09:59 13/07/2024

Nhức nhối nạn ném đá khiến phụ lái bị thương nặng, ngành đường sắt chịu nhiều thiệt hại

Ánh Tuyết

Hành vi ném đá có chủ ý gây bị thương cho lái tàu trong khi đang điều khiển vận hành đoàn tàu có thể dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của hành khách và nhân viên đường sắt trên đoàn tàu...

Các vụ việc uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu và an toàn của hành khách và làm gián đoạn chuyến tàu.
Các vụ việc uy hiếp trực tiếp đến an toàn chạy tàu và an toàn của hành khách và làm gián đoạn chuyến tàu.

Ngày 12/7, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết 6 tháng đầu năm 2024 trên các tuyến đường sắt đã xảy ra 75 vụ ném đất, đá lên tàu, làm vỡ 79 kính đầu máy, toa xe. Đáng nói, ngoài thiệt hại về tài sản của nhà nước và ngành đường sắt, có vụ ném đá còn gây thương tích về ngườ

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), các vụ việc xảy ra nhiều ở các địa phương sau: Khánh Hòa (18 vụ); Đồng Nai (15 vụ); Bình Định (08 vụ); Quảng Nam (08 vụ); Bình Thuận và Thừa Thiên Huế (mỗi địa phương 05 vụ); Quảng Trị, Quảng Ngãi và Ninh Thuận (mỗi địa phương 04 vụ).

Thông tin về vụ ném đá gây thương tích về người mới đây, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết ngày 10/7 vừa qua, vào lúc 23h55, Tàu H2705 do đầu máy 020 kéo, khi đến Km 192+800 khu gian Mậu A-Mậu Đông (tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, đi qua địa phận xã Mậu Động huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) thì phụ lái tàu Nguyễn Văn Quân sinh năm 1971 trong lúc làm nhiệm vụ bị người dân dưới đường sắt ném đá trúng vào đầu gây chấn thương nặng và máu chảy nhiều.

Tàu chạy về đến ga Mậu Đông lúc 0h04’ ngày 11/7 để đưa nạn nhân đi bệnh viện Mậu A cấp cứu. Hiện nạn nhân vẫn đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại bệnh viện. Tàu H2705 đỗ ga Mậu Đông gần 2 tiếng để chờ đơn vị đưa phụ lái tàu khác đến thay thế.

 

"Vụ việc ném đá nêu trên có tính chất rất nghiêm trọng uy hiếp an toàn chạy tàu. Hành vi ném đá có chủ ý gây bị thương cho lái tàu trong khi đang điều khiển vận hành đoàn tàu có thể dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của hành khách và nhân viên đường sắt trên đoàn tàu".

Cũng trong ngày 12/7, VNR có Công văn số 2146/ĐS-ANAT gửi UBND tỉnh Yên Bái; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Cục An ninh kinh tế (A04); Cục Cảnh sát hình sự (C02); Cục Cảnh sát giao thông (C08); Công an tỉnh Yên Bái về  xử lý người vi phạm gây mất an ninh trật tự và ném đá lên tàu làm bị thương công nhân lái tàu trong khi đang làm nhiệm vụ.

Đại diện VNR cho biết sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo tổng công ty chỉ đạo Chi nhánh khai thác đường sắt Hà Lào (đơn vị trực thuộc Tổng công ty tại địa bàn quản lý) khẩn trương báo cáo với công an xã Mậu Đông và thông tin ban đầu cho Công an C08, Đội Thanh tra cục Đường sắt khu vực, Ban an toàn giao thông tỉnh đề nghị hỗ trợ, phối hợp giải quyết.

Sáng ngày 11/7/2024, chi nhánh đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo và đã có văn bản gửi công an huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái đề nghị xác minh, điều tra các đối tượng ném đá lên tàu H2705.

Trước vấn nạn trên, tổng công ty đã và đang đôn đốc các đơn vị đường sắt có liên quan thường xuyên triển khai thực hiện các giải pháp nhằm phòng, chống ném đất đá lên tàu.

Một là, chỉ đạo các đơn vị đường sắt liên quan chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng, các đơn vị truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ký cam kết, xử lý tình trạng ném đất, đá lên tàu tại các khu vực hay xảy ra tình trạng ném đất, đá lên tàu.

Thường xuyên theo dõi, tổng hợp các vụ ném đất đá lên tàu để đến làm việc với các địa phương, triển khai các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn ném đất đá lên tàu.

Hai là, khen thưởng, tuyên dương các cá nhân tập thể trong và ngoài ngành có thành tích trong việc điều tra, truy bắt các đối tượng ném đất, đá lên tàu tại một số địa phương.

Vấn nạn ném đá lên tàu vẫn diễn ra nhức nhối dù ngành đường sắt tích cực tuyên truyền.
Vấn nạn ném đá lên tàu vẫn diễn ra nhức nhối dù ngành đường sắt tích cực tuyên truyền.

Ba là, gửi bài phát thanh tuyên truyền phòng, chống ném đất đá, chất bẩn lên tàu đến các địa phương có đường sắt đi qua để tuyền truyền, vận động các hộ dân sống dọc hai bên đường sắt nhắc nhở các thành viên trong gia đình không ném đất, đá lên tàu.

Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị đường sắt thường xuyên phát thanh trên các tàu và nhà ga về phòng chống ném đất đá lên tàu.

Dù tích cực tuyên truyền, căng pano, phát thanh tại các địa phương, thậm chí ngành đường sắt đi tuyên truyền từng nhà song theo đại diện VNR, vấn nạn ném đá lên tàu vẫn diễn ra nhức nhối.

Bốn là, tổ chức đoàn đến làm việc với Ban An toàn giao thông, các cơ quan chức năng có lên quan của tỉnh Đồng Nai tổ chức ký cam kết về việc tuyên truyền người dân không ném đất đá, chất bẩn lên tàu vào ngày 24/6 vừa qua.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền, công an địa phương đến từng hộ dân hộ dân sống dọc hai bên đường sắt để tuyên truyền, vận động ký cam kết không ném đất, đá lên tàu.

Theo đại diện VNR, việc ném đất, đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng, có thể bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất hành vi và mức độ thiệt hại.

Theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 về vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi ném đá vào tàu hỏa đang chạy bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng. Đồng thời, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Nếu làm người khác bị thương buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hành vi cố ý ném đá vào tàu hỏa làm người khác bị thương sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi gây thương tích với tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên. Hình thức phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.