18:27 18/12/2021

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục tạo đột phá về chính sách

Phan Nam

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 ngành xây dựng (diễn ra ngày 18/12), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục tạo đột phá về chính sách…

“Doanh nghiệp không thể chờ đợi lâu, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, bởi sẽ bỏ lỡ cơ hội. Chậm từ địa phương này thì họ có thể chuyển sang địa phương khác nhưng nếu ở tầm quốc gia thì nhà đầu tư sẽ rời bỏ sang quốc gia khác”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

XỬ LÝ NGHIÊM CÁC HÀNH VI VI PHẠM QUY HOẠCH

Phó Thủ tướng cũng nhận định, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của ngành xây dựng là tổ chức lập các quy hoạch và quản lý quy hoạch. Những quy hoạch có chất lượng, bảo đảm tầm nhìn sẽ mở ra không gian và định hướng phát triển cho từng ngành, từng địa phương cũng như cả nước. Cùng với việc phê duyệt quy hoạch cần phải kiểm soát tốt quá trình quản lý thực hiện theo quy hoạch, đặc biệt là việc điều chỉnh quy hoạch phải hết sức thận trọng.

“Muốn quy hoạch tốt thì phải có được đội ngũ cán bộ làm quy hoạch có năng lực, trình độ, tâm huyết, trách nhiệm và bản lĩnh. Bởi quy hoạch xây dựng liên quan trực tiếp đến đất đai, trong khi qua thống kê, 80% các vụ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến lĩnh vực đất đai. Do vậy người làm quy hoạch phải bản lĩnh, không thế lực nào có thể can thiệp được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành xây dựng cần quan tâm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong thực hiện quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng (xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch), nhất là tại các đô thị và khu vực phát triển mới, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Đồng thời, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030. Coi việc giải quyết nhu cầu về nhà ở cho nhân dân, trước hết là nhà ở cho người có công, người nghèo, công nhân trong các khu công nghiệp - cụm công nghiệp là một trụ cột của chính sách an sinh xã hội.

BỘ XÂY DỰNG SẼ TẬP TRUNG THỰC HIỆN 3 KHÂU ĐỘT PHÁ

Với chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chia sẻ, ngành xây dựng sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao về hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực: quy hoạch, kiến trúc; hoạt động xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật; nhà ở, bất động sản; vật liệu xây dựng; tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá. Trước hết là hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng để tăng cường quản lý nhà nước; đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tập trung cho quy hoạch, quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, đẩy mạnh quản lý phát triển nhà ở, thị trường bất động sản; nhất là tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà cho phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình; thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tăng cường quản lý đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

Bộ Xây dựng sẽ bám sát Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022-2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp; trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.

Cùng với đó sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội của các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển nhà ở xã hội; đa dạng hóa nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng sẽ theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ, đặc biệt tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

 
Trong năm 2021, giá trị tăng thêm của ngành xây dựng dự kiến tăng 0,2 - 0,5% so với năm 2020. Chỉ số giá xây dựng tăng 4,34%, chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản tăng khoảng 3,1%. Diện tích nhà ở bình quân cả nước ước đạt 25 m2/người. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc năm 2021 ước đạt 40,5%...
Năm 2022, ngành xây dựng đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 4,96 - 5,56%; diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người; tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42%. Đây là chỉ tiêu được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng