09:51 01/05/2024

Nhựa Bình Minh lên kế hoạch lãi hơn 1.000 tỷ đồng năm 2024

Mộc Minh

Năm 2024, BMP dự kiến doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lãi sau thuế 1.030 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước… 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 29/4/2024, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (mã BMP) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Báo cáo cổ đông về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 và phương hướng hoạt động năm 2024, ông Chaowalit Treejak, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc BMP, trình kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Dự kiến lãi trước thuế 1.290 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.030 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước. Kế hoạch đầu tư là 141 tỷ đồng.

LÃI QUÝ 1/2024 GIẢM HƠN 30%

Ban lãnh đạo cho biết định hướng trong năm 2024 tiếp tục dẫn đầu thị phần ngành nhựa, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng tập khách hàng, xây dựng ủy ban ESG và ủy ban Quản lý rủi ro...

Với kết quả khả quan, ban lãnh đạo dự kiến dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông (tương ứng với 1.031 tỷ đồng) và còn lại trích quỹ khen thưởng. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức là 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng).

Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức đợt 01 tỷ lệ 65% vào cuối năm 2023. Do đó, doanh nghiệp còn 01 đợt chia cổ tức với tỷ lệ 61%, tương ứng số tiền gần 500 tỷ đồng.

Năm 2024, Nhựa Bình Minh dự kiến tỷ lệ cổ tức tối thiểu 50% trên lợi nhuận sau thuế.

Kết thúc năm 2023, doanh thu của công ty giảm 11% so với 2022 về gần 5.200 tỷ đồng, thực hiện khoảng 82% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.041 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2022 và vượt xa kế hoạch.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BMP - Ảnh: PA.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của BMP - Ảnh: PA.

Trong phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về tình hình thị trường năm 2024, ông Sakchai Patiparnpreechawud, Chủ tịch HĐQT của BMP, nhận định năm ngoái công ty gặp rất nhiều thách thức bao gồm cạnh tranh, xung đột địa chính trị, thị trường bất động sản chưa ổn định… Năm 2024 sẽ có rất nhiều việc phải làm.

Trong 05 năm qua, BMP có sự tăng trưởng hiệu suất nhờ quản lý và đầu tư liên tục vào tự động hoá, sử dụng robot đã mang lại lợi thế cạnh tranh lớn.

Ngoài ra, công ty là đơn vị duy nhất cung cấp sản phẩm không chứa kim loại nặng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, có thể sử dụng nhiều năm và không bị rò rỉ. BMP đang tiếp tục thực hiện các nghiên cứu và phát triển để cho ra các sản phẩm mới để đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu đa dạng.

Ngành nhựa có tương quan với ngành bất động sản. Điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của công ty. Hiện ngành bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đáng kể, nhu cầu chưa lớn. 

Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của BMP đi lùi khoảng 30% so với cùng kỳ cả về doanh thu lẫn lãi ròng. Ông Chaowalit Treejak, Tổng giám đốc BMP, cho biết một phần ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết kéo dài và nhận định giai đoạn sắp tới sẽ có thể tích cực hơn khi thị trường bất động sản và xây dựng được cải thiện.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng năm nay sẽ không đáng kể và phụ thuộc vào các chính sách của Chính phủ, như việc ưu tiên đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng. Hiện tại, dù việc này chưa thực sự khởi sắc trong nửa đầu năm 2024 nhưng kỳ vọng giai đoạn nửa cuối năm sẽ tốt hơn, khi đó các doanh nghiệp như BMP sẽ hưởng lợi. Quý 2/2024, công ty cũng đã có những kế hoạch để bù đắp nhằm đạt được kết quả tốt.

Việc thị phần của BMP đang giảm trong quý 1/2024 so với một số đối thủ cạnh tranh, theo ông Chaowalit Treejak, các công ty xác định các phân khúc chính khác nhau. BMP đang mạnh ở khu vực phía Nam và xác định bất động sản là phân khúc chính. Có doanh nghiệp xác định phân khúc chính nằm ở các công trình thì nhu cầu có thể không ảnh hưởng nhiều.

Về dự báo giá nguyên vật liệu trong năm 2024, ông Sakchai Patiparnpreechawud, Chủ tịch BMP, dự đoán thị trường nhựa PVC trong nửa cuối năm nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục như quý 1/2024 vừa qua, giá có thể tăng hoặc giảm một chút nhưng sẽ ổn định. Theo đó, biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) sẽ như hiện nay và nếu giá dầu thô tăng đột biến thì đó sẽ là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát.

“Năm ngoái, biên lợi nhuận này khá tốt và năm nay đạt mức như vậy sẽ thành công. Nếu giá PVC giữ ổn định ở mức này thì toàn bộ chuỗi sẽ không bị ảnh hưởng, trường hợp giá đầu vào tăng thì đầu ra phải điều chỉnh. Còn vấn đề tỷ giá sẽ không phải yếu tố quá đáng lo ngại”, ông Sakchai Patiparnpreechawud nhận định.

Về việc BMP có thực hiện M&A trong thời gian tới hay không, theo ông Sakchai Patiparnpreechawud, Chủ tịch BMP, hiện tại, công ty chưa có quyết định nào liên quan đến kế hoạch để đầu tư thông qua mua bán, sáp nhập. Công ty thấy việc cung cấp sản phẩm cho ngành nông nghiệp sẽ còn nhiều tiềm năng trong tương lai.

Giải đáp thắc mắc về việc nhân viên nghỉ việc nhiều trong thời gian qua, có thể làm lộ bí mật kinh doanh, ông Sakchai Patiparnpreechawud cho rằng việc này rất bình thường và các chính sách về nhân sự trong cả ngắn hạn và dài hạn đang rất tốt, chắc chắn không thể đảm bảo thông tin không thể bị tiết lộ, nhưng hiện BMP đang có những chính sách bảo vệ thông tin rất tốt nên tin rằng điều này vẫn được đảm bảo.

Tại đại hội, BMP đã thông qua từ nhiệm vai trò thành viên HĐQT đối với ông Poramate Larnroongroj. Đồng thời, bầu bổ sung ông Krit Bunnag (sinh năm 1975) vào làm thành viên HĐQT. Ông Bunnag là giám đốc của Công ty TNHH Nawaplastic Industries (NPI) (cổ đông lớn, sở hữu 54,99%).

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BMP kết thúc với tất cả các tờ trình được thông qua.

 

The Nawaplastic Industries (Thái Lan) hiện là cổ đông lớn của Nhựa Bình Minh với tỷ lệ sở hữu hơn 55%. Kể từ năm 2018, Nawaplastic đã thực hiện nhiều lần mua vào cổ phiếu BMP. Đến hiện tại, Nawaplastic sở hữu khoảng 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng tỷ lệ sở hữu hơn 55% vốn điều lệ tại Nhựa Bình Minh. Tính chung, tổng số tiền Nawaplastic đã bỏ ra để thâu tóm Nhựa Bình Minh khoảng 2.800 tỷ đồng.

Nawaplastic, là một trong những người hưởng lợi trực tiếp khi Nhựa Bình Minh luôn duy trì trả cổ tức với tỷ lệ cao, đều đặn, chủ yếu bằng tiền mặt. Năm 2022, tỷ lệ chi trả cổ tức của BMP bằng tiền mặt lên tới 84%.