19:15 05/01/2022

Nợ xấu tiếp tục "trồi lên", lợi nhuận ngân hàng năm 2022 sẽ có sự phân hoá

Vũ Phong

Thời hạn cơ cấu nợ chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Sau thời hạn trên, nợ xấu thực tế của các ngân hàng sẽ lộ rõ...

Ngay khi các Thông tư cho phép cơ cấu nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết hiệu lực mà doanh nghiệp vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Đây là thách thức lớn đối với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ.

Số liệu mới nhất được Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (cuối năm 2020 ở mức 1,69%, tương đương tăng 0,21%); tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,79%.

Đáng chú ý, nếu tính cả các khoản nợ đến hạn mà chưa trả được cơ cấu theo các Thông tư 01, 03, 14 cũng như nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ này có thể tăng lên 7,31%.

Lý giải cho diễn biến nợ xấu tăng, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hơn 10 năm trước, hậu quả của nền kinh tế phát triển nóng, lạm phát tăng cao, bong bóng bất động sản… khiến nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng tăng lên 12%. Và toàn ngành ngân hàng phải phấn đấu nhiều năm sau đó với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị như sự ra đời của Nghị quyết 42/2017/QH14 mới gần đạt được mục tiêu xử lý các khoản nợ xấu trước đây thì đại dịch Covid-19 lại xuất hiện.

Cũng theo ông Tú, sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước cùng với các tổ chức tín dụng vào cuộc triển khai Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhưng còn một vài chỉ tiêu chưa đạt được do yếu tố khách quan dịch bệnh, trong đó có nợ xấu.

“Nợ xấu tăng lên là nợ xấu của nền kinh tế và tất cả cùng gánh vác, giải quyết. Ngân hàng Nhà nước đã và đang xác định quy mô, mức độ nợ xấu có thể diễn ra trong năm 2022 cũng như những năm tới để có giải pháp ứng xử thích hợp trên cơ sở vừa ngăn chặn, vừa kiểm soát không để nợ xấu tăng thêm”, ông Tú nhấn mạnh.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu. Trong đó bao gồm: Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng; Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng; Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp xử lý nợ xấu cũng được thảo luận do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng “0 đồng”.

 

Tại cuộc khảo sát mới đây về xu hướng kinh doanh, các tổ chức tín dụng nhận định, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu “tăng nhẹ” trong quý 4/2021, nhưng kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trở lại trong quý 1/2022.

Vì vậy, giới chuyên môn kỳ vọng năm 2022 các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt việc quản lý chất lượng tài sản tại các ngân hàng đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, Thông tư 16/2021 về trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, khiến doanh nghiệp khó gia hạn nợ hơn do các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ có vấn đề. Điều này sẽ làm tăng rủi ro phá sản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực rủi ro.

Với các chính sách như trên của nhà điều hành, tại một cuộc khảo sát gần đây do Vụ Dự báo Thống kê Ngân hàng Nhà nước triển khai, các tổ chức tín dụng tin tưởng rằng, sang đến quý 1/2021, nợ xấu toàn hệ thống sẽ bắt đầu giảm nhẹ trở lại.

Tuy nhiên, phải nhấn mạnh rằng, thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế, tức nợ xấu có thể tăng mạnh từ sau quý 2/2022.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, áp lực nợ xấu vẫn còn ở phía trước. Khi nợ xấu tiếp tục "trồi lên", ngân hàng bắt buộc phải trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro thì lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm mạnh.

"Năm 2021, ngân hàng duy trì lãi lớn là do chưa trích lập dự phòng đầy đủ và biên lợi nhuận được kéo rộng. Tuy nhiên, với việc tăng trưởng huy động chậm dần, kéo theo biên lợi nhuận buộc phải thu hẹp. Do đó, những ngân hàng nào chưa trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ có thể báo lợi nhuận lớn hôm nay, nhưng giảm lợi nhuận trong tương lai vì phải xử lý nợ xấu", ông Hiếu đánh giá.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VnDirect cho rằng, sẽ có mức độ phân hoá lợi nhuận rõ rệt trong năm 2022 với tiềm năng thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân nhờ chi phí vốn rẻ.

“Ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro tăng. Các ngân hàng được chúng tôi theo dõi dự kiến đạt tăng trưởng lợi nhuận 19% trong năm 2022, thay vì mức 25% ở năm 2021”, nhóm phân tích nhấn mạnh.