15:26 30/06/2022

Nhu cầu văn phòng đang gia tăng

Thanh Xuân

Cùng với những chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp quốc tế đang lựa chọn Sài Gòn, Hà Nội là nơi đặt chân để xây dựng “đế chế” của mình...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bất chấp đại dịch, không ít doanh nghiệp nước ngoài vẫn muốn mở rộng hoạt động hay mở văn phòng mới tại Việt Nam. Nhờ vậy, thị trường cho thuê văn phòng đang ngày càng sôi động với nhiều dự án chất lượng ra mắt. Công suất tại các dự án luôn đạt tỷ lệ cao. Đáng chú ý, bức tranh văn phòng Hà Nội đã có sự phân hoá tuỳ khu vực.  

TRUNG TÂM LÀ ĐỊA ĐIỂM LÝ TƯỞNG

Sở hữu nhiều lợi thế, các tòa nhà văn phòng nằm tại khu vực trung tâm Thủ đô luôn là lựa chọn mà doanh nghiệp tìm kiếm đầu tiên. Khu vực này tập trung nhiều sở ban ngành, trụ sở ngân hàng và các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất, rất thuận lợi cho việc hợp tác phát triển kinh tế. Chính vì vậy, việc di chuyển, kết nối của khách thuê từ đó trở nên dễ dàng hơn. Theo chia sẻ từ các chuyên gia Savills, tỷ lệ lấp đầy trung bình các toà nhà cho thuê văn phòng tại quận Hoàn Kiếm luôn đạt trên 90%.

Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn cung, các dự án mới tại Hoàn Kiếm lại bị giới hạn về chiều cao xây dựng, đa phần tòa nhà văn phòng hiện tại trong khu vực này đều được xây dựng cách đây 10-15 năm, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc khách thuê có thể gặp khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng phù hợp ở khu vực nói trên. Các giao dịch văn phòng trong 5 năm qua vẫn tập trung chủ yếu tại quận Ba Đình, Đống Đa và Cầu Giấy.

Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu văn phòng đầy đủ tiện nghi, môi trường làm việc thoải mái tăng cao, do nhân viên phải làm việc tại nhà trong một khoảng thời gian dài. Nhiều công ty chuyển đổi mô hình làm việc truyền thống sang mô hình làm việc kết hợp (hybrid work). Vì lẽ đó, ngoài các yếu tố như vị trí, diện tích và giá thành, các doanh nghiệp có nhiều yêu cầu hơn khi tìm kiếm một mặt bằng văn phòng vuông vắn, tòa nhà nhiều tiện ích cho nhân viên. Bên cạnh đó, thiết kế văn phòng đã chú trọng tới tiện ích và cơ sở vật chất cho nhân viên nhiều hơn, thay vì chỗ ngồi cố định, với mong muốn cải thiện năng suất làm việc cũng như sức khỏe tinh thần của người lao động.

Hiện tại, khu vực trung tâm thành phố có 238,800 m2 sàn văn phòng hạng A và hạng B. Trong tương lai gần, một số dự án mới sẽ bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường. Nhiều chuyên gia cho rằng sức hút của văn phòng tại khu vực trung tâm là không thể phủ nhận. Giá thuê và công suất cho thuê luôn ở mức cao so với các khu vực khác tại Hà Nội. Tuy nhiên những năm gần đây, các toà nhà tại đây đã phải cạnh tranh với nhiều dự án ở nội đô và phía Tây Thủ đô với thiết kế hiện đại hơn và có chất lượng xây dựng tốt.

NỘI ĐÔ VÀ PHÍA TÂY CÓ THÊM NHIỀU LỰA CHỌN

Khu vực nội đô và phía Tây Hà Nội đang phát triển khá sôi động, với nhiều dự án chất lượng được ra mắt. Theo các chuyên gia, nguồn cung của Hà Nội trong vòng 3-5 năm tới tăng trưởng rất mạnh, tập trung vào các văn phòng Hạng A và Hạng B, trải dài tại khu vực quận Ba Đình, Tây Hồ và phía Tây Hà Nội. Riêng khu phía Tây Hà Nội sẽ cung cấp tới 62% tổng nguồn cung tương lai.  Ngoài ra, xét về giá thuê, mặt bằng văn phòng tại khu vực này có chi phí thấp hơn so với các mặt bằng văn phòng cho thuê tại khu vực trung tâm Hoàn Kiếm.

Thực tế, thị trường văn phòng cho thuê hiện nay tại Thủ đô ngày càng được đa dạng hoá, đem đến cho các doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn. Các văn phòng tại khu vực trung tâm sẽ phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, với quy mô từ 50-100 nhân viên. Điều này được lý giải là do khu vực trung tâm bị hạn chế về chiều cao xây dựng và diện tích đất hẹp, khiến cho mặt bằng thuê trên một sàn thường dao động không quá 1.000m2 một tầng. Trong khi đó, khu vực nội đô và phía Tây sở hữu diện tích mặt sàn lên tới 3.000m2 một tầng, thích hợp với công ty có nhu cầu diện tích thuê lớn. Tùy thuộc vào quy mô và nhu cầu diện tích sử dụng, các doanh nghiệp sẽ đều tìm được mặt bằng văn phòng cho thuê phù hợp. 

Tại sự kiện “Cập nhật thị trường văn phòng Hà Nội - Xu hướng và Dự báo chính" được tổ chức vào trung tuần tháng 6 vừa qua, các chuyên gia tham dự cho biết, trong những tháng đầu của năm 2022, nhu cầu mở rộng tại thị trường Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài tăng cao đáng kể, ước khoảng 8.500 doanh nghiệp mới được thành lập tại Việt Nam.

Cùng với những chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhiều tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp quốc tế đang lựa chọn Sài Gòn, Hà Nội là nơi đặt chân để xây dựng “đế chế” của mình. Hơn thế nữa, nhiều doanh nghiệp đã thành lập từ lâu nhưng có nhu cầu mở rộng thêm chi nhánh tại Hà Nội. Điều này là động lực quan trọng để thị trường văn phòng ngày càng trở nên sôi nổi.