13:46 17/04/2025

Phê duyệt quy hoạch sân bay Phú Quốc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thanh Thủy

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng phát triển đạt cấp 4E theo mã tiêu chuẩn quốc tế. Quy hoạch đến năm 2050, sân bay này có công suất khai thác 18 triệu hành khách và 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm, với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 427/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, trong giai đoạn 2021 – 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc được định hướng phát triển đạt cấp 4E theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Công suất thiết kế của sân bay trong giai đoạn này là khoảng 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác là tàu bay B747, B787, A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh bao gồm: thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT I đối với đầu 10 của đường cất hạ cánh; tiêu chuẩn CAT II đối với đầu 28 của đường cất hạ cánh.

Về hệ thống đường cất hạ cánh sẽ quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về hai phía đạt kích thước 3.500 m x 45 m; quy hoạch đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.300 m x 45 m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 360 m, kích thước lề vật liệu theo quy định.

Ở giai đoạn này sẽ quy hoạch kéo dài đường lăn song song hiện hữu về hai phía để đồng bộ với đường cất hạ cánh; quy hoạch đường lăn song song nằm giữa 2 đường cất hạ cánh, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 180 m; quy hoạch hệ thống đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh đồng bộ để kết nối giữa đường lăn song song với đường cất hạ cánh, sân đỗ; kích thước lề vật liệu theo quy định.

Đối với sân đỗ máy bay, quy hoạch sân đỗ trước nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ hiện hữu đáp ứng khoảng 30 vị trí đỗ máy bay, có khả năng mở rộng tại khu đất dự trữ phát triển sân đỗ; quy hoạch sân đỗ tàu bay khu vực nhà khách VIP/hàng không chung để bảo đảm khai thác đồng bộ.

Nhà ga hành khách thời kỳ 2021 - 2030, tiếp tục duy trì nhà ga hành khách T1 hiện hữu công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm; quy hoạch nhà ga hành khách T2 về phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm. Quy hoạch nhà khách VIP kết hợp với khai thác hàng không chung tại khu vực phía Tây Nam của Cảng.

Nhà ga hàng hóa, mở rộng nhà ga hàng hóa hiện hữu đạt công suất khoảng 25.000 tấn/năm; tầm nhìn đến năm 2050 mở rộng nhà ga hàng hóa đạt công suất khoảng 50.000 tấn/năm.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc tiếp tục được quy hoạch duy trì cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO, với công suất thiết kế khoảng 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm.

Loại tàu bay khai thác là tàu bay B747, B787, A350 và tương đương. Phương thức tiếp cận hạ cánh gồm: thiết bị hạ cánh chính xác theo tiêu chuẩn CAT I đối với đầu 10 của đường cất hạ cánh; tiêu chuẩn CAT II đối với đầu 28 của đường cất hạ cánh.

Giai đoạn này, hệ thống đường cất hạ cánh sẽ giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh đã được quy hoạch trong giai đoạn trước. Quy hoạch đường lăn song song cách tim đường cất hạ cánh số 2 về phía Bắc khoảng 180 m. Quy hoạch hệ thống đường lăn nối, đường lăn thoát nhanh đồng bộ để kết nối giữa đường lăn song song với đường cất hạ cánh, sân đỗ; kích thước lề vật liệu theo quy định.

Về sân đỗ máy bay, mở rộng sân đỗ đáp ứng khoảng 45 vị trí đỗ máy bay; dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tổng nhu cầu sử dụng đất của Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc cho cả hai giai đoạn là khoảng 1.050,1 ha. Trong đó, đất do hàng không dân dụng quản lý 561,1 ha; đất do quân sự quản lý là 70,2 ha; đất dùng chung giữa các bên là 418,8 ha.

Để đảm bảo việc triển khai quy hoạch diễn ra đúng tiến độ và hiệu quả, Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) có trách nhiệm tiếp thu báo cáo thẩm định của Vụ Kế hoạch - Tài chính để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch; đồng thời chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và các cơ quan liên quan trong việc công bố, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm rà soát, cập nhật các nội dung quy hoạch sân bay Phú Quốc vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như các quy hoạch liên quan.

Đồng thời, tỉnh cần quản lý nghiêm ngặt tĩnh không, cao độ xây dựng và bố trí, bảo vệ quỹ đất phù hợp với quy hoạch đã được duyệt; chủ động xây dựng phương án sử dụng đất để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển mở rộng sân bay trong tương lai.