Nội địa hoá được 5%: Doanh nghiệp Việt đánh mất mình trong thị trường điện tử 12 tỷ USD
Đến nay nhiều doanh nghiệp điện tử Việt mới chỉ nội địa hoá được 5-10%. Thậm chí, một số các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu
Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu của Samsung.
Thị trường công nghiệp - điện tử 12 tỷ USD của Việt Nam
Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về ngành công nghiệp - điện tử của Việt Nam khẳng định các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và FDI đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện - điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, ti vi, máy giặt, điện thoại…
"Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số nước trên thế giới", Bộ Công Thương khẳng định.
Hoạt động sản xuất kinh doanh ngành điện tử nhìn chung duy trì được tốc độ ổn định và tăng trưởng khá trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử tiêu dùng như ti vi, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, điện thoại di động. Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu của Samsung.
Tuy vậy, theo Bộ Công Thương các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… ở các lĩnh vực sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử. Các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực điện tử ở Việt Nam chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử.
Năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường.
"Các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi như điện thoại BPhone, Vsmart, Viettel,… song thị trường điện - điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh", Bộ Công Thương cho hay.
Đặc biệt tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.
Nguyên nhân của những hạn chế này, Bộ này cho rằng, các sản phẩm điện tử có tuổi thọ sử dụng tương đối ngắn, thường xuyên thay đổi tính năng và mẫu mã, trong khi đó năng lực doanh nghiệp trong nước hạn chế, không đủ nguồn lực để tự đầu tư vào công tác nghiên cứu - phát triển sản phẩm và phát triển thương hiệu. Các công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng cao chủ yếu phụ thuộc vào các chuỗi sản xuất nước ngoài.
"Dự báo năm 2019 hầu hết các sản phẩm ngành điện tử tăng trưởng khá cao, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, sản phẩm điện thoại di động của Samsung Việt Nam vẫn tiếp tục gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các hãng điện thoại Trung Quốc...", báo cáo nêu.
Về tiềm năng ngành, Bộ Công Thương nhấn mạnh công nghiệp điện - điện tử Việt Nam là ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm điện - điện tử trong nước ngày càng tăng, với thị trường nội địa khoảng 10-12 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng để chiếm lĩnh thị trường nội địa nếu có các chiến lược, định hướng phù hợp.
Dựng hàng rào kỹ thuật, thuế phòng vệ
Để phát triển công nghiệp điện - điện tử Bộ Công Thương cho rằng cần xây dựng và tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhâp lậu…
Tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nội địa đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
Tiếp tục hỗ trợ hoạt động lắp ráp của Samsung tại Việt Nam; phối hợp với Samsung xây dựng hệ thống nhà cung ứng nội địa cung cấp cho hoạt động lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, cần xề xuất quy định yêu cầu ký quỹ bảo vệ môi trường đối với việc xử lý sản phẩm thải bỏ đối với sản phẩm điện - điện tử nhập khẩu theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa điện tử có xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.