Phát hiện, xử lý cơ sở bán gần 30.000 bộ đồ thể thao Adidas, Nike siêu rẻ tại Hà Nội
Trung bình mỗi bộ quần áo thể thao giả nhãn hiệu Adidas, Nike được cơ sở đăng bán từ 55.000 - 65.000đồng/ bộ...
Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội phối hợp với Đội 4 Phòng PC03 - Công an thành phố Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh nằm trong khuôn viên Công ty Cổ phần thương mại Hiệp Hương, ngõ 11 Trần Vĩ, Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ sở kinh doanh do ông Thiều Tiến Lợi (sinh năm 1986) là chủ.
Thực tế kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện gần 30.000 bộ quần áo, đôi giầy, đôi găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas với mẫu mã quần áo của một số quốc gia như Bỉ, Nhật Bản và các Câu lạc bộ Manchester United, Tottenham Hotspur... đang bầy bán tại cơ sở.
Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở cho biết, hàng hóa – quần áo thể thao chủ yếu được bán trên mạng xã hội facebook và zalo. Trung bình mỗi bộ quần áo thể thao hiệu Adidas, Nike được cơ sở đăng bán từ 55.000 - 65.000đồng/ bộ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa có dấu hiệu giả mạo trên để củng cố hồ sơ và xử lý theo quy định với các hành vi: Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu theo quy định tại Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ và cung cấp thông tin, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mội trường Internet theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 63 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo đại diện Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội, trong thời gian diễn ra giải bóng đá vô địch thế giới World Cup 2022, nhu cầu sử dụng quần áo bóng đá, giầy, găng tay phục vụ cho hoạt động thi đấu và cổ vũ bóng đá ngày càng tăng.
Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, nhiều đối tượng kinh doanh, buôn bán các loại hàng hóa là quần áo, giầy, găng tay… là hàng giả, hàng nhái dùng cho môn bóng đá đã lựa chọn thời điểm tập kết, cung cấp ồ ạt các mặt hàng này ra thị trường thông qua hoạt động thương mại điện tử bằng các mạng xã hội như zalo, facebook.
Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả Việt Nam đã cấu kết với các đối tượng nước ngoài (Trung Quốc) sản xuất, vận chuyển hàng lậu, hàng giả.
Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhập khẩu hàng hóa gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam thể hiện ở việc được sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi kiểm tra thực tế thì trên hộp đựng sản phẩm và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Nhằm góp phần ổn định thị trường hàng hóa lưu thông trên địa bàn TP Hà Nội, tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-QLTTHN triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo đó tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý có trọng tâm, trọng điểm các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Chú trọng đấu tranh các mặt hàng thuốc lá nhập lậu, pháo nổ, đồ chơi ảnh hưởng tới sức khỏe và nhân cách trẻ em.
Đặc biệt kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, bánh kẹo rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết.