sri Lanka - Ảnh: Bloomberg.

Nhiều nước đang phát triển đã vay nợ nhiều trong thập kỷ qua khi lạm phát và lãi suất cùng ở mức thấp và trong hai năm qua khi các chính phủ phải tăng chi tiêu do đại dịch Covid-19. Tiếp đó, chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra đã đẩy giá lương thực-thực phẩm, năng lượng và nhiều mặt hàng khác tăng vọt, vào đúng thời điểm các ngân hàng trung ương rục rịch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Giờ đây, từ Pakistan tới Ai Cập và Argentina, các chính phủ đang loay hoay ứng phó với giá hàng hóa nhập khẩu leo thang và hóa đơn nợ chồng chất, trong khi đại dịch vẫn tiếp diễn.

Sri Lanka mới đây đã tuyên bố sẽ dừng việc trả nợ nước ngoài và đề nghị hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Bộ Tài chính Sri Lanka cho biết chiến tranh ở Ukraine và Covid-19 - nguyên nhân khiến ngành du lịch của nước này sụt giảm - đã làm Colombo mất khả thực hiện các nghĩa vụ nợ.

“Sẽ có các vụ vỡ nợ. Sẽ có khủng hoảng. Khi xảy ra những cú sốc như thế này, bất kỳ chuyện gì cũng đều có thể”, tờ Wall Street Journal dẫn lời nhà kinh tế học Kenneth Rogoff của Đại học Harvard phát biểu trong một cuộc thảo luận gần đây của IMF. “Lý do để chưa có vấn đề mang tính hệ thống nào xảy ra tính tới thời điểm này là lãi suất trên toàn cầu vẫn còn ở mức thấp… Nhưng tình hình sẽ ngày càng khác đi đối với các nước đang phát triển và mới nổi”.

NHIỀU QUỐC GIA ĐỨNG TRƯỚC NGUY HIỂM VỀ NỢ

IMF hiện chưa dự báo về một cuộc khủng hoảng nợ có quy mô toàn cầu, nhưng “đó là một rủi ro mà chúng tôi đang rất lưu tâm”, Giám đốc chiến lược, chính sách và rà soát của IMF, bà Ceyla Pazarbasioglu, phát biểu.

Tham dự chuỗi sự kiện thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần vừa rồi ở Washington, Mỹ, các bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã bàn nhiều về các biện pháp nhằm mở rộng và đẩy nhanh một khuôn khổ để giải quyết nợ nần cho các nước đang phát triển gặp khó khăn tài chính.

Tổng vay nợ trên toàn cầu của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình đã tăng thêm 28 điểm phần trăm trong năm 2020, lên mức 256% tổng sản phẩm trong nước (GDP). “Đó là mức nợ cao nhất kể từ sau hai cuộc chiến tranh thế giới xảy ra trong nửa đầu của thế kỷ 20”, bà Pazarbasioglu cho biết.

Các nước giàu hiện chưa gặp thách thức lớn với khối nợ gia tăng, nhờ lãi suất vẫn còn thấp và tăng trưởng kinh tế vững vàng, nhưng nhiều nước đang phát triển chịu sức ép ngày càng lớn từ nợ nần. Khoảng 60% trong số các nước thu nhập thấp – nhóm gồm hơn 70 quốc gia đủ tiêu chuẩn tham gia một chương trình hoãn thanh toán nợ toàn cầu trong đại dịch – đang đối mặt rủi ro cao xảy ra nguy hiểm về nợ (debt distress), hoặc đã ở trong tình trạng nguy hiểm nợ trong năm 2020, tăng từ tỷ lệ chỉ 30% trong năm 2012. Tình hình nợ nần được coi là nguy hiểm khi một quốc gia mất khả năng thực thi các nghĩa vụ tài chính hoặc cần phải tái cơ cấu nợ. 

Nỗ lực nhằm giúp các quốc gia nặng nợ đã trở nên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện trong những năm gần đây của nhiều chủ nợ mới và ít kinh nghiệm trong lĩnh vực cho vay đối với các nước đang phát triển. Với mong muốn tìm kiếm lợi nhuận cao hơn trên một thị trường với mức lãi suất thấp, các nhà đầu tư bao gồm các quỹ lưỡng hưu, quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và các thực thể tài chính thuộc sở hữu chính phủ đã đổ vốn mạnh vào các loại trái phiếu chính phủ có mức lợi suất cao do các nhà vay nợ có mức định hạng tín nhiệm thấp phát hành, trong đó có các nước đang phát triển.

Tỷ lệ trong tổng cho vay nước ngoài của Trung Quốc đối với 73 nước nghèo nặng nợ được đề cập ở trên đã tăng lên mức 18% vào năm 2020, từ mức chỉ 2% vào năm 2006; tỷ lệ cho vay của khu vực tư nhân đối với nhóm nước này tăng lên 11% từ 3% trong cùng khoảng thời gian, theo số liệu của IMF. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay của các chủ nợ truyền thống – bao gồm các định chế đa phương như IMF và WB và “Câu lạc bộ Paris” gồm những nước phương Tây giàu nhất – đối với nhóm nước này giảm xuống còn 58% từ mức 83% trước đây.

“Nếu không hiểu rõ về bên cho vay, rất khó để thực hiện một cuộc tái cơ cấu nợ hiệu quả để đưa tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán”, bà Sonja Gibbs, Giám đốc phụ trách sáng kiến chính sách toàn cầu thuộc Viện Tài chính quốc tế (IIF) – một tổ chức đại diện cho các ngân hàng toàn cầu, phát biểu.

NHỮNG VÍ DỤ GÂY “GIẬT MÌNH”

Hai ví dụ điển hình nhất về rủi ro nợ nần mà các nước đang phát triển thuộc nhóm yếu hơn đang phải đối mặt là Sri Lanka và Pakistan. Cả hai nước này đều chìm vào khủng hoảng chính trị lan rộng kể từ khi xảy ra chiến tranh Nga-Ukraine. Dự trữ ngoại hối của cả hai nước đều cạn tới mức chỉ còn đủ cho 1-2 tháng nhập khẩu.

Khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình trên diện rộng khi người dân bày tỏ bất bình với mức lạm phát kỷ lục, cúp điện luân phiên và khan hiếm hàng hóa thiết yếu như thuốc men và gas. Theo Công ty cung cấp dữ liệu CEIC, lạm phát cả năm ở Sri Lanka lên mức 17,5% vào tháng 2 năm nay. Nợ công mà Chính phủ nước này vay để rót vào các dự án hạ tầng đã phình to trong thập kỷ qua. Tổng nợ đáo hạn trong năm nay là 7 tỷ USD, trong đó có 1 tỷ USD trái phiếu đáo hạn vào tháng 7. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka chỉ còn khoảng 2,3 tỷ USD.

Chương trình hỗ trợ tài chính mà IMF dành cho Pakistan đã tạm dừng sau khi cựu Thủ tướng Imran Khan hồi cuối tháng 2 công bố kế hoạch trợ cấp giá xăng và điện trị giá 1,5 tỷ USD mà không có sự nhất trí của IMF. Ông Khan mất ghế Thủ tướng vào ngày  9/4 khi các đối thủ chính trị của ông mạnh lên do sự bất mãn của người dân với chi phí sinh hoạt leo thang. Trong tháng 3, giá tiêu dùng ở Pakistan tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nền kinh tế Ai Cập vốn dĩ chật vật vì đại dịch giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch, giờ lại thêm lạm phát gia tăng và sự rút lui của vốn đầu tư nước ngoài kể từ khi chiến tranh xảy ra ở Ukraine. Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã phá giá đồng nội tệ 14% vào tháng 3 nhằm dọn đường cho một kế hoạch hỗ trợ từ IMF. Trước đó, Chính phủ nước này giữ quyền kiểm soát nghiêm ngặt đối với tỷ giá đồng nội tệ nhằm duy trì sức hút của trái phiếu chính phủ Ai Cập đối với nhà đầu tư nước ngoài.

“Cuộc chiến ở Ukraine là giọt nước làm tràn ly. Ai Cập thực sự cần phải phá giá đồng tiền để có thể giành lợi thế cạnh tranh ở bên ngoài và xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn”, nhà phân tích James Swanston thuộc Capital Economics nhận định.

Ai Cập từ lâu đã đối mặt với những thách thức kinh tế, bao gồm đói nghèo gia tăng và tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp. Nước này đã vay khoảng 20 tỷ USD từ IMF kể từ năm 2016, trở thanh quốc gia vay nhiều thứ nhì từ định chế này kể từ thập niên 1980 đến nay, chỉ sau Argentina. Vào các năm 2020-2021, Chính phủ Ai Cập chi hơn 40% thu ngân sách để trả nợ, và dự kiến năm 2022 cũng vậy.

Không lâu sau khi Ai Cập phá giá đồng tiền, các nước Vùng Vịnh cam kết bơm 22 tỷ USD vào nước này. Liên minh châu Âu (EU) cũng hỗ trợ Ai Cập 100 triệu USD nhằm chống chọi với sự leo thang của giá thực phẩm do chiến tranh Nga-Ukraine. Các chuyên gia kinh tế nói rằng Ai Cập có thể tìm kiếm thêm sự giúp đỡ từ IMF...

“Hầu như tất cả các quốc gia đều đang nợ nhiều hơn so với thời điểm vào năm 2008 trong khủng hoảng tài chính toàn cầu”, Giám đốc phân tích tín nhiệm quốc gia của S&P Global Ratings, ông Roberto Sifon-Arevalo, phát biểu. “Liệu khủng hoảng nợ có sắp xảy ra hay không? Tôi không khẳng định như vậy. Nhưng có một số quốc gia đang ở vào tình trạng rất, rất khó khăn”.