10:05 30/11/2022

Hàng lậu, hàng giả “đánh cắp” thị phần của các doanh nghiệp chân chính

Vũ Khuê

Hàng nhập lậu khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính khó cạnh tranh, bị thiệt hại lớn về tài chính, gây thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tới hình ảnh quốc gia…

Buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.
Buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Tại toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/11, ông Bùi Văn Hoàn, Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, cho biết số vụ buôn lậu qua biên giới đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp.

Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

KHÔNG THỂ CẠNH TRANH VỚI HÀNG LẬU

Theo ông Hoàn, nhiều đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch Covid-19 đưa hàng lậu đi sâu, len lỏi vào trong nước với nhiều thủ đoạn mới.

Hàng lậu, hàng giả “đánh cắp” thị phần của các doanh nghiệp chân chính - Ảnh 1

Các đối tượng nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không… gây thất thu thuế nhà nước. Thậm chí, tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3… ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối mặt với tình trạng này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản.

Đơn cử, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã khởi tố hơn 10 vụ hạt điều trong nước do các doanh nghiệp lợi dụng chế độ thông thoáng để nhập khẩu, đưa tiêu thụ nội địa, trốn thuế rất lớn. Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu đã xử lý các đối tượng lợi dụng các cam kết thương mại tự do cấp CO giả cho doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến thương hiệu hàng hoá Việt Nam và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Hữu Lộc, Phó Phòng bán hàng, Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco), chia sẻ ắc quy nhập lậu đang là vấn đề khiến doanh nghiệp này rất khó cạnh tranh.

Chênh lệch giá ắc quy sản xuất trong nước với ắc quy nhập khẩu chỉ 1-2%, nhưng tính tổng số lượng sản phẩm thì rất lớn. Một số nhãn ắc quy nhập khẩu chỉ xuất hoá đơn VAT bằng 66% so với bảng giá công bố đến khách hàng.

Theo tính toán, 1 bình ắc quy 120Ah có giá công bố là 2.840.000 đồng, giá xuất hoá đơn VAT 1.868.400, chênh lệch giá là 971.600 đồng. Nếu nhân với 8% thuế VAT thì nhà nước thất thoát 77.728 đồng/đơn vị sản phẩm.

Trong khi đó, theo số liệu của thống kê, mỗi năm các công ty nhập ắc quy từ Hàn Quốc khoảng 6 triệu USD (tương đương 144 tỷ VND) = 140.000 bình ắc quy (quy chuẩn). Như vậy, Nhà nước sẽ mất khoảng: 77.728 đồng x 140.000 bình = 10,8 tỷ đồng tiền thuế VAT (chưa tính thuế nhập khẩu).

“Mỗi bình ắc quy nhập khẩu gian lận thuế tác động giá giảm được từ 25% đến 36%. Với độ "vênh" lớn như vậy thì giá các bình ắc quy nhập bán ra rất thấp. Muốn cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước chỉ có cách hạ giá bán, nhưng dù hạ xuống bằng giá thành thì giá bán cũng cao hơn bình nhập trốn thuế từ 10-15%”, ông Lộc tính toán.

Ông Adrian Clarke, Quản lý Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam thì gọi những đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán thuốc lá giả là ”đánh cắp” thị phần của các doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp”. Thậm chí, những loại thuốc lá này không được kiểm soát, không đảm bảo tiêu chuẩn sẽ gây tổn hại lớn cho sức khoẻ người tiêu dùng.

CẦN CHẾ TÀI NGHIÊM KHẮC HƠN

Tuy nhiên việc đấu tranh với nhập lậu, hàng giả lại là thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Thậm chí, theo đại diện Công ty JTI Việt Nam, thách thức tại Việt Nam lớn hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới khi mà Việt Nam có đường biên giới dài, các tội phạm có hành vi tinh vi.

Để chống lại tình trạng này, ông Adrian Clarke cho biết các quốc gia như Đài Loan có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về hệ luỵ với hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc với chính sức khoẻ của họ. Tác động tiêu cực tới hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp cũng như chính các nhà sản xuất chân chính.

“Đây là cách thức tốt để người tiêu dùng hiểu được sản phẩm bất hợp pháp, những tác động tiêu cực khi họ sử dụng chính những sản phẩm đó, hệ luỵ tổn hại tới toàn xã hội, cũng như chế tài xử phạt nếu họ vi phạm”, ông Adrian Clarke nhìn nhận.

“Hay tại Anh, có chương trình giáo dục thay đổi nhận thức và khuyến khích trình báo với người tiêu dùng, đưa luật pháp vào cuộc sống. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần chế tài nghiêm khắc hơn”, ông Adrian Clarke kiến nghị.

Theo đề xuất của ông Lộc, cần phải kiểm soát gian lận bằng biểu giá tối thiểu tính thuế nhập khẩu. Giá cả mặt hàng ắc qui hiện nay nhập khẩu về Việt Nam dựa trên tự khai của doanh nghiệp nhập khẩu. Các nhà nhập khẩu đã kê khai không đúng giá trị thực của lô hàng hóa. Chính vì thế, để siết lại kẽ hở này, Nhà nước phải ban hành được giá tối thiểu tính thuế.

Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với mặt hàng nhập khẩu.

Ông Hoàn cho rằng đây là vấn đề rất nhức nhối. Trong quy chế xử lý hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ theo Nghị định 99/2013 đối với hàng hoá xuất khẩu, cơ quan chức năng phát hiện thì không có chế tài xử lý, chỉ buộc tái xuất. Quy định này gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình xử lý.

Vì vậy, trong giai đoạn tới, Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để người dân được tiêu dùng sản phẩm tốt, chất lượng, nhất là trong tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.