01:21 20/01/2022

Phê duyệt tổng thể quy hoạch cố đô Huế trở thành di sản văn hoá thế giới

Mộc Minh

Việc quy hoạch nhằm phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hoá làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hoá thế giới…

Kinh thành Huế vẫn còn lưu giữ lại được nhiều công trình kiến trúc lăng tẩm, cung điện có giá trị văn hóa nổi bật.
Kinh thành Huế vẫn còn lưu giữ lại được nhiều công trình kiến trúc lăng tẩm, cung điện có giá trị văn hóa nổi bật.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 42 phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi lập quy hoạch là không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể di tích Cố đô Huế.

Cụ thể, gồm: Khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu thuộc địa giới hành chính TP. Huế, thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thuỷ, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Việc quy hoạch nhằm nhận diện đầy đủ giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế, hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hoá trong quản lý, tạo khung pháp lý, chính sách, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích;

Phát huy công tác bảo tồn di sản văn hoá, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Quần thể di tích Cố đô Huế, phục hồi các không gian gắn với di sản, tạo cho khu vực Quần thể di tích trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế;

Bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hoá làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hoá thế giới.

Năm 2021 vừa qua, TP. Huế đã tập trung hoàn thiện các quy hoạch phát triển, nâng cấp đô thị, phát triển trục cảnh quan sông Hương làm trục chính phát triển đô thị theo hướng biển. Trong đó, quy hoạch lại không gian đô thị trung tâm trên cơ sở bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển; giữa gìn giữ, phát huy các giá trị di sản và phát triển các khu vực TP. Huế mở rộng. 

Để hoàn thiện hạ tầng đô thị Huế, thành phố tăng cường đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; các dự án chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương và chỉnh trang đô thị Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt.  

Năm 2022, TP. Huế phấn đấu hoàn thành dứt điểm công tác di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế tại các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào, Tuyến Phòng Lộ, Hồ Tịnh Tâm, Trấn Bình Đài (Mang Cá nhỏ). Tiếp tục lập các thủ tục để thực hiện giai đoạn 2 của đề án tại các khu vực: Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiễn Võ Từ…

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, để hoàn thiện hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, năm 2022, thành phố tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, trong đó quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị, cây xanh đảm bảo tiêu chí đô thị loại 1.

 

Đề án di dời dân cư, tu bổ khu Kinh thành Huế có tổng nguồn vốn 7.210 tỷ đồng

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định số 3360 (ngày 30/12/2020) về phê duyệt điều chỉnh Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 7.210 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn cho Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng và bảo tồn, tu bổ  khu vực 01 di tích Kinh thành Huế khoảng 5.615 tỷ đồng (vốn Trung ương hỗ trợ); nguồn vốn cho tái định cư 1.595 tỷ đồng (vốn ngân sách tỉnh và nguồn khác).

Theo đó, từ năm 2019-2021: Hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi di tích Kinh thành Huế (gồm tường thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ, Trấn Bình Đài và Hồ Tịnh Tâm (3.516 hộ dân, trong đó, đã di dời 166 hộ dân); Hoàn thành 10 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ, tổng diện tích hơn 83ha phục vụ tái định cư (tổng giá trị đầu tư hơn 979 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 2.005 tỷ đồng.

Từ năm 2021-2022: Hoàn thành di dời dân cư, giải phóng mặt bằng phạm vi các di tích Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiêm Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, khu vực tiếp giáp Mang Cá (1.954 hộ dân); Hoàn thành khu dân cư phục vụ giải phóng mặt bằng có diện tích hơn 32ha phục vụ tái định cư (tổng giá trị đầu tư 416 tỷ đồng)… Tổng mức đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 1.760 tỷ đồng.

Từ năm 2021-2025: bảo tồn, tu bổ phục hồi và phát huy giá trị di tích sau khi di dời dân cư: Hệ thống Kinh thành Huế (Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào, Tuyến Phòng Lộ, Trấn Bình Đài), Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiêm Giám, Xiển Võ Từ, khu di tích Lục Bộ, khu vực tiếp giáp Mang Cá… Tổng mức đầu tư khoảng 1.150 tỷ đồng.