Những quyết định quan trọng của ông Trump trong tháng đầu cầm quyền
Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một loạt sắc lệnh và biên bản ghi nhớ để thực hiện các cam kết tranh cử và thực thi chiến lược "Nước Mỹ trên hết" của mình...

Dưới đây là một số quyết định lớn của ông Trump trong một tháng qua, theo dữ liệu thống kê từ tờ báo Wall Street Journal.
THUẾ QUAN VỚI Ô TÔ, DƯỢC PHẨM VÀ CHIP
Hình thức: Tuyên bố công khai
Ngày 18/2, ông Trump cho biết sẽ áp thuế quan “khoảng 25%” lên ô tô nhập khẩu, chất bán dẫn và dược phẩm. Trong đó, thuế quan đối với ô tô nhập khẩu vào Mỹ sẽ được áp sớm nhất vào ngày 2/4. Với dược phẩm và con chip, vị Tổng thống chưa đưa ra mốc thời gian sẽ áp dụng thuế quan.
THUẾ QUAN CÓ ĐI CÓ LẠI
Hình thức: Biên bản ghi nhớ
Ngày 13/2, ông Trump ký biên bản ghi nhớ vạch ra kế hoạch áp thuế quan "có đi có lại” lên các đối tác thương mại của Mỹ. Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ xem những hàng rào thương mại phi thuế quan của các quốc gia khác là "hành vi thương mại không bình đẳng" và cần được đáp trả bằng thuế quan.
Ông Trump yêu cầu ông Howard Lutnick, người được đề cử vào cương vị Bộ trưởng Bộ Thương mại, tiến hành nghiên cứu để xác định mức thuế quan như thế nào là phù hợp với từng quốc gia cụ thể và báo cáo trước ngày 1/4.
THUẾ QUAN VỚI NHÔM VÀ THÉP
Hình thức: Sắc lệnh
Trước đó, ngày 10/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% với toàn bộ nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ, đồng thời nhấn mạnh thuế quan này không có ngoại lệ hay miễn trừ. Sắc lệnh này sẽ chấm dứt chính sách miễn giảm đang được áp dụng với nhôm và thép từ các nước như Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sắc lệnh có hiệu lực từ ngày 4/3.
TIẾP QUẢN DẢI GAZA
Hình thức: Tuyên bố công khai
Ngày 4/2, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ “sẽ tiếp quản" Dải Gaza và người Palestine sống tại khu vực này nên rời đi.
Tuyên bố gây sốc của Tổng thống Mỹ nếu được thực hiện sẽ làm thay đổi hoàn toàn chiến lược ngoại giao suốt nhiều thập kỷ của Mỹ. Hiện ông Trump chưa đưa ra động thái chính thức nào liên quan tới việc Mỹ tiếp quản Dải Gaza nhưng đã vài lần nhắc lại ý định này.
SÁP NHẬP USAID VÀO BỘ NGOẠI GIAO
Hình thức: Biên bản ghi nhớ
Ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra lệnh đóng cửa tất cả chi nhánh ở nước ngoài và triệu hồi nhân viên của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và xem xét sáp nhập cơ quan này vào Bộ Ngoại giao. USAID là cơ quan nhân đạo chịu trách nhiệm phân phối hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài của Mỹ. Nếu được sáp nhập vào Bộ Ngoại giao, đây sẽ không còn là một cơ quan độc lập.
Trước đó, hàng trăm chương trình trị giá hàng tỷ USD của USAID trên toàn thế giới bị đình trệ hoàn toàn sau khi ông Trump yêu cầu đóng băng phần lớn viện trợ nước ngoài của Washington để đảm bảo các khoản chi tiêu liên bang phải phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trên hết"của mình.
Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu USAID, chính quyền Trump đã buộc 2.200 nhân viên của cơ quan này nghỉ không lương. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị tạm hoãn sau lệnh "kiểm soát hạn chế và có thời hạn" của một thẩm phán liên bang hôm 7/2.
TRAO QUYỀN CHO DOGE CẮT GIẢM NHÂN SỰ LIÊN BANG
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 11/2, ông Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan chính phủ Mỹ phối hợp chặt chẽ với Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu nhằm cắt giảm lực lượng lao động liên bang. Theo đó, các cơ quan này phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng “dựa trên dữ liệu”, chỉ tuyển nhân viên ở các vị trí quan trọng và phải xác định cơ quan hoặc bộ phận nào nên được cắt giảm hoặc sáp nhập.
DỪNG THỰC THI LUẬT CHỐNG HỐI LỘ Ở NƯỚC NGOÀI
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 10/2, ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu Bộ Tư pháp dừng thực thi Đạo Luật Chống Tham Nhũng Ở Nước Ngoài (FCPA). Theo đạo luật có hiệu lực từ năm 1977 này, doanh nghiệp và công dân Mỹ bị cấm hối lộ các quan chức chính phủ nước ngoài để giành được hợp đồng kinh doanh.
Trong một tài liệu được đưa ra sau sắc lệnh của ông Trump, Nhà Trắng nói rằng doanh nghiệp Mỹ bị tổn hại do việc thực thi quá mức FCPA khi không được tham gia những hoạt động phổ biến của các đối thủ cạnh tranh quốc tế.
RÚT MỸ KHỎI MỘT SỐ CHƯƠNG TRÌNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC (UN)
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 3/2, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi nhiều chương trình của UN và chấm dứt tài trợ cho các chương trình này, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UN HRC), Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc (UNRWA). Ông cũng yêu cầu xem xét lại tư cách thành viên của Mỹ tại Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) và một số tổ chức quốc tế khác.
Trước đó, ngay sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do những yêu cầu tài trợ bất công của WHO đối với Mỹ cũng như cách xử lý của cơ quan này trong đại dịch Covid-19.
THÀNH LẬP QUỸ ĐẦU TƯ QUỐC GIA MỸ
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 3/2, ông Trump ký sắc lệnh hành chính về việc thành lập một quỹ đầu tư quốc gia của Mỹ và gợi ý sử dụng quỹ này để thực hiện một thương vụ giúp duy trì hoạt động của mạng xã hội TikTok tại Mỹ.
Sắc lệnh này yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ xây dựng kế hoạch về việc thành lập quỹ đầu tư quốc gia, bao gồm các khuyến nghị về "cơ chế tài trợ, chiến lược đầu tư, cơ cấu quỹ và mô hình quản trị", trong vòng 90 ngày.
THUẾ QUAN VỚI TRUNG QUỐC
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 1/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan bổ sung 10% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 4/2. Quyết định được đưa ra theo thẩm quyền về kinh tế khẩn cấp của Tổng thống với lý do chưa từng được áp dụng cho thuế quan, đó là: “Mối đe dọa lớn về người nhập cư bất hợp pháp và các chất gây nghiện đang gây hại cho công dân Mỹ, bao gồm fentanyl" - theo đăng tải trên mạng xã hội Truth Social của ông Trump.
THUẾ QUAN VỚI MEXICO VÀ CANADA
Hình thức: Sắc lệnh
Cũng với lý do trên, ngày 1/2, ông Trump ký sắc lệnh áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada cũng với lý, có hiệu lực từ ngày 4/2. Tuy nhiên, sắc lệnh này được hoãn thực thi trong vòng 30 ngày sau khi Washington đạt được thỏa thuận với hai quốc gia láng giềng về vấn đề người di cư và chất gây nghiện.
ĐÓNG BĂNG CÁC KHOẢN CHI TIÊU LIÊN BANG
Hình thức: Biên bản ghi nhớ
Ngày 29/1, ông Trump ký biên bản ghi nhớ yêu cầu các cơ quan chính phủ tạm dừng các khoản chi trả để đánh giá xem các chương trình của liên bang có phù hợp với các ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình hay không. Yêu cầu này miễn trừ cho chương trình Medicare, các quyền lợi an sinh xã hội và hỗ trợ được chi trả trực tiếp cho cá nhân. Tuy nhiên, sau đó một thẩm phán liên bang đã ra lệnh dừng thực thi yêu cầu này và biên bản ghi nhớ trên đã bị thu hồi.
NỚI LỎNG QUY ĐỊNH CHO TIỀN ẢO
Hình thức: Sắc lệnh
Ngày 24/1, ông Trump ký sắc lệnh yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng khuôn khổ pháp lý cho tiền ảo trong vòng 6 tháng, nới lỏng quy định liên quan tới việc kết nối tài khoản tiền ảo với tài khoản ngân hàng… Vị Tổng thống cũng bổ nhiệm nhà đầu tư công nghệ David Sacks làm giám đốc về AI và tiền ảo của Nhà Trắng.