12:44 24/04/2024

Phát triển Hội An trở thành đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững, giàu bản sắc

Song Hoàng

Theo Đồ án quy hoạch chung, xây dựng Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030; hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2050, định hướng phát triển đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: dân tộc, hiện đại và bền vững...

Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Phố cổ Hội An, Quảng Nam

Sáng ngày 22/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị để nghe thành phố Hội An báo cáo thông qua Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035, tầm nhìn 2050. 

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện đơn vị thực hiện lập hồ sơ quy hoạch và đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hội An giai đoạn đến năm 2035, tầm nhìn 2050 cho biết: Theo Đồ án quy hoạch chung, xây dựng Hội An phấn đấu trở thành đô thị loại II theo tiêu chí đặc thù vào năm 2030; hướng tới phát triển đô thị thông minh vào năm 2050, định hướng phát triển đô thị sinh thái- văn hóa- du lịch mang tầm quốc tế, phát triển dựa trên nền tảng: dân tộc, hiện đại và bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, có khả năng chống chịu với thiên tai; kết nối đồng bộ với vùng đô thị thông minh của tỉnh là Hội An- Điện Bàn- Tam Kỳ- Núi Thành; phát triển du lịch thông minh, du lịch xanh…

Dự báo đến năm 2035, dân số toàn thành phố khoảng 160.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 2.841 ha. Đến năm 2050, số dân khoảng 230.000 người; đất xây dựng đô thị khoảng 3.274 ha. Đồ án quy hoạch chung cũng vạch ra các chiến lược phát triển đô thị Hội An trong giai đoạn tới: bảo tồn không gian mặt nước độc đáo, đa dạng và dễ biến động của Hội An;  quảng bá Hội An như một thành phố của di sản sống; cải thiện tình trạng quá tải và phát triển bền vững hơn.

Định hướng phát triển đô thị về phía Tây (phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà), tận dụng khả năng tiếp cận giao thông đối nội - đối ngoại, kết nối tốt với thị xã Điện Bàn, thành phố Đà Nẵng. Phát triển đô thị hỗn hợp với hệ thống dịch vụ và cơ sở hạ tầng công cộng. Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và du khách. Song song đó, phát triển các cụm đô thị mới gắn với hệ thống giao thông chính của đô thị, đảm bảo khả năng tiếp cận của địa phương và khu vực.

Để tạo điều kiện cho quá trình bảo tồn, phát triển và quản lý đô thị trong tương lai, thành phố Hội An sẽ được quy hoạch với 07 phân khu. Cấu trúc phân khu chức năng dựa theo ranh giới hành chính và tính chất, đặc điểm của 04 vùng không gian của Hội An. 

7 phân khu gồm: Khu đô thị dịch vụ di sản gồm các phường Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô, Tân An. Khu đô thị đảo gắn với trung tâm văn hóa-dịch vụ: Phường Cẩm Nam. Khu phát triển mới đô thị và nông thôn bao gồm phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà. Khu dân cư sinh thái đảo bao gồm xã Cẩm Kim. Khu đô thị gắn với cảnh quan sông nước bao gồm phường Cẩm Châu, xã Cẩm Thanh. Khu đô thị dịch vụ cửa ngõ biển:Phường Cẩm An, phường Cửa Đại. Khu dân cư gắn với bảo tồn sinh quyển: xã đảo Tân Hiệp.

Sau khi nghe báo cáo của thành phố Hội An và đơn vị thực hiện lập quy hoạch, đồ án điều chỉnh quy hoạch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung, định hướng phát triển đô thị Hội An đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, lưu ý đến một số vấn đề về quy hoạch dân số, hạ tầng, môi trường…

Đồng thời, đề nghị thành phố Hội An tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cập nhật thông tin mới nhất, tham vấn thêm các bộ, ngành liên quan, nâng cao chất lượng; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đồ án, qua đó khắc phục những hạn chế, phát huy hết những tiềm năng của Hội An. 

Tỉnh ủy Quảng Nam đánh giá cao chất lượng của Đồ án quy hoạch chung thành phố Hội An. Trên cơ sở đó, yêu cầu Hội An khẩn trương chỉ đạo, sớm triển khai Đồ án. Các đơn vị tư vấn, sở, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, lấy ý kiến nhân dân để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch, đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, tính phù hợp, khả thi, có sự đồng thuận cao; tích hợp thêm các quy hoạch chuyên ngành, phù hợp với quy hoạch của tỉnh…