13:00 10/11/2024

Những dự án, tài sản bị đóng băng là rất "đau xót"

Đỗ Mến

"Trong thực tiễn có những dự án có tài sản rất lớn, ngay năm 2017 chúng tôi đã thấy có những câu chuyện khó khăn, ví dụ như ở Đà Nẵng với một số vụ án đang dở dang và theo lãi suất kép"...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 9/11, dưới sự Chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. 

Đại biểu Nguyễn Văn Quân, tỉnh Hậu Giang, kiến nghị phạm vi điều chỉnh nên mở rộng thêm, không chỉ trong các vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo mà nên mở rộng đối tượng phạm vi, tạo sự công bằng, bình đẳng cho các bên tham gia pháp luật.

Ngoài ra, theo dự thảo nghị quyết thời gian thí điểm quy định không quá 3 năm. Đại biểu đề xuất nếu được có thể kéo dài không quá 5 năm. Bởi, cần đủ thời gian để nghị quyết kiểm chứng qua thực tiễn, sau đó có đánh giá toàn diện, chặt chẽ sẽ hợp lý hơn. Nếu tốt thì đưa vào Luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự.

Bên cạnh đó, sẽ thuận lợi hơn cho các cơ quan thực hiện không bị áp lực về mặt thời gian.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại nghị trường.
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu tại nghị trường.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa, tỉnh Đồng Tháp, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể bổ sung, mở rộng thêm đối với những vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không những Ban Chỉ đạo ở Trung ương mà cả của tỉnh mới đảm bảo hài hòa.

Đại biểu Hòa nhấn mạnh đây là một nghị quyết mới hoàn toàn, chưa có tiền lệ, có liên quan ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân rất lớn, trong đó có vai trò, trách nhiệm công tác của tòa án.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, TP Hà Nội, cũng cho rằng phải mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian thí điểm.

Thí điểm xử lý vật chứng, tài sản không nên gói gọn trong một số vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi như dự thảo. Bởi lẽ, trong thực tiễn và thống kê hằng năm, số lượng những vụ án tham nhũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ từ 10-15% so với các vụ án thông thường, trong khi đó tang vật thu giữ, kê biên trong vụ án hình sự thông thường rất lớn.

Nếu chỉ thí điểm trong lĩnh vực án tham nhũng thì chỉ đúng phần nào, không làm thay đổi thực trạng đã, đang tồn tại.

Hiện nay, các kho tang vật của cơ quan công an các tỉnh, thành phố rất quá tải, gây khó khăn, lãng phí cho việc trông coi, bảo quản.

Mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự là giảm tối đa lãng phí và thiệt hại cho các bên đương sự khi tang vật bị kê biên, thu giữ. Do đó, đề nghị thí điểm tất cả các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị không nhất thiết phải quy định cứng thời gian thí điểm 3 năm.

Trong thời gian thí điểm luôn sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nếu thấy ưu việt thì đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các bên đương sự, giảm tối thiểu thiệt hại, thất thoát, lãng phí cho nhà nước, tổ chức và công dân.

Đề cập đến phạm vi điều chỉnh, ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho rằng nhiều vụ án hiện nay được phân cấp và chuyển các vụ việc từ trên, trước đây tập trung ở trung ương nhưng những năm gần đây ở cấp tỉnh đã giải quyết những vụ án rất lớn.

Việc này đại biểu nêu lên rất xác đáng, rất tâm huyết và trách nhiệm để chúng ta giải phóng được nguồn lực, nghị quyết thí điểm này quy định những biện pháp mà tố tụng chưa quy định và đây là chủ trương của Tổng Bí thư, yêu cầu tránh lãng phí.

Lãng phí nhiều khi rất lớn và thiệt hại lớn hơn cả những hậu quả từ tham nhũng.

Những vụ án, dự án, những bất động sản, những tài sản rất lớn để đóng băng, để kéo dài khi quy định tố tụng hiện nay chưa cho phép về xử lý nghị quyết thí điểm, cho nên chỗ này là điều rất đau xót.

"Trong thực tiễn có những dự án có tài sản rất lớn, ngay năm 2017 chúng tôi đã thấy có những câu chuyện khó khăn, ví dụ như ở Đà Nẵng với một số vụ án đang dở dang và theo lãi suất kép.

Như ông Einstein nói lãi suất kép là kỳ quan thứ tám của thế giới, có nghĩa là với lãi suất khoảng 10-15% thì chỉ sau 5-7 năm thì có thể tài sản mất hoàn toàn nếu không được đưa vào khai thác và sử dụng", ông Tiến nói thêm và cho biết sẽ nghiên cứu và cụ thể hóa, vì đây là những vấn đề rất mới, phải cần hết sức thận trọng, cần có thí điểm, đánh giá và kết luận của Bộ Chính trị cũng cho phép thí điểm ở diện vụ án, vụ việc của Ban Chỉ đạo Trung ương.