19:41 08/06/2021

Niềm hy vọng vaccine

Mọi chiến lược, mọi giải pháp để các doanh nghiệp Việt thoát khỏi bóng đen Covid sẽ không thành nếu thiếu vaccine...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện, những thông tin khả quan về việc đàm phán được vaccine của Việt Nam đang dồn dập “bay về”. Nhưng để trụ vững và chờ đợi vaccine sẽ là một hành trình rất dài và nhiều thách thức của doanh nghiệp Việt.

DOANH NGHIỆP LO ÂU, PHẤP PHỎNG

Năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là khoảng thời gian “ác mộng” rất đáng quên đi với hầu hết các doanh nghiệp. Hexagon, một doanh nghiệp cỡ vừa có khoảng 700 nhân sự cũng đang ở trong giai đoạn khá khó khăn. Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực thiết kế thi công nội thất, showroom, văn phòng, nhà hàng khách sạn và các dịch vụ truyền thông, tổ chức sự kiện… Từ khi có dịch bệnh Covid, doanh mảng tổ chức sự kiện đã gần như không có doanh thu.

“Chúng tôi đang cố gắng để đối đầu với khó khăn, lấy mảng mạnh bù cho mảng yếu để cuộc sống của 700 nhân sự không bị ảnh hưởng quá nhiều. Tất cả đang đồng lòng để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Hexagon cho biết.

Vừa làm vừa phấp phỏng lo lắng nên vừa qua, Hexagon quyết định dành một nguồn ngân sách khá lớn để đăng ký mua - tiêm vaccine cho toàn bộ 700 cán bộ công nhân viên của mình.

“Chúng tôi muốn bảo vệ tất cả nhân viên của mình bằng loại vaccine đắt nhất, mỗi người sẽ được đăng ký tiêm 2 mũi, tổng cộng cho toàn công ty là 1.400 mũi. Nhưng từ hôm đăng ký, chúng tôi chưa nhận được phản hồi từ đơn vị cung cấp - VNVC”, đại diện Hexagon chia sẻ.

Tâm lý lo âu và phấp phỏng chờ đợi vaccine cũng là tâm lý chung của tất cả các doanh nghiệp Việt hiện nay. Chứng kiến cảnh Covid quét qua những khu công nghiệp lớn, làm tê liệt mọi hoạt động sản xuất trong nhiều ngày, phá vỡ mục tiêu, chiến lược phát triển của các doanh nghiệp có tiềm lực vững mạnh khiến những doanh nghiệp còn tạm an toàn đang đặt tất cả hy vọng của mình vào giải pháp vaccine để sớm vượt qua cơn bĩ cực đã kéo dài quá nhiều ngày do Covid gây ra.

Trong buổi hội thảo cuối tháng 5 vừa qua do VCCI tổ chức bàn về triển khai mua và tiêm Vacine Covid – 19, hàng loạt các hiệp hội doanh nghiệp đã lên tiếng với mong muốn hiệp hội của mình sớm có vaccine để tiêm cho người lao động. 

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết các doanh nghiệp dệt may với số lượng lao động khoảng 3 triệu người, nếu không sớm có vaccine trong tháng 7, tháng 8 tới đây thì mục tiêu phát triển của ngành có nguy cơ vỡ trận.

Thực tế thì khi Covid diễn ra, dệt may, thời trang đã là nghành nghề “suy nhược” trong nhiều tháng. Thậm chí, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cũng không khá hơn khi doanh thu chỉ đạt 3.377 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng hơn 99 tỷ đồng, giảm 12%.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Vũ Đức Giang lo lắng: "Hiện, các doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã ký đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam".

Ông Ngô Sỹ Hoài, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, thẳng thắn phát biểu: “Chúng ta đang trong tình thế cấp bách và rất cần vaccine để tiêm cho công nhân. Hiệp hội gỗ đã gửi đơn đề nghị được trả tiền mua 1 triệu liều vaccine Covid–19 để, nhưng vẫn chưa được trả lời.” 

NGƯỜI LAO ĐỘNG KIỆT QUỆ

Khi các doanh nghiệp kiệt sức trong cuộc chiến không cân sức với Covid, người lao động chính là đối tượng yếu thế, chịu những tác động tiêu cực nhất.

Phạm Tuấn Khang, công nhân công ty chuyên sản xuất, cung cấp linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Thọ cho biết, nhiều tháng qua, chỉ được làm việc 3 ngày trong tuần. Những ngày còn lại Khang vật vờ ở khu nhà trọ. Mức lương của Khang đương nhiên giảm xuống còn một nửa, khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Từ khi dịch bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, các doanh nghiệp lớn tại đây bị đóng cửa, phong tỏa để chống dịch, hàng loạt công nhân phải đi cách ly nên việc sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn. Chính vì vậy, các đơn hàng mà công ty của Khang nhận được từ nhóm các doanh nghiệp này đã bị gián đoạn và nếu còn được duy trì cũng rất phập phù.

Khang cho biết, dù chỉ được làm 15 ngày/tháng nhưng như vậy là quá may mắn vì anh là công nhân “gạo cội” của nhà máy. Nhiều bạn bè khác cũng ở khu nhà trọ đã phải sắp xếp về quê vì không thể trụ lại thành phố với mức lương ít ỏi, hoặc vì công ty cắt giảm nhân sự.

“Nếu được tiêm vaccine sớm thì tốt, nếu mất việc thì đi xin chỗ khác chắc cũng dễ hơn”, Khang nói.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, từ khi Covid xảy ra, tại Việt Nam có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỷ lệ thất nghiệp trên cả nước gia tăng.

Hiện đợt dịch lần 4 này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, chính vì vậy chắc chắn con số những người bị ảnh hưởng, bị mất việc sẽ còn gia tăng lớn hơn nữa. Trong tình hình rất cấp thiết hiện nay, vaccine đang trở thành niềm hy vọng lớn nhất, “cháy bỏng” nhất đối với doanh nghiệp cũng như người lao động tại Việt Nam.

Trả lời phỏng vấn VnEconomy, ông Đỗ Cao Bảo, Phó Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, vaccine là yếu tố quan trọng nhất quyết định một quốc gia có đạt miễn dịch cộng đồng hay không. Chính vì vậy, đây cũng là yếu tố then chốt để quyết định các doanh nghiệp trở lại sản xuất và kinh doanh, xúc tiến thương mại… bình thường trở lại.

Theo ông Bảo, trong giai đoạn trước mắt, các cơ quan chức năng ưu tiên trước cho nhóm các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; Doanh nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp cho nước ngoài (xuất khẩu); Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công ích (ngân hàng, hàng không, điện lực, viễn thông, internet, vận chuyển, vận tải, logicstic; Doanh nghiệp trụ sở ở khu vực đông dân cư: các thành phố, các thị xã…

Hiện nay, nếu nguồn vaccine chỉ đủ cho các đối tượng ưu tiên thì việc để các doanh nghiệp tự bỏ tiền mua vaccine, nhập khẩu theo qui định của Bộ Y tế và tự trả tiền tiêm dịch vụ là một giải pháp rất hợp lý. Như vậy chính phủ vừa giảm sức ép chi ngân sách, vừa đẩy nhanh tốc độ nhập và tiêm vaccine.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội DN TP HCM đưa ra khuyến nghị: “Hiện nay theo thông tin từ phía Chính phủ, các hãng sản xuất vaccine chỉ chấp nhận đàm phán với Chính phủ, vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải hết sức bình tĩnh để tránh lợi dụng, sa lầy khi có nhu cầu mua vaccine Covid -19.