12:06 20/02/2024

Những ngành nghề tăng tuyển dụng lao động sau Tết

Nhật Dương

Các doanh nghiệp đang tích cực tham gia tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm. Trong quý 1, một số ngành nghề dự báo tăng thêm việc làm, như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất thiết bị điện, theo nhận định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý 1/2024, cả nước sẽ có khoảng 51,7 triệu người có việc làm, tăng thêm 217.000 người so với quý 4/2023. Bên cạnh một số ngành sẽ tăng mạnh tuyển dụng, thì vẫn có những ngành nghề bị sụt giảm nhu cầu lao động.

SÔI ĐỘNG TUYỂN DỤNG TẠI CÁC THỊ TRƯỜNG LỚN

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, thị trường lao động vẫn tiếp đà phục hồi. Tín hiệu tích cực ngay trong quý 1 năm nay khi một số ngành nghề dự báo tăng thêm việc làm, như sản xuất chế biến thực phẩm, tăng 1,8%; sản xuất thiết bị điện, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 1,6%...

Sự khởi sắc đầu năm cũng thể hiện tại các thị trường lao động lớn bậc nhất cả nước. Đơn cử, tại Hà Nội, theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm 2024, thị trường lao động trên đà hồi phục và tiếp tục khởi sắc dưới sự quan tâm với nhiều chính sách từ Chính phủ. Các doanh nghiệp đang tích cực tham gia tuyển dụng lao động ngay từ thời điểm đầu năm.

Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, qua tổng hợp và phân tích, đơn vị này đưa ra dự báo trong quý 1/2024, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội có nhu cầu tuyển dụng khoảng 120.000 chỉ tiêu.

Nguồn tuyển dụng tương đối lớn, đa dạng ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực, song tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại – dịch vụ, công nghiệp chế biến - chế tạo, dệt may – da giày, công nghệ thông tin, thương mại - điện tử, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm…

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các địa phương, nhất là tại các tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến.

Cũng trong năm nay, Trung tâm dự kiến tổ chức hơn 250 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 222 phiên hàng ngày, 10 phiên trực tuyến. Ngoài ra còn có các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên lồng ghép các nhóm đối tượng, cũng như tổ chức thêm các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu tìm việc đa dạng của người lao động.

Còn tại TP. HCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tăng trong đầu năm.

Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ người lao động tìm việc dù ở bất cứ đâu. Ảnh - N.Dương.
Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến để hỗ trợ người lao động tìm việc dù ở bất cứ đâu. Ảnh - N.Dương.

Riêng trong quý 1/2024, thành phố cần khoảng 77.500 - 86.000 chỗ làm việc. Trong đó, khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 72,63%; công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 27%; còn lại thuộc khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản.

Về trình độ chuyên môn, nhu cầu nhân lực qua đào tạo cần 68.604 - 76.128 chỗ làm việc, chiếm 88,52%; trong đó, cao nhất là ở nhóm có trình độ đại học trở lên, sau đó đến cao đẳng, trung cấp…

KHÔNG ĐỂ XẢY RA THIẾU LAO ĐỘNG CỤC BỘ

Mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, song Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, năm 2024, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều thách thức và bất lợi do những bất ổn và rủi ro phát sinh từ các cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thế giới.

Tuy nhiên, xuất khẩu được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới, khi nhu cầu thị trường thế giới tăng.

Nhu cầu trong nước đang phục hồi, đầu tư công và đầu tư tư nhân dự kiến sẽ phục hồi, cải cách tiền lương trong năm 2024 sẽ tạo sức mua lớn, góp phần tăng trưởng kinh tế….

Những yếu tố này sẽ tác động đến thị trường lao động tiếp tục phục hồi, nhiều ngành nghề tăng tuyển dụng lao động trở lại, song vẫn có những ngành nghề giảm lao động. Dự báo trong quý 1, một số ngành có thể giảm việc làm như hoạt động xây dựng chuyên dụng, sản xuất thiết bị điện…

Trong bối cảnh như vậy, Bộ yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, thực hiện các giải pháp nhằm thu hút người lao động quay trở lại làm việc, duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực; hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ.

Đặc biệt là cần đảm bảo duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hạn chế xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ ngay sau Tết. Cùng với đó, cần rà soát, nắm bắt về tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sản xuất gỗ…

Từ nắm bắt thực tiễn đó để có phương án kết nối cung – cầu lao động; kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu; gia tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm…