15:36 03/11/2023

Phần lớn lao động nhận trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ

Nhật Dương

Mặc dù có giảm nhẹ so với quý trước, song số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất so với các nhóm trình độ khác trong quý 3/2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bản tin thị trường lao động quý 3/2023 vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố ghi nhận nhiều nhóm nghành nghề có số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tiếp tục tăng.

NĂM NHÓM NGÀNH CÓ NGƯỜI HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP CAO

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý 3/2023, cả nước ghi nhận 1,079 triệu người trong độ tuổi thất nghiệp, tăng 6,3 nghìn người so với quý 2/2023. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở mức cao, chiếm 7,86%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 2,3%; còn tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 2,73%.

Cũng trong quý 3, cả nước ghi nhận 291.350 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 66.163 người so với quý 2/2023, nhưng lại tăng 30.161 người so với cùng kỳ năm 2022.

Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp quý 3 là 294.443 người, trong đó 5.722 người được hỗ trợ học nghề; 642.733 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp phần lớn thuộc nhóm không có bằng cấp chứng chỉ, dù tỷ lệ này có giảm so với quý 1 và 2 (lần lượt là 67% và 68,9%), nhưng vẫn ở mức cao, chiếm 65%.

Trong khi đó, ở nhóm có trình độ đại học trở lên lại tăng so với quý 2, với 15,4% (quý 2/2023 là 13,1%); nhóm có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp chiếm 7%; riêng nhóm có trình độ cao đẳng và trung cấp đều chiếm 6,3%.

Cũng tương tự như ở quý 2, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn đứng đầu trong 5 nhóm ngành có số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 42% (giảm nhẹ so với quý 2 là 45,9%); tiếp theo là nhóm hoạt động dịch vụ khác; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; xây dựng.

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất gồm: Thợ may, thêu và thợ có liên quan; thợ lắp ráp; kế toán; nhân viên bán hàng; kỹ thuật viên điện tử.

Trong quý 4/2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo một số ngành có xu hướng giảm việc làm như: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác…, từ đó có thể kéo tăng số lao động thất nghiệp và số hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian tới.

Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm. Ảnh - N.Dương.
Người lao động đăng ký thông tin tìm kiếm việc làm. Ảnh - N.Dương.

Tình trạng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gia tăng cũng phần nào có nguyên nhân từ tình trạng doanh nghiệp khó khăn về đơn hàng, thu hẹp hoạt động, thậm chí tạm ngừng hoạt động, dẫn đến phải cắt giảm lao động vừa qua.

THỰC HIỆN KỊP THỜI CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/11 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết, thời gian qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mặc dù thấp hơn số doanh nghiệp thành lập mới, tuy nhiên số vốn đăng ký, số lao động đang có chiều hướng giảm. Trong số các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, có phần lớn là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, người phụ thuộc như: Giày da, dệt may, đồ gỗ, điện thoại và linh kiện điện tử…

Theo đại biểu, số doanh nghiệp đang tăng về cơ học, nhưng thị trường lao động chưa bền vững. Vì vậy, đại biểu cho rằng, Chính phủ, các Bộ, ngành cần tiếp tục đánh giá các gói hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong phục hồi phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu chính sách giảm thuế, giãn nợ, bù đắp chi phí cho các doanh nghiệp, giảm khoản đóng góp cho doanh nghiệp như thuế, cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, để hỗ trợ lao động thất nghiệp, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trong thời điểm khó khăn.

Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Thống kê đến nay, cả nước có hơn 14,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm hơn 31% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đến hết năm 2022, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 59,3 nghìn tỷ đồng. Kết dư quỹ lớn, tuy nhiên người thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu nhận trợ cấp, số tham gia học nghề còn chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn.

Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng hiện tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trong đó, mức hưởng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước; tối đa không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng với lao động trong khu vực doanh nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hiện được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Trong 3 tháng, kể từ khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nếu người lao động có nhu cầu thì đến Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở các tỉnh để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Trường hợp đã hết hạn nộp hồ sơ thì quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động vẫn được bảo lưu để tính tiếp cho lần hưởng trợ cấp thất nghiệp tới nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định, chứ không bị mất đi.