Phát triển "du lịch không chạm", Việt Nam bắt đầu từ đâu?
Ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực du lịch sẽ giúp tạo đà xây dựng du lịch thông minh, từ đó nâng cao tính cạnh tranh lâu dài cho các điểm đến du lịch Việt Nam...
Theo Tiến sĩ Jackie Ong, giảng viên Đại học RMIT, nhiều điểm du lịch cũng đang hiện đại hóa và sử dụng công nghệ thông minh trong nhiều mảng vận hành, từ dịch vụ đặt chỗ, phương thức thanh toán đến các hoạt động tương tác và quản trị nguồn lực.
“Là một điểm đến mới nổi với lực lượng lao động trẻ và thông thạo công nghệ, tương lai của du lịch Việt Nam thật tươi sáng”, bà Jackie Ong nói. Có rất nhiều tiềm năng để ngành du lịch nơi đây học tập kinh nghiệm của các điểm đến toàn cầu và áp dụng công nghệ phù hợp nhằm thay đổi hoàn toàn trải nghiệm khách hàng, từ đó nâng cao tính cạnh tranh lâu dài của ngành du lịch.
Các điểm đến hiện đang dẫn đầu xu hướng du lịch thông minh có thể kể đến là Amsterdam, Barcelona, Dubai, London, Melbourne, New York, Oslo, Singapore và Tokyo.
Tại những nơi này, khách du lịch có thể sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các thao tác đơn giản như tự phục vụ và làm thủ tục check in ở sân bay, trả tiền taxi, đặt thức ăn, xác định thời gian chờ và đọc thông tin về điểm đến hoặc thắng cảnh qua mã QR code được cung cấp.
Trong đại dịch Covid-19, việc sử dụng công nghệ thông minh thậm chí còn trở nên phổ biến hơn. Nhiều điểm đến hiện đang sử dụng trí thông minh nhân tạo, dùng robot thay con người làm những công việc lao động chân tay trong khách sạn, nhà hàng và công viên giải trí.
Một số nơi cũng phát triển tour du lịch ảo hoặc thực tế tăng cường bên cạnh các tour thực tế.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nên nghiên cứu các xu hướng ứng dụng các công nghệ mới như du lịch không chạm - một xu hướng tất yếu để hạn chế sự tiếp xúc, ngăn ngừa dịch bệnh. Không chạm khi đi du lịch không chỉ là hạn chế tiếp xúc giữa người với người, giữa con người với các vật dụng, bề mặt mà còn là trải nghiệm du lịch với các thiết bị và công nghệ tự động hóa.
Trước đây, các loại giấy tờ thông hành được trao tay khi làm thủ tục, kiểm tra, kiểm soát... Điều này khiến mọi người phải xếp hàng chờ đợi và gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Nhưng với du lịch thời Covid-19, mọi quy trình tại quầy làm thủ tục, quầy lễ tân sẽ được tự động hóa.
Đơn cử, mô hình khách sạn thông minh cũng cho phép khách được nhận phòng bất kỳ thời điểm nào và tính theo 24h, chứ không ràng buộc phải check-out trước 12h giờ trưa như truyền thống.
Thêm vào đó, trên máy bay, tại các điểm đến du lịch, tại các nhà hàng, khách sạn cũng cần ứng dụng nhiều thiết bị không chạm hiện đại như vòi nước cảm ứng; cửa đóng/mở tự động… Tất cả sẽ giúp hoạt động du lịch trở nên an toàn và tiện lợi hơn rất nhiều.
Bà Jackie Ong cho rằng, nhiệm vụ hiển nhiên đầu tiên mà các điểm du lịch Việt Nam cần thực hiện là đầu tư vào hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để hỗ trợ năm yếu tố quan trọng của du lịch, thường được gọi theo năm chữ A trong tiếng Anh gồm: Accessibility – cách tiếp cận điểm đến, Attractions – thắng cảnh, Activities – hoạt động, Amenities – cơ sở tiện nghi, và Ancillary services – các dịch vụ hỗ trợ.
Tuy nhiên, du lịch thông minh không chỉ có áp dụng công nghệ mà còn bao hàm nhiều khía cạnh khác như tính bền vững, hiệu quả, đổi mới sáng tạo và quản trị.
Cũng theo chuyên gia này, một yêu cầu quan trọng là phải có nguồn nhân lực thông minh để quản trị du lịch thông minh. Lãnh đạo và quản lý cấp cao trong tương lai của ngành du lịch cần được trang bị hiểu biết về công nghệ, tư duy phản biện, quản trị và phân tích, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề, để đưa ra những giải pháp tích cực cho các vấn đề phát triển bền vững toàn cầu.