17:08 26/04/2023

OECD: Cải cách thể chế giúp Việt Nam thích ứng với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu

Anh Nhi

Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư đang là đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam để vượt qua “cơn gió ngược” từ những biến động bất lợi của tình hình thế giới và thích ứng với sự dịch chuyển của dòng đầu tư và thương mại mới…

Dự báo GDP thực tế của Việt Nam trong các năm 2023 và 2024 của OECD.
Dự báo GDP thực tế của Việt Nam trong các năm 2023 và 2024 của OECD.

Đây là một trong những thông điệp chính được đưa ra trong Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 26/4.

ĐỐI MẶT VỚI RỦI RO, TRIỂN VỌNG VẪN LẠC QUAN

Nhận định về kinh tế Việt Nam, ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng OECD cho rằng kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 nhờ phản ứng chính sách nhanh nhạy trong kiểm soát dịch Covid-19 và chiến dịch tiêm vaccine nhanh chóng.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam hiện cao hơn so với hầu hết các nền kinh tế khác ở Đông Nam Á, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp sau. OECD dự báo GDP thực tế của Việt Nam có thể tăng 6,5% năm 2023 và duy trì tốc độ 6,6% trong năm 2024.

“Tuy vậy, quá trình phục hồi đang bị đe dọa bởi các điều kiện bên ngoài khi bất ổn địa chính trị gây sức ép lên triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam”, ông Vincent nói.

Theo các chuyên gia của OECD, những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới như dịch bệnh Covid-19, xung đột tại Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, tăng trưởng thấp…. sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Song theo ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng của ADB, những rủi ro nội tại mà nền kinh tế đang phải đối mặt mới là vấn đề đáng lo.

“Những vấn đề như thị trường vốn, thị trường lao động, già hóa dân số hay chất lượng thể chế… ngày càng bộc lộ nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay”, ông Cường nhận định.

OECD: Cải cách thể chế giúp Việt Nam thích ứng với sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu - Ảnh 1

Cụ thể, theo báo cáo, cũng như nhiều quốc gia khác, kiểm soát lạm phát đang là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Việc bình thường hóa chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển đã nới rộng khoảng cách về lãi suất với Việt Nam và “làm nóng” tình hình lạm phát tại Việt Nam bằng việc gia tăng áp lực giảm tỷ giá hối đoái. Cùng với đó, sự tăng giá năng lượng và các loại hàng hóa cơ bản khác cũng làm xói mòn sức mua nội địa, cản trở sự phục hồi mới manh nha của tiêu dùng tư nhân và làm tăng nguy cơ nghèo khổ của các hộ gia đình dễ bị tổn thương.

Ông Vincent lưu ý trong bối cảnh dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, phải có sự chuẩn bị cho các chính sách an sinh xã hội thông qua đảm bảo nguồn thu bền vững.

Về môi trường kinh doanh, báo cáo đánh giá nhờ những nỗ lực cải cách sâu rộng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những thị trường mở nhất Đông Nam Á và đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Song các hạn chế về cạnh tranh khiến khu vực tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực như năng lượng, giao thông và viễn thông… trở nên ít ỏi. Trong bối cảnh Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, ông Vincent khuyến nghị Việt Nam cần nhanh chóng hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện các mục tiêu đặt ra.

BA KHUYẾN NGHỊ CHÍNH

Để giải quyết những điểm nghẽn trên, các chuyên gia của OECD đã đưa ra 3 khuyến nghị chính.

Thứ nhất, cần tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế; trong đó, trước mắt là ưu tiên giảm thiểu của giá năng lượng cao thông qua hỗ trợ cho nhóm hộ gia đình dễ bị tổn thương thay vì thực hiện những biện pháp tài khóa mở rộng hơn nữa.

“Trong trung hạn, Việt Nam cần củng cố tính bền vững tài khóa thông qua mở rộng cơ sở thuế và tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội”, báo cáo của OECD nhấn mạnh.

Ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng OECD chia sẻ những nội dung chính của Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023.
Ông Vincent Koen, Phó Vụ trưởng OECD chia sẻ những nội dung chính của Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023.

Thứ hai, để duy trì tăng trưởng kinh tế cao sau khi phục hồi, báo cáo cho rằng Việt Nam cần cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số theo hướng tinh giản các quy định, tăng tính minh bạch của quy trình điều tiết và tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả các bên tham gia thị trường

Thứ ba, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050, Việt Nam phải duy trì mức đầu tư cao cho năng lượng tái tạo và theo đuổi hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có cách tiếp cận toàn diện, trong đó ưu tiên đầu tư nhà nước và tư nhân hiệu quả, tạo cơ chế để giá cả thị trường phản ánh tốt hơn hàm lượng các-bon.

“Dòng vốn đầu tư và thương mại có sự dịch chuyển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 và Việt Nam là quốc gia đang được quan tâm. Song vấn đề hiện nay là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khi thể chế còn chưa rõ ràng và chưa tương xứng với các đối tác. Do đó, Việt Nam phải có hành động mạnh mẽ hơn để giảm tắc nghẽn cho thị trường, nâng cao chất lượng thể chế khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh tái cơ cấu vốn. Nếu không tận dụng cơ hội, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ quá trình lên tới 10 năm”, ông Cường nhấn mạnh.

 
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

 “Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2023 là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD thực hiện với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng. 

Quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD và ADB trong các hoạt động này là rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”.

Báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều Bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới” .

 

 
Ông Trần Anh Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao
Ông Trần Anh Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại giao

“Vừa qua, OECD đã dự báo tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 2,6% năm 2023; IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu 5 năm tới đạt dưới 3%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây.

Trong bối cảnh này, việc có cách tiếp cận phù hợp để thích ứng với những biến chuyển, hạn chế thách thức và tận dụng tốt cơ hội từ môi trường kinh tế toàn cầu, phát huy lợi thế so sánh của đất nước là vô cùng quan trọng để Việt Nam tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Việt Nam cần tìm ra và tận dụng được những động lực mới để tạo “sức bật” phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Với tinh thần đó, chúng tôi mong muốn OECD và ADB sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam trong một số lĩnh vực”.