11:20 30/10/2014

QE3 đã đem lại điều gì cho kinh tế Mỹ?

Diệp Vũ

Chính sách nới lỏng định lượng nói chung và QE3 nói riêng không phải là “cây đũa thần”, nhưng khá hiệu quả

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen - Ảnh: Reuters.<br>
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen - Ảnh: Reuters.<br>
Kéo dài 2 năm và bơm ra thị trường 1,7 nghìn tỷ USD, chương trình nới lỏng định lượng số 3, thường gọi là QE3, của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức kết thúc vào hôm qua (29/10). Vậy gói kích thích này đã đem lại điều gì cho nền kinh tế lớn nhất thế giới?

Theo nhận định của tờ Washington Post, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi trên là: nhờ có QE3 mà kinh tế Mỹ không rơi vào một cuộc suy thoái trong năm 2013.

Đầu năm ngoái, khi Quốc hội Mỹ không thống nhất được việc nâng trần nợ quốc gia, kinh tế nước này đối mặt với nguy cơ suy thoái hiện rõ. Sau đó, trần nợ đã được nâng vào phút chót, nhưng để đưa ngân sách về trạng thái cân bằng, Washington vẫn phải áp dụng các biện pháp tăng thuế thu nhập đối với người giàu, tăng thuế sử dụng lao động đối với các công ty, và mạnh tay cắt giảm chi tiêu. Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, các biện pháp trên sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm 1,5 điểm phần trăm trong thời gian đến cuối năm 2014.

Tuy vậy, suy thoái đã không xảy ra, mà thay vào đó, tình hình vẫn trở nên khả quan hơn. Năm 2012, bình quân mỗi tháng, Mỹ có thêm 186.000 việc làm mới. Đến năm 2013, con số này tăng lên 194.000, và đến năm nay, số việc mới được tạo thêm hàng tháng đã lên tới 224.000. Ngoài ra, nền kinh tế Mỹ không hề giảm tốc, bất chấp các biện pháp thắt chặt ngân sách của Washington. Kết quả này có được là nhờ gói QE3.

“Vấn đề đối với nới lỏng định lượng là, chính sách này có hiệu quả trên thực tế, nhưng lại không có hiệu quả về mặt lý thuyết”, cựu Chủ tịch FED Ben Bernanke từng nói. Điều này đúng hơn cả đối với QE3.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm từ mức 7,8% từ khi bắt đầu có gói kích thích này, xuống mức 5,9% khi QE3 kết thúc. Ngoài ra, dù lạm phát của Mỹ hiện vẫn ở dưới mức mục tiêu, ít nhất lạm phát của nước này cũng không giảm mạnh và gây trở ngại đối với sự phục hồi tăng trưởng kinh tế như những gì đang diễn ra ở châu Âu. Đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn chưa phục hồi đều, nhưng được coi là nền kinh tế "khỏe" nhất trong số các nền kinh tế phát triển ở thời điểm hiện tại.

“Một loạt tín hiệu từ thị trường lao động cho thấy, tình trạng sử dụng tài nguyên nhân lực đang dần được cải thiện. Chúng tôi tiếp tục nhận thấy sức mạnh tiềm tàng trong toàn bộ nền kinh tế”, tuyên bố của FED sau cuộc họp ngày 29/10 nhận định. Cuộc họp này tuyên bố chính thức kết thúc gói QE3.

Theo Washington Post, Chủ tịch FED tại Boston, ông Eric Rosengren nói rằng, chính sách nới lỏng định lượng nói chung và QE3 nói riêng không phải là “cây đũa thần”, nhưng khá hiệu quả. Trên phương diện tâm lý, việc duy trì QE3 giúp trấn an thị trường rằng, FED sẽ không sớm nâng lãi suất cơ bản đồng USD, bởi một trong những tác dụng của QE3 là kéo lãi suất dài hạn đi xuống.

Với QE, FED đã làm tất cả những gì có thể làm để đảm bảo nền kinh tế khởi sắc khi mà lãi suất cơ bản đồng USD đã giảm về 0%. Việc kết thúc QE3 sẽ dọn đường cho FED tăng lãi suất USD trở lại vào thời điểm thích hợp, có thể là trong năm 2015 như dự báo của giới chuyên gia.

Có thể nói, không có QE3, kinh tế Mỹ đã bị kéo lùi lại mất mấy năm.