15:02 19/06/2023

Nhiều lao động không có khả năng mua nhà, nên chuyển hướng phát triển mạnh nhà cho thuê?

Phúc Minh

Theo các đại biểu Quốc hội, dù tập trung xây dựng nhà ở xã hội thì nhiều người lao động vẫn không có khả năng tài chính để mua, trong khi các loại hình nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư dù không có bất kỳ sự ưu đãi nào lại phát triển rất nhanh, góp phần bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động…

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, nếu chỉ tập trung xây nhà ở xã hội thì nhiều lao động không có khả năng tài chính để mua. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cho rằng, nếu chỉ tập trung xây nhà ở xã hội thì nhiều lao động không có khả năng tài chính để mua. Ảnh - Quochoi.vn.

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sáng 19/6, vấn đề nhà ở cho công nhân, người lao động đã nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội.

QUY ĐỊNH RÕ CHÍNH SÁCH NHÀ Ở CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG

Quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các khu công nghiệp tập trung trên cả nước chưa có nhà phải thuê trọ còn khá lớn. Tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương. Ảnh - Quochoi.vn.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú, công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung này mới được quy định trong dự thảo Luật nên còn khá nhiều vấn đề cần phải quy định rõ ràng, thống nhất hơn.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cũng bổ sung thêm, vấn đề phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là nhu cầu bức thiết hiện nay.

Đại biểu đề xuất quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị nông thôn thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh - Quochoi.vn.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình. Ảnh - Quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhà ở không chỉ áp dụng đối với công nhân trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mà cần áp dụng cả với công nhân ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có nhiều cơ chế, giải pháp để hỗ trợ cho công nhân, người lao động mua nhà, hoặc cho thuê mua, hỗ trợ thuê nhà với giá rẻ, tùy điều kiện mỗi địa phương có thể hỗ trợ không thu tiền nhà ở. Đồng thời, Luật cũng cần có quy định phân cấp mạnh hơn, có cơ chế ưu đãi nhiều hơn nữa trong việc tạo điều kiện xây dựng nhà ở cho người lao động.

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN LOẠI HÌNH CHO THUÊ

Trước ý kiến đề xuất phát triển nhà ở xã hội theo hướng chỉ để cho thuê, đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk nói giải pháp này hợp lý, nhưng để thực hiện được thì nhà nước phải bỏ ra một nguồn lực rất lớn.

“Điều này vượt quá khả năng thực tế. Mặt khác, đối với nhà đầu tư thì việc bỏ tiền chẵn ra rồi thu tiền lẻ về thì cũng rất khó thu hút được đầu tư như tình trạng đã xảy ra thời gian qua”, đại biểu Ngô Trung Thành tranh luận.

Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh - Quochoi.vn. 
Đại biểu Ngô Trung Thành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk. Ảnh - Quochoi.vn. 

Theo đại biểu, hiện nay đang có một nghịch lý là trong khi nhà ở xã hội có rất nhiều ưu đãi nhưng không phát triển được nhiều thì nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư mặc dù không có bất kỳ sự ưu đãi hay hỗ trợ nào nhưng lại phát triển rất nhanh, điều này đã và đang bảo đảm cung ứng chỗ ở cho phần lớn người lao động.

Tuy nhiên, do chính sách, quy định của pháp luật hiện hành chưa quan tâm đến lĩnh vực loại hình nhà ở này nên dẫn đến các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê đều là tự phát, không được quản lý, không có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện riêng phù hợp. Việc này dẫn đến người thuê nhà vừa phải chịu những rủi ro về bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, vừa phải chịu những chi phí đắt đỏ hơn bình thường như các chi phí về điện, nước…

Do đó, đại biểu cho rằng, để tạo điều kiện cho mọi người dân đều có chỗ ở, bên cạnh chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, nhà lưu trú cho công nhân thì trong sửa đổi Luật Nhà ở lần này cần quy định rõ ràng, cụ thể chính sách phát triển nhà ở cho thuê do hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng để tương xứng với vai trò đóng góp của loại hình này trong bảo đảm chỗ ở cho người dân.

Đồng thời, trong Luật cũng cần quy định rõ việc khuyến khích xây dựng điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng việc quản lý đối với nhà ở cho thuê; chính sách ưu đãi đối với hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, chính sách hỗ trợ đối với người thuê nhà, nhất là về giá điện, nước để người lao động, người dân vừa bảo đảm được về chỗ ở, vừa góp phần giảm bớt các khó khăn.

Phát biểu tranh luận thêm, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM cũng đồng tình nên phát triển nhà cho thuê, bởi nếu chỉ tập trung xây dựng nhà ở xã hội thì thực tiễn thời gian vừa qua cho thấy người lao động không có khả năng tài chính để mua.

Trước ý kiến cho rằng nhà nước không đủ nguồn lực thực hiện, đại biểu Trần Hoàng Ngân làm rõ, qua rà soát cho thấy hiện có nhiều đất công, tài sản công để hoang phí mà nếu tiến hành rà soát, giám sát thì đây sẽ là nguồn lực tài chính rất lớn để đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê. 

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần bổ sung quy định về quản lý nhà trọ. Theo đại biểu, để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, đặc biệt tại các đô thị lớn thì những chủ nhà trọ lại giữ vai trò quan trọng hơn là các chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản.

“Chủ các nhà trọ đã chia sẻ với người lao động. Do đó cần có những quy định chuẩn hóa khu nhà trọ này. Trong thời gian khi công nhân không thuê trọ sẽ là cơ hội để nhà nước hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cấp”, đại biểu TP.HCM nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị Chính phủ nên trình với Quốc hội để có một gói hỗ trợ cho các chủ nhà trọ với lãi suất 0 đồng để nâng cấp hệ thống nhà cho thuê, nhà trọ hiện nay, và đảm bảo được chuẩn hóa, cũng như những tiêu chuẩn do Luật quy định. “Như vậy vừa đảm bảo được an sinh xã hội, vừa huy động được toàn bộ nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo chỗ ở cho người lao động”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.