Những xu hướng mới “khuấy động” thị trường cà phê Trung Quốc
Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các cửa hàng cà phê liên tục được mở rộng ra ngoài khu vực Bắc Kinh và Thượng Hải đến hàng chục thành phố cấp hai, cấp ba khác - nơi các nhân viên công sở trẻ tuổi yêu thích loại đồ uống này…
Các nhà phân tích dự đoán "cơn khát" cà phê của Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu cà phê trong tương lai. Dữ liệu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế gửi tới Reuters cho thấy lượng tiêu thụ cà phê ở Trung Quốc đã tăng 15% trong niên vụ kết thúc vào tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm trước đó, lên 3,08 triệu bao (1 bao = 60 kg).
Ông Jason Yu, Giám đốc điều hành người Trung Quốc của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, cho biết: "Người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng chuộng lối sống theo kiểu Tây và cà phê rõ ràng là một trong những đồ uống đại diện cho điều đó".
Văn hóa cà phê ở Trung Quốc cũng đã chứng kiến sự phát triển, khi số lượng cửa hàng cà phê và trà chuyên nghiệp ở Trung Quốc tăng vọt 72% năm 2023, vượt qua mức tăng trưởng trung bình ở cả châu Á và toàn cầu. Trong báo cáo của Euromomitor, các chuỗi cà phê Trung Quốc như Luckin và Cotti đang nhanh chóng mở rộng sang các thành phố cấp thấp hơn, gây ra cuộc chiến giá cả khốc liệt.
Để tồn tại trong thị trường cạnh tranh, các thương hiệu đang tập trung vào đổi mới sản phẩm. Ví dụ, Luckin Coffee tung ra sản phẩm mới hàng tuần, bao gồm latte với nhiều loại sữa nền khác nhau. Chỉ tính riêng trong năm 2023, họ đã tung ra đến 102 sản phẩm mới. Đến cuối năm 2023, 8 trong số các sản phẩm này tạo ra doanh thu hơn 14,1 triệu USD. Trong đó nổi bật và thành công nhất là Americano vị cam và latte dừa. Người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe cũng đang thúc đẩy nhu cầu về đồ uống ít calo, từ đó Nowwa đã ra mắt cà phê latte ít calo.
Trong bối cảnh thị trường cà phê ngày càng bão hòa, Luckin Coffee cũng cố gắng mở rộng kinh doanh bằng việc thêm vào menu các món đồ uống vốn là đối thủ cạnh tranh của cà phê, ví dụ như trà. Mới nhất, Luckin Coffee cho ra mắt bộ sưu tập trà sữa hương hoa nhài. Để quảng bá cho dòng thức uống mới, Luckin thực hiện chiến dịch “Morning Coffee and Afternoon Tea” (Cà phê sáng và Trà chiều). Tên của chiến dịch thể hiện rõ thói quen của người tiêu dùng châu Á, nơi thường uống cà phê để khởi động ngày mới và thưởng trà thư giãn vào buổi chiều.
Bộ sưu tập trà chiều này giúp thương hiệu khai phá những phân khúc tiềm năng, đặc biệt đối với những người quan tâm đến sức khỏe và ưu tiên đồ uống chất lượng cao. Phản ứng của khách hàng đối với các món trà rất tốt, biến trà trở thành một nguồn doanh thu ổn định, với trung bình 2,7 ly trên mỗi đơn hàng. Trong tuần đầu tiên ra mắt sản phẩm mới, họ đã bán hơn 11 triệu ly. Những con số này cho thấy một chặng đường hứa hẹn tươi sáng của Luckin Coffee với trà.
Ở chiều ngược lại, xu hướng mới cũng khiến các thương hiệu trà đi tìm cà phê. Các thương hiệu trà như Auntea Jenny và Nayuki đang bổ sung các món đồ uống cà phê vào thực đơn của mình. Những sự giao thoa này khiến ranh giới hai món đồ uống ngày càng mờ dần.
Bernie Gao, nhà phân tích đến từ viện nghiên cứu thị trường Mintel Group, cho biết xu hướng bán thêm trà và các món cà phê hương trái cây đã giúp các chuỗi cà phê mở rộng tệp khách hàng, thu hút khách hàng mới và thúc đẩy doanh số. Đây là điều mà bất kỳ thương hiệu cà phê nào cũng mong muốn, vì thị trường cà phê ngày càng chật hẹp hơn.
Song song với đó, một số công ty khác tại quốc gia tỷ dân này đang đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận hành các quán cà phê để trợ giúp ngành công nghiệp này trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu. Theo trang SCMP, người sáng lập công ty khởi nghiệp Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology, ông Philip Han, tin rằng robot có thể tạo ra cuộc cách mạng đối với ngành kinh doanh cà phê ở Thượng Hải và nhiều nơi khác.
Được thành lập vào năm 2018, sứ mệnh của Shanghai Hi-Dolphin Robot Technology là cắt giảm chi phí cho một tách cà phê Java ngon, mang đến cơ hội "đôi bên cùng có lợi" cho cả chủ doanh nghiệp và khách hàng. Giải pháp của công ty là Cofe+, một gian hàng hình khối khép kín được trang bị đầy đủ các thiết bị và nguyên liệu cần thiết để pha chế cà phê Americano hoặc Cappuccino, nóng hoặc đá. Trung tâm của gian hàng là một cánh tay robot rót cà phê vào cóc, đậy nắp và giao cho khách hàng.
Công ty cho biết, được trang bị máy xay và máy làm đá, ki-ốt có thể pha chế đồ uống trong khoảng 50 giây mà không cần một nhân viên pha chế nào. Khi được nạp đầy, mỗi gian hàng có thể cung cấp khoảng 300 ly đồ uống. "Máy Cofe+ được bảo vệ bằng kính, có trang bị công nghệ chống côn trùng cũng như kháng khuẩn đã được cấp bằng sáng chế. Đường ống tự động làm sạch và khử trùng và sữa được giữ ở nhiệt độ không đổi để giữ tươi trong 72 giờ,” ông Han nói.
Phía công ty Hi-Dolphin cho biết lợi thế lớn nhất của ki-ốt robot nằm ở khả năng tiết kiệm chi phí. So với việc vận hành một quán cà phê thông thường, chi phí vận hành một ki-ốt hoàn toàn tự động thấp hơn khoảng 90%. Trang web của công ty dẫn tin, chỉ mất không quá 30 phút để nạp đầy nguyên liệu cho ki-ốt và chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo, do đó, một nhân viên bảo trì có thể chăm sóc tới 10 ki-ốt mỗi ngày.
Theo ông Han, chi phí máy được bán với giá từ 50.000 đến 60.000 đô la Mỹ và có thể sử dụng trong khoảng 10 năm. Công ty đã thành lập khoảng 1.000 gian hàng cà phê tại hơn 30 quốc gia nước ngoài, cũng như 15 tỉnh của Trung Quốc, đồng thời công ty khởi nghiệp này cũng có kế hoạch mở rộng sang khoảng 20 quốc gia nữa vào cuối năm nay.
Ông Matthew Barry, chuyên gia phân tích về thị trường đồ uống của tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, tại Trung Quốc mỗi thương hiệu đều đang cố gắng giành được thị phần lớn nhất có thể trong một thị trường đang phát triển. Nhà phân tích Barry cho rằng thị trường cà phê này sẽ rất năng động trong vài năm tới. Starbucks đã mở mới 700 cửa hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái và cho biết họ đang sẽ vận hành khoảng 9.000 cửa hàng tại nước này vào năm 2025, trong khi thương hiệu Tim Hortons của Canada có kế hoạch mở 3.000 cửa hàng tại nước này trong vòng 4 năm.
Dù vậy, tiêu thụ cà phê của Trung Quốc vẫn chưa phải nhiều nếu so sánh với Mỹ và Brazil, những quốc gia sử dụng hơn 20 triệu bao cà phê mỗi năm. Tuy nhiên, nhu cầu ngày càng tăng báo hiệu Trung Quốc đang trải qua một sự thay đổi văn hóa tương tự như các quốc gia châu Á yêu thích trà khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc.