15:21 31/10/2018

"Nhiều doanh nghiệp còn gượng ép khi tham gia bảo hiểm xã hội"

KIỀU LINH

Cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho từng đối tượng khác nhau

Hội thảo "Báo chí truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0" sáng 31/10.
Hội thảo "Báo chí truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0" sáng 31/10.

"Không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bởi họ chưa thực sự hiểu sâu sắc vai trò của hai chính sách này", ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo "Báo chí truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0" sáng 31/10.

Theo ông Lợi, thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được đăng đều đặn trên nhiều loại hình báo chí nhưng chưa hiệu quả như mong muốn. Những hạn chế, tiêu cực trong thực thi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn chưa có điều kiện phân tích chuyên sâu về nguyên nhân, hậu quả, một số tin bài chưa khách quan, gây hiệu ứng không tốt…

"Cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho từng đối tượng khác nhau", ông Lợi khẳng định.

Cụ thể, cần mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. 

Cũng tại hội thảo, ông Đào Việt Ánh, Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cuộc cách mạng 4.0 mang lại cho nhân loại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với các nước có đặc thù như Việt Nam, khi phần lớn lao động có trình độ chuyên môn thấp. Theo dự đoán của Tổ chức lao động quốc tế ILO, 86% lao động ngành dệt may và 3/4 lao động ngành điện và điện tử có thể mất việc làm do chất lượng lao động không đảm bảo trước cách mạng công nghiệp 4.0.

"Nếu sớm không đưa giải pháp, chúng ta không chỉ tụt hậu mà còn phải đối mặt với gánh nặng đảm bảo an sinh xã hội", ông Ánh nói.

Do đó, ông Ánh cho biết, trong thời gian tới, để thực hiện tốt các chính sách trụ cột của an sinh xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội để tăng độ bao phủ an sinh cho người lao động, người dân đặc biệt là người lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân.

Tăng cường chỉ đạo công tác thu bảo hiểm xã hội đảm bảo thu đúng, thu đủ các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ bảo hiểm xã hội từ phía các doanh nghiệp. 

Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan báo chí trong công tác truyền thông, đưa Nghị quyết và những chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đi vào cuộc sống. Trong đó, chú trọng việc đổi mới mạnh mẽ hình thức tuyên truyền, các thông điệp truyền thông bám sát những nội dung chủ đạo của Nghị quyết, hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể, góp phần hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết đã đề ra.