10:11 23/08/2023

Phục hồi nhanh nhưng lỗ lũy kế "ăn mòn" vốn, nhiều doanh nghiệp đường sắt chịu giám sát đặc biệt

Ánh Tuyết

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, với doanh thu tăng 21% và giảm lỗ sâu trên 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ lũy kế của Công ty mẹ và nhiều công ty con còn lớn, đặc biệt, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty Xe lửa Gia Lâm có khả năng mất vốn, phải giám sát tài chính đặc biệt...

Tổng doanh thu năm 2022 Công ty mẹ tăng 38% nhưng do chịu ảnh hưởng của đại dịch nên lỗ lũy kế lên tới 1.995 tỷ đồng.
Tổng doanh thu năm 2022 Công ty mẹ tăng 38% nhưng do chịu ảnh hưởng của đại dịch nên lỗ lũy kế lên tới 1.995 tỷ đồng.

Bộ Tài chính vừa có Ccông văn số 8829/BTC - TCDN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Giao thông vận tải; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ý kiến về tình hình tài chính và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty.

KINH DOANH PHỤC HỒI, LỖ GIẢM MẠNH

Cụ thể, đối với toàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2022, tổng doanh thu theo báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng công ty là 8.166 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2021. Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Tổng công ty vẫn bị lỗ 90 tỷ đồng, giảm 428 tỷ đồng so với năm 2021.

Đối với Công ty mẹ, tổng doanh thu năm 2022 là 5.520 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2021; trong đó, doanh thu dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là 1.997 tỷ đồng, tăng 58% so với năm 2021. Tuy nhiên, do không đủ bù đắp chi phí nên kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 của Công ty mẹ tiếp tục bị lỗ 152 tỷ đồng.

Về tình hình nợ phải thu và phải trả, tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng số nợ phải thu của Công ty mẹ là 1.647 tỷ đồng, chủ yếu phải thu của các công ty con, công ty liên kết; dự phòng nợ phải thu khó đòi là 134 tỷ đồng. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời là 1,08 lần.

Về vốn chủ sở hữu và bảo toàn vốn, trong những năm vừa qua do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ bị lỗ dẫn tới số lỗ lũy kế tại thời điểm ngày 31/12/2022 là 1.995 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 1.147 tỷ đồng.

 

“Theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chưa bảo toàn vốn nhà nước tại Tổng công ty”.

Bộ Tài chính.

Về đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Công ty mẹ chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh chính là bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, vận tải đường sắt và sản xuất công nghiệp cơ khí đường sắt.

Tại thời điểm ngày 31/12/2022, tổng giá trị đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của Công ty mẹ là 1.498 tỷ đồng (giá gốc), trong đó, đầu tư vào các công ty con 1.389 tỷ đồng (chiếm 92,7%/tổng giá trị đầu tư) và đầu tư vào các công ty liên kết và khác 109 tỷ đồng (chiếm 7,3%/tổng giá trị đầu tư). 

Về hiệu quả đầu tư, cổ tức Công ty mẹ được chia năm 2022 là 23,8 tỷ đồng (tương đương năm 2021), tỷ suất cổ tức/tổng giá trị đầu tư là 1,59%.

"Số dư trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính của Công ty mẹ là 693 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trích lập dự phòng khoản đầu tư tại hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt: Hà Nội (348 tỷ đồng) và Sài Gòn (306 tỷ đồng)", Bộ Tài chính nêu rõ.

LO MẤT VỐN, CẦN GIÁM SÁT TÀI CHÍNH ĐẶC BIỆT HAI CÔNG TY CON

Đối với các công ty con, Bộ Tài chính ghi nhận doanh thu năm 2022 của 20 công ty thuộc khối bảo trì là 3.630 tỷ đồng, lợi nhuận là 76,68 tỷ đồng. Do thực hiện cung cấp dịch vụ công ích đường sắt nên lợi nhuận đạt thấp dù các công ty đều có lãi và cổ tức hàng năm. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn của các công ty đều đảm bảo lớn hơn 1. 

Bộ Tài chính cũng nêu rõ một số công ty có hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao như: Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú (6,07 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa (4,86 lần), Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh (6,9 lần) do đặc thù chưa thanh toán lương, bảo hiểm xã hội vào thời điểm cuối năm.

Khó khăn nhất đối với các đơn vị thành viên của Tổng công ty là hai công ty cổ phần vận tải đường sắt. Bộ Tài chính cho biết, do hạ tầng đường đường sắt lạc hậu, khai thác hạ tầng đường sắt chưa tốt dẫn đến khả năng cạnh tranh của vận tải đường sắt kém so với các loại hình vận tải khác.

 

"Mặc dù doanh thu vận tải đường sắt năm 2022 có sự phục hồi, tăng 60% so với năm 2021 (3.868 tỷ 3 đồng/2.441 tỷ đồng), lãi 6,2 tỷ đồng (năm 2021 lỗ 261 tỷ đồng) nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 những năm vừa qua nên hai công ty có số lỗ lũy kế lớn, tình hình tài chính và hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn".

Bộ Tài chính.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội có vốn điều lệ là 801 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 421 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,84 lần, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,29 lần.

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn có vốn điều lệ là 503 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 113 tỷ đồng, hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn thấp (0,39 lần).

"Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu cao (9,98 lần) cho thấy tình hình tài chính rất khó khăn, mất vốn, thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt", Bộ Tài chính nêu rõ.

Khó khăn tương tự cũng diễn ra đối với khối sản xuất công nghiệp cơ khí đường sắt gồm hai công ty cổ phần. Bộ Tài chính cho biết, Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An doanh thu năm 2022 là 46,46 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021, lãi đạt 0,43 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm doanh thu là 31,6 tỷ đồng (tương đương năm 2021) nhưng tiếp tục lỗ 2,68 tỷ đồng. "Công ty có vốn điều lệ là 36 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn 2,6 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ hữu là 16,54 lần cho thấy tình hình tài chính rất khó khăn, mất vốn, thuộc diện phải thực hiện giám sát tài chính đặc biệt", Bộ Tài chính lưu ý.

Theo Bộ Tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các công ty con của Tổng công ty dần phục hồi sau dịch Covid-19, doanh thu tăng và giảm lỗ so với năm trước nhưng tình hình tài chính và kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

"Số lỗ lũy kế của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số công ty con còn rất lớn, vì vậy, năm 2023 và các năm tiếp theo Tổng công ty cần có giải pháp phù hợp để khắc phục khó khăn, cải thiện dòng tiền và khôi phục sản xuất kinh doanh", Bộ Tài chính đề nghị.

THU HỒI CÁC KHOẢN NỢ, ĐẨY NHANH TÁI CƠ CẤU

Tại công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường công tác giám sát tài chính, hiệu quả hoạt động đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định. Đồng thời, khẩn trương gửi báo cáo giám sát tài chính năm 2022 để Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Bộ Tài chính cũng lưu ý Uỷ ban Quản lý vốn xem xét phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.

Trong đó, "xem xét đến việc điều chỉnh bổ sung đủ vốn điều lệ của Tổng công ty được phê duyệt và điều chỉnh bổ sung tăng vốn điều lệ cho các công ty cổ phần bảo trì đường sắt từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu và thặng dư vốn của các công ty này để đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh", Bộ Tài chính đề nghị.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định phương án xử lý đối với các đường ngang hoặc các công trình do các địa phương hoặc các chủ đầu tư xây dựng mới nhưng đề nghị chuyển sang Bộ Giao thông vận tải quản lý, tránh trường hợp các công ty cổ phần bảo trì đường sắt thực hiện quản lý, bảo trì các công trình này để đảm bảo an toàn chạy tàu nhưng không thu được tiền từ các chủ đầu tư hoặc không được dự toán ngân sách cấp kinh phí thực hiện quản lý, bảo trì.

Tổng công ty cũng phải chỉ đạo người đại diện vốn của Tổng công ty tại các công ty con bảo trì đường sắt phân tích, làm rõ nguyên nhân những công ty có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn và có biện pháp cơ cấu lại các nguồn vốn để giảm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu đảm bảo không vượt quá 3 lần, giảm rủi ro về mặt tài chính.

Đồng thời, có ý kiến về tỷ lệ chia cổ tức, quy mô vốn điều lệ, việc trích lập quỹ đầu tư phát triển, quỹ phát triển khoa học và công nghệ, … để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và các cổ đông (bao gồm Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).

Bộ Tài chính đề nghị Tổng công ty phân tích, đánh giá các nguyên nhân khách quan, chủ quan thuộc nội dung quản trị của Công ty mẹ, hai Công ty cổ phần vận tải đường sắt, Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm và nguyên nhân hoạt động điều hành chưa hiệu quả để có các giải pháp kịp thời khắc phục khó khăn, tăng doanh thu bù đắp chi phí, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.

“Thực hiện công tác giám sát đối với Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm theo hình thức phù hợp theo quy định tại Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.