Ninh Bình dừng lệnh di dân do mực nước lũ trên sông Hoàng Long rút
Chiều 13/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình có thông báo về việc dừng thực hiện lệnh di dân...
Theo bản tin dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn Ninh Bình, hiện nay lũ trên sông Hoàng Long và lũ sông Đáy tại Ninh Bình đang xuống.
Tối ngày 12/9/2024 mực nước tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93m. Tuy nhiên, mực nước thực tế đo được lúc 11h00 ngày 13/9/2024, trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt 4,78m (trên báo động 3 là 0,79m), tại Gián Khẩu 4,41m (trên báo động 3 là 0,71m). Dự báo mức nước sông Hoàng Long trong các ngày tới tiếp tục giảm.
Đầu giờ chiều ngày 12/9, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch tỉnh Ninh Bình đã ký lệnh di dân vùng phân lũ, chậm lũ huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan. Theo đó, lệnh yêu cầu UBND huyện Gia Viễn, UBND huyện Nho Quan thông báo tới nhân dân vùng phân lũ, xả lũ trên địa bàn và triển khai phương án di dân khi mực nước sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt hơn 4,9m.
Lệnh di dân được ban hành để sẵn sàng việc vận hành tràn Lạc Khoái xả lũ (theo quy trình xả lũ), khi dự báo mực nước lũ sông Hoàng Long dâng cao. Phương án xả lũ qua tràn Lạc Khoái (Gia Viễn, Ninh Bình) được đánh giá là tình huống xấu nhất của tỉnh Ninh Bình để ứng phó mới mưa lũ.
Như vậy, khoảng 55.000 người dân ở vùng trũng, thấp thuộc các huyện Gia Viễn, Nho Quan bị ngập, buộc phải sơ tán khi tỉnh Ninh Bình đối phó với tình huống nước sông Hoàng Long dâng cao.
UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn bộ nhân dân vùng phân lũ, chậm lũ đã di chuyển đến nơi an toàn trước 18h ngày 12/9. Tại các khu vực này, loa phát thanh liên tục phát đi thông báo về tình hình lũ trên địa bàn.
Căn cứ vào diễn biến lũ trên sông Hoàng Long và điều kiện thực tế, chiều 13/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình có thông báo về việc dừng thực hiện lệnh di dân.
Trước đó, chiều muộn ngày 12/9/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra phương án thoát lũ sông Hoàng Long.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Ninh Bình theo dõi chặt chẽ dự báo khí tượng thuỷ văn, lưu lượng xả nước của các hồ thuỷ điện, diễn biến mực nước trên sông Hoàng Long, kịp thời triển khai các biện pháp đã chuẩn bị, sẵn sàng về lực lượng, vật tư, trang thiết bị.
Theo đó mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khoẻ, tính mạng và tài sản của người dân.
Báo cáo của tỉnh Ninh Bình cho biết bão số 3 gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cây xanh và cơ sở hạ tầng bị hư hại khoảng 50 tỷ đồng; 2.604 nhà ngoài đê bị ngập sâu khoảng 1- 2 m.