10:33 23/04/2025

Nước cốt chanh lại “nóng” trên mạng xã hội

Hoài Phương

Sau khi trào lưu thải độc bằng cà phê tạm lắng, “cơn sốt” uống nước muối mỗi ngày cũng bị bác bỏ, thì những ngày vừa qua các trang mạng xã hội lại lan truyền thông tin về việc uống nước cốt chanh vào buổi sáng để chữa "bách bệnh"…

Người dân cần cẩn trọng trước những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội.
Người dân cần cẩn trọng trước những thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội.

Trên Facebook cá nhân, một tài khoản tự xưng là bác sĩ Ch. thông tin: "Chanh khi vào cơ thể chuyển hóa thành kiềm và kiềm hóa cơ thể rất mạnh. Chanh giúp giảm lượng đường trong máu, điều hòa huyết áp". Tài khoản này còn khẳng định "nên uống nước cốt chanh khi bụng rỗng. Chanh giúp gan, thận, mật và đường ruột thải độc mạnh".

Một tài khoản trên TikTok thì chia sẻ: “Không ăn sáng vẫn khỏe nhưng ăn sáng bằng chanh còn khỏe hơn”. Theo đó, người này thường xuyên uống 300 - 400ml nước cốt chanh (6 - 7 trái chanh) mỗi sáng khi bụng đói và không ăn gì cho tới bữa trưa. Lý do được người này đưa ra là chanh chứa axít nhẹ, khi đi vào cơ thể sẽ kết hợp muối khoáng biến thành kiềm giúp cơ thể khỏe mạnh. 

Tương tự, một tài khoản nữ cũng cho rằng, uống nước cốt chanh buổi sáng có tác dụng thải độc. Những bệnh nhân mắc bệnh gan, ung thư, sỏi thận, tiểu đường, viêm phế quản, viêm khớp, viêm tai, vô sinh… nhất thiết phải uống nước chanh để tăng cường đề kháng. Một tài khoản tự xưng là “lương y” còn khẳng định, chanh không những không gây đau dạ dày mà ngược lại còn có thể chữa căn bệnh này. Bởi chanh khi đi vào cơ thể chuyển hóa thành kiềm nên giúp cân bằng a xít dạ dày.

Một bài đăng trên hội nhóm "cổ vũ" uống nước cốt chanh.
Một bài đăng trên hội nhóm "cổ vũ" uống nước cốt chanh.

Đề cập đến trào lưu này, bác sĩ Đoàn Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết không thể phủ nhận rằng chanh là một loại quả có rất ít calo nhưng lại giàu vitamin C. Đặc biệt trong một quả chanh có tới 18,6mg vitamin C - khoảng 21% lượng khuyến nghị vitamin C hàng ngày. 

Tuy nhiên bác sĩ Hồng cho hay nếu uống nước chanh sai cách có thể gây nhiều hệ lụy. Chẳng hạn uống quá nhiều chanh, uống nước cốt chanh không pha loãng hoặc uống lúc đói có thể gây viêm loét dạ dày, trào ngược, ợ nóng… Ngoài ra, axit citric trong chanh có thể làm mòn men răng khiến răng nhạy cảm, ê buốt, dễ sâu răng, yếu răng.

Chanh cũng có thể khiến các vết loét trong miệng đau và lâu lành hơn. Chanh có chứa axit amin tyramine, do đó, khi uống quá nhiều nước chanh sẽ gây dư thừa loại axit này và khiến máu đột ngột dồn lên não gây ra các cơn đau nửa đầu. Uống quá nhiều nước chanh cũng có thể gây tiêu chảy, mất nước, rối loạn điện giải, ảnh hưởng xấu tới huyết áp và chức năng thận…

Bác sĩ chuyên khoa I Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nước chanh chỉ an toàn khi dùng đúng cách. Người dân khi ăn chanh nếu cảm thấy khó chịu hãy ngừng ăn. Không nên ăn chanh khi đói bụng. Khi uống nên pha loãng, tỷ lệ 1/4 đến một nửa quả chanh với một cốc nước và một chút đường thường có hiệu quả mà không quá chua. Sử dụng nước ấm sẽ nhẹ nhàng hơn với dạ dày và hỗ trợ tiêu hóa.

Đối với những người vốn đã có sẵn các vấn đề về dạ dày, như: viêm, loét hoặc trào ngược dạ dày - thực quản, tuyệt đối không nên ăn chanh hoặc uống nước chanh khi bụng đói, tốt nhất nên uống sau khi ăn no khoảng 30 phút, cần pha loãng với nhiều nước ấm để giảm nồng độ acid.

Một người đàn ông tên Dũng chia sẻ cả nhà anh có thói quen nhỏ nước cốt chanh.
Một người đàn ông tên Dũng chia sẻ cả nhà anh có thói quen nhỏ nước cốt chanh.

Ngoài việc “khuyên” nhau uống nước chanh khi bụng rỗng, nhiều người thậm chí còn truyền tai nhau cách nhỏ nước cốt chanh vào mắt, mũi, tai để chữa bệnh! Cụ thể, một người dùng mạng xã hội chia sẻ: "Dùng nước cốt chanh chữa các thể loại liên quan đến mắt 1 - 2 ngày là khỏi", hoặc nhỏ vào mũi, tai của trẻ để trị các bệnh viêm mũi dị ứng, ho. Một số người nêu cảm nhận khi nhỏ vào các bộ phận này tuy "rất xót", song khẳng định giúp "dịch tuôn ra, mũi thông thoáng, mắt sáng, đỡ nghễnh tai".

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM, cho biết chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào công nhận hiệu quả của việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt, mũi, hay tai để điều trị bệnh. Ngược lại, nước cốt chanh với thành phần chính là acid citric có thể gây bỏng rát, xung huyết, viêm kết mạc, thậm chí loét giác mạc nếu tiếp xúc lâu dài.

Riêng với mũi và tai, chất acid mạnh trong chanh dễ làm mất lớp bảo vệ tự nhiên, gây kích ứng, tổn thương, nguy cơ chảy máu mũi, thủng màng nhĩ là hoàn toàn có thể xảy ra nếu nước chanh thâm nhập sâu vào ống tai. Các nghiên cứu y học đã ghi nhận mắt, mũi, tai là những vùng cơ thể có lớp niêm mạc vô cùng nhạy cảm. Chỉ với lượng acid nhỏ, đã đủ gây kích ứng hoặc thậm chí tổn thương nghiêm trọng.

Trong một nghiên cứu về tác hại của acid citric với mô mắt, chỉ cần một lượng rất nhỏ tiếp xúc trực tiếp cũng có thể làm mỏng biểu mô giác mạc, thậm chí dẫn tới sẹo giác mạc, ảnh hưởng lâu dài đến thị lực. Ở trẻ em – nhóm nhạy cảm nhất, nguy cơ này còn gia tăng gấp bội do niêm mạc mỏng yếu, khả năng bảo vệ tự nhiên kém.

Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền trào lưu uống nước chanh, mía, sả, gừng thêm chút muối biển, kết hợp thêm nước râu ngô lợi tiểu để chữa suy thận, thậm chí có thể "dẹp luôn máy chạy thận". Bài đăng này đã thu hút hàng ngàn lượt thích, rất nhiều người để lại bình luận xem đây là phương pháp hữu ích.

Nước cốt chanh lại “nóng” trên mạng xã hội - Ảnh 1

Trước thông tin này, lương y Trần Văn Quảng, ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y Việt Nam, cho hay trong Đông y, thận suy tức là suy kiệt, thận đã yếu rồi, nếu còn dùng nhiều lợi tiểu sẽ dẫn đến bại thận, nguy hiểm. Các vị thuốc kể trên đều có tác dụng lợi tiểu, nếu người bệnh thận dùng sẽ khiến thận càng hỏng thêm. Đó là chưa kể, nước mía rất ngọt, chứa nhiều đường, đường lại thuộc top thực phẩm "cần hạn chế" của những người mắc bệnh tiểu đường. 

Dưới góc độ Tây y, bác sĩ Hồ Mạnh Linh, giám đốc Phòng khám đa khoa Medlatec Thanh Xuân, cho biết nguyên tắc cơ bản trong theo dõi điều trị bệnh thận mạn, tăng huyết áp là ăn nhạt - giảm muối. Từ đó có thể thấy phương pháp uống nước chanh, mía, sả, gừng và muối biển chữa suy thận là hoàn toàn sai lầm.

Lượng natri (muối) dư thừa trong khiến cơ thể giữ lại nhiều nước hơn, từ đó làm tăng áp lực máu lên thành mạch máu, gây tăng huyết áp. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những người đã có tiền sử tăng huyết áp hoặc bệnh thận mạn.

Cũng theo bác sĩ Linh, bệnh thận mạn được chia thành các giai đoạn với các phương pháp điều trị khác nhau. Ngoài điều trị căn bản vẫn cần duy trì thuốc kiểm soát huyết áp, các thuốc điều chỉnh các chức năng khác của thận mà máy lọc máu không thể thay thế được và chế độ ăn uống nghiêm ngặt có khác biệt với giai đoạn bảo tồn, đặc biệt là lượng muối, nước uống theo cá thể người bệnh được cân nhắc bởi các bác sĩ.