07:35 24/11/2020

Ông Biden bổ nhiệm loạt nhân sự cao cấp về chính sách đối ngoại

An Huy

Ông Biden, 78 tuổi, đang đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây dựng một nội các mới

Ông Joe Biden, người được cho là đã đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters.
Ông Joe Biden, người được cho là đã đắc cử Tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters.

Ông Joe Biden, người được cho là đã đắc cử Tổng thống Mỹ, ngày 23/11 công bố một loạt vị trí chủ chốt trong đội ngũ chính sách đối ngoại, bao gồm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Động thái này diễn ra khi Michigan chính thức công bố ông Biden thắng tại bang chiến trường này, khiến cơ hội để Tổng thống Donald Trump lật ngược kết quả bầu cử trở nên ngày càng mong manh.

Theo tin từ Reuters, cơ quan bầu cử Michigan xác nhận dự báo trước đó của truyền thông rằng ứng viên Dân chủ Joe Biden đã thắng ứng viên Cộng hòa Donald Trump với tỷ lệ phiếu sít sao. Với sự phê chuẩn này, ông Trump không còn nhiều khả năng để thành công với cáo buộc rằng gian lận bầu cử xảy ra ở nhiều bang.

Với chiến thắng gần như đã chắc trong tay, ông Biden - người đã cho biết sẽ chấm dứt các chính sách theo chủ trương "Nước Mỹ trên hết" ("America First") của ông Trump - bổ nhiệm ông Jake Sullivan vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia và bà Linda Thomas-Greenfield vào cương vị đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc. Cả hai nhân vật này đều có nhiều kinh nghiệm cấp cao trong lĩnh vực an ninh và ngoại giao.

Ông Biden, 78 tuổi, đang đặt những "viên gạch" đầu tiên để xây dựng một nội các mới từ văn phòng làm việc tại gia ở Delaware, chuẩn bị cho lễ nhậm chức vào ngày 20/1 để chính thức lên lãnh đạo nước Mỹ trong bối cảnh bệnh dịch hoành hành. Trong khi đó, ông Trump vẫn chưa thừa nhận là người thua trong cuộc bầu cử 3/11.

Ông John Kerry, một cựu thượng nghị sỹ và từng là một ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ vào năm 2004, được ông Biden bổ nhiệm vào vị trí đặc phái viên khí hậu. Nguồn thạo tin tiết lộ rằng ông Biden có thể sẽ bổ nhiệm bà Janet Yellen, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Ông Antony Blinken, một trợ lý thân cận của ông Biden, được bổ nhiệm vào cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông Blinken từng giữ những vị trí quan trọng về ngoại giao dưới thời hai chính quyền Dân chủ trước đây, bao gồm một nhiệm kỳ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao thời Tổng thống Barack Obama.

Cùng với ông Sullivan - người từng là trợ lý của ông Obama và cố vấn chính sách cấp cao của bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử tổng thống 2016 - ông Blinken đã giúp ông Biden vạch ra chiến lược chính sách đối ngoại. Chiến lược này bao gồm thân mật trở lại với những đồng minh Mỹ bị ông Trump "xa lánh", đồng thời thể hiện quan điểm sẵn sàng hợp tác trong những vấn đề lớn của thế giới như chống Covid-19 và ảnh hưởng kinh tế của đại dịch.

Ông Biden, người từng là một thành viên lâu năm của Ủy ban Chính sách đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ, đã cam kết đưa Mỹ quy trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu Tehran nối lại việc tuân thủ thỏa thuận; trở lại hiệp định khí hậu Paris; từ bỏ kế hoạch về rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); và chấm dứt một quy định của Mỹ về cấp tài trợ cho các tổ chức cứu trợ bàn về vấn đề nạo phá thai. Tất cả các chủ trương này đều đảo ngược chính sách của ông Trump và một vài trong số đó có thể được thực thi ngay sau khi ông Biden nhậm chức.

Khả năng Mỹ đảo ngược chính sách đối ngoại của ông Trump đang là tin vui đối với nhiều đồng minh của Washington, nhất là những quốc gia châu Âu vốn không lấy gì làm vui với các chính sách của vị Tổng thống Cộng hòa về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thương mại, và quan hệ với Nga.

Trong một cuộc điện đàm với ông Biden ngày 23/11, người đứng đầu NATO mời ông xây dựng lại mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương và gặp gỡ với các đồng minh châu Âu của Mỹ vào năm tới.

Ông Biden còn có động thái nhằm đảo ngược chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump bằng cách bổ nhiệm luật sư Alejandro Mayorkas, một người gốc Cuba, vào vị trí Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa (DHS).

Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Mayorkas sẽ trở thành người đầu tiên sinh ra ở nước ngoài đứng đầu DHS, một "siêu bộ" thành lập sau vụ tấn công khủng bố 11/9. Ông Mayorkas từng giữ cương vị Thứ trưởng bộ này dưới thời Obama.

Về phần mình, ông Trump vẫn đang tiếp tục chiến dịch kiện tụng nhằm ngăn ông Biden trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng. Tuy nhiên, theo Reuters, Pennsylvania - một bang chiến trường khác - đang tiến gần hơn tới việc xác nhận ông Biden thắng.

Ông Biden bổ nhiệm loạt nhân sự cao cấp về chính sách đối ngoại - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump trong chuyến đi chơi golf hôm 22/11 - Ảnh: Reuters.

Vào ngày 14/12 tới, đại cử tri các bang sẽ hội tụ thành Đại cử tri đoàn (Electoral College) để chính thức chọn ra Tổng thống Mỹ. Cuộc họp này chỉ mang tính chất thủ tục, bởi quyết định đã được cử tri phổ thông đưa ra trong cuộc bầu cử 3/11. Theo dự báo của truyền thông Mỹ, ông Biden đã giành 306 phiếu đại cử tri, dư 36 phiếu so với con số 270 phiếu cần thiết để đắc cử.

Hầu hết các thành viên của Đảng Cộng hòa đến thời điểm này đều lên tiếng ủng hộ nỗ lực của ông Trump hoặc giữ im lặng, nhưng cũng có ngày càng nhiều người kêu gọi ông thừa nhận thất bại và triển khai việc chuyển giao quyền lực cho ông Biden.