Nike dùng robot để kéo dài tuổi thọ giày thể thao
Nike đang thử nghiệm một robot tại cửa hàng bán lẻ hàng đầu của hãng ở London, được thiết kế để vệ sinh và sửa chữa những đôi giày cũ. Robot này có tên BILL, viết tắt của Bot Initiated Long Life Lab…
Với mong muốn ghi dấu ấn bền vững của mình bằng cách khiến cho những đôi giày thể thao tồn tại lâu nhất có thể, Nike đã giới thiệu mô hình phòng thí nghiệm robot để khách hàng tới làm sạch và sửa chữa những chiếc Air Force 1, Air Jordan 1, Space Hippie 01 và Nike Dunks yêu thích, hoàn toàn miễn phí.
Cách hoạt động của BILL cũng khá là đơn giản. Khi muốn vệ sinh một đôi giày, chúng ta chỉ cần đưa nó vào cái máy quét đặc biệt được tích hợp sẵn và robot này sẽ tạo ra một mô hình 3D trên máy tính. Từ đó nó sẽ nhận dạng và thông báo lên máy chủ chính xác đến từng chi tiết bộ phận nào của đôi giày cần phải được vệ sinh. Thậm chí BILL còn đưa luôn thông tin của những phần đã bị hư hại, để chúng ta biết đường mà tu sửa.
Có rất nhiều lý do đằng sau quá trình hư hỏng của một đôi giày. Có thể nó đến từ một "vết thương" chí mạng, nhưng đôi khi chỉ là kết quả của sự tích tụ từ nhiều vết trầy nhỏ. Hãy tưởng tượng, với sự có mặt của BILL thì mỗi tuần một lần thôi, chúng ta chỉ cần đem giày đến để kiểm tra, sau đó thì tiện thể vệ sinh, nếu có hư hại gì thì sửa ngay luôn lúc đó. Chắc chắn đôi giày sẽ mãi bền chắc theo thời gian.
Tùy từng khu vực như ở trên, bên hông và đế ngoài, những vị trí cần được vệ sinh, BILL sẽ triển khai nhiều loại bàn chải, vải lau và các công cụ khác để đáp ứng nhu cầu của giày. Sau khi hoàn thành, nhân viên cửa hàng Nike sẽ thay các lớp lót và dây buộc mới được làm từ vật liệu tái chế để hoàn thành việc tân trang lại. Nike cho biết, robot mất khoảng 45 phút để xử lý một đôi Air Force 1. Người mua cũng có thể chọn miếng dán với hình thù độc lạ, xinh xắn để fix trên những vị trí rách hoặc bị trầy của đôi giày.
Noah Murphy-Reinhertz, trưởng nhóm phát triển bền vững tại Nike NXT, cho biết việc làm sạch các đôi giày cũ mang tính cá nhân và mọi người sẽ dành nhiều thời gian để chăm sóc cho những đôi giày yêu thích của họ. Cô nói thêm: “Chúng tôi coi BILL là một công cụ để có thể làm được những việc khó làm bằng tay, nhưng khi chúng tôi sử dụng robot như một phần của công nghệ tái chế, chúng tôi vẫn muốn dịch vụ mang tính cá nhân".
Hơi đáng tiếc là ở thời điểm hiện tại, BILL chỉ có thể vệ sinh được 4 trong số các mẫu giày của Nike. Thêm vào đó là robot này nhìn khá cồng kềnh, nên sẽ không phù hợp để có thể thương mại hoá đến từng hộ gia đình trong tương lai gần. Tuy nhiên, giới hâm mộ đang lập luận, nếu Nike đã tốn công để phát triển ra robot này thì sớm hay muộn, hãng cũng sẽ “phủ sóng” sự hiện diện của robot BILL trong các cửa hàng của mình.
Bắt đầu làm thí điểm trong suốt tháng 9, Nike hy vọng sẽ thu thập được những thông tin chi tiết có giá trị để hỗ trợ các nỗ lực của công ty nhằm tạo ra mối liên kết cá nhân hơn giữa mọi người và các sản phẩm mà không làm tổn hại đến môi trường. Nike cho biết họ sẽ bổ sung cho các dịch vụ hiện có như Nike Refurbished và Nike Recycling and Donation, yêu cầu khách hàng giao đồ thể thao Nike cũ của họ để các bộ phận của nó có thể được tái sử dụng theo một cách nào đó.