18:40 26/09/2016

Nhiều nhà máy phân bón nghìn tỷ “gặp hạn” vì quy định thuế

Bạch Dương

Hiệp hội Phân bón cho rằng, Luật số 71 về VAT đã tạo điều kiện cho phân bón ngoại giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam

Nhiều công trình ngàn tỷ đứng trước nguy cơ đóng cửa
Nhiều công trình ngàn tỷ đứng trước nguy cơ đóng cửa
Ngày 26/9, Hội Nông dân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Ban chỉ đạo 389 đã tổ chức tọa đàm lập lại trật tự thị trường phân bón trong đó nhiều vấn đề nóng trong phát triển ngành đã được đưa ra thảo luận.

Nhiều nhà máy phân bón có nguy cơ đóng cửa?


Tại hội nghị, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thuý khẳng định nhiều nhà máy phân bón hàng nghìn tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ bị thiệt hại và đóng cửa hàng loạt do tác động của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế.

Cụ thể, khi Luật số 71 được thông qua năm 2013, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đề nghị sửa đổi vì nông dân không có lợi, doanh nghiệp thì bức xúc vì thiệt hại. Luật số 71 quy định nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón. Còn các doanh nghiệp đầu vào mua các hàng hoá, máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động, nhà xưởng không có tên phân bón, thuế VAT đầu vào không được khấu trừ mà vẫn mất 6,5-7% thuế VAT.

Hiệp hội Phân bón cho rằng, doanh nghiệp phân bón phải cộng thuế vào giá làm giá thành tăng cao, nông dân phải chịu. Do đó, Luật số 71 chỉ có ý nghĩa về hình thức, thực chất nông dân không hề được hưởng lợi từ chính sách này.

"Hệ lụy của Luật số 71 tác động rất lớn đến làm ồ ạt nhập khẩu phân bón nước ngoài vào Việt Nam vì các mặt hàng thế giới đều hạ do giá than giảm như ure giảm 41,25%, giá phân DAP giảm 25%, phân kali hạ 19%… Trong nước nguyên liệu sản xuất phân bón không hạ cộng với việc chịu thuế VAT theo Luật số 71 đã vô tình làm các sản phẩm phân bón nhập khẩu đã rẻ càng rẻ", ông Thuý nói.

Ông lấy ví dụ từ đầu năm 2015, khi Luật số 71 có hiệu lực nhập khẩu phân bón ure đã tăng gấp 3 lần, tức khoảng 651.000 tấn so với năm 2014. 7 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phân ure đã vượt 500.000 tấn, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ 2015.

Phân bón nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam khiến các nhà máy nước như Đạm Ninh Bình công suất 550.000 tấn một năm đã phải giảm công suất xuống xuống 150.000 tấn. Thiện hại năm 2015 và 6 tháng đầu năm đã lên tới 2.042 tỷ đồng.

Các nhà máy DAP sản lượng bán ra giảm 18%. Công ty DAP Đình Vũ thiệt hại 120 tỷ đồng, DAB Lào Cao thiệt hại 125 tỷ đồng trong đó có thiệt hại do Luật số 71.

Tập đoàn Hoá chất Việt Nam chiếm 70% sản xuất phân bón cả nước với các công trình lớn như Đạm Ninh Bình Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai đã bị thiệt hại nặng nề.

"Làm sao không thiệt hại, không lỗ được. Nếu tình trạng này kéo dài nhiều nhà máy trên dễ có nguy cơ đóng cửa", ông Thuý nêu. 

Một số công ty khác như Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí có tổng thiệt hại lên tới 520 tỷ đồng, Công ty phân Ure Cà Mau, Công ty Phân bón miền Nam, Công ty Phân bón Bình Điền,…đều bị thiệt hại lớn.

Với Công ty Super phosphat Lâm Thao trước đây mỗi ngày bán 3.000 tấn nay giảm xuống 2.000 tấn. Công ty Phân đạm Hà Bắc cũng bị giảm 40% công suất, giá bán giảm 20%. Từ đầu năm 2015 đến nay đã thiệt hại khoảng 889 tỷ đồng.

Phân bón kém chất lượng luôn âm ỉ

Theo báo cáo của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình trạng phân bón kém chất lượng luôn âm ỉ, gây thiệt hại quá lớn cho người nông dân. Báo cáo dẫn ra việc xử phạt hàng loạt lô hàng phân bón giả của các công ty như Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương), Công ty Cổ phần Đầu tư Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp (Hà Nội), Công ty Đông Hải, Công ty Cổ phần Thuận Phong.

Cụ thể, Việt Nam có một nền phân bón tự phát nên chưa có một cuộc cách mạng lập lại trật tự. Các vụ việc vi phạm vẫn tràn lan. Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi năm có khoảng hơn 4.000 vụ vi phạm về phân bón giả.

Ông Phạm Ngọc Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Chống hàng giả cho hay, các nước trên thế giới chỉ có khoảng 300 sản phẩm phân bón, trong khi đó ở Việt Nam con số này lên tới 7.000 sản phẩm. Theo đó, các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc quản lý.

Ông Hùng còn cho biết, buôn bán phân bón giả ở Việt Nam thường bị xử phát hành chính là chính, rất ít vụ việc bị xử phạt hình sự. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất buôn bán phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẵn sàng chịu phạt để thu lại khoản lợi nhuận lên đến hàng chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

"Doanh nghiệp họ chấp nhận nộp phạt bởi tiền xử phạt quá ít, chỉ như kiểu “gãi ghẻ” nên họ cứ nộp phạt xong lại làm tiếp", ông nói.

TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng ngành công nghiệp phân bón đang đứng trước những khó khăn do phân bón giả lộng hành, nhập khẩu ồ ạt. Không chỉ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ làm giả mà ngay cả những doanh nghiệp lớn với dây chuyền đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đều tham gia vào hoạt động sản xuất phân bón giả để tranh thủ kiếm lợi nhuận.

Cuối giờ, ông Nghĩa tỏ ra khá chán nản khi các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều cuộc họp để tìm ra lối đi cho ngành phân bón nhưng các hội thảo chỉ mang tính hình thức, đại biểu đến vỗ tay...