14:00 19/05/2021

Quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý 1, Traphaco khẳng định đẳng cấp

Thu Hà

Quý 1/2021, Traphaco đạt doanh thu thuần 474,4 tỷ đồng, tăng 20,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 55,2 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2020...

Nhờ doanh số bán hàng tăng cao và kiểm soát tốt chi phí, Traphaco tiếp tục duy trì đà hoạt động tăng trưởng hiệu quả trong năm 2020.
Nhờ doanh số bán hàng tăng cao và kiểm soát tốt chi phí, Traphaco tiếp tục duy trì đà hoạt động tăng trưởng hiệu quả trong năm 2020.

Tổng hợp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dược đang niêm yết cho thấy mức tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất thuộc về Traphaco (Mã chứng khoán: TRA - HOSE), tăng 34% so với cùng kỳ.

KHẲNG ĐỊNH ĐÀ TĂNG TRƯỞNG 

Dữ liệu về kết quả sản xuất kinh doanh của 16 doanh nghiệp ngành được niêm yết trên sàn chứng khoán quý 1/2021 cho thấy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp giảm 4,1% và chỉ tăng 0,3% lợi nhuận so với cùng kỳ.

Trong đó, Traphaco đạt doanh thu thuần 474,4 tỷ đồng, tăng 20,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 55,2 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ 2020, đạt mức quán quân về tăng trưởng lợi nhuận. Như vậy, nhờ doanh số bán hàng tăng cao và kiểm soát tốt chi phí, Traphaco tiếp tục duy trì đà hoạt động tăng trưởng hiệu quả trong năm 2020.

Trong bối cảnh thị giá chứng khoán của các doanh nghiệp niêm yết ngành dược chưa tăng mạnh so với nhiều ngành khác, mà đây là ngành có dòng tiền ổn định, đặc biệt nhiều doanh nghiệp duy trì truyền thống chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ cao (30%/năm như Traphaco), nhiều nhà đầu tư đang có xu hướng tìm kiếm phân tích doanh nghiệp hấp dẫn nhưng thị giá cổ phiếu chưa tăng mạnh.

Câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là Traphaco có khả năng duy trì sức bền về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận như mức ấn tượng đã đạt được trong quý 1 vừa qua. Năm 2021, kế hoạch kinh doanh của Traphaco rất tham vọng với mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng, tăng 10% và 11% so với kết quả thực hiện của năm 2020.

Lãnh đạo Traphaco cho biết, tháng 4, doanh số và lợi nhuận của Công ty tiếp tục khả quan, vượt 5% so với kế hoạch đề ra.

Điểm sáng trong bức tranh lợi nhuận của Công ty là hàng tự sản xuất tăng trưởng vượt kế hoạch, với các mặt hàng bán chạy như Hoạt huyết dưỡng não-Cebraton, Boganic, Tottri, Methorphan,…

Traphaco đã khắc phục được điểm yếu kéo tụt sự tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp ngành dược khi chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất đông dược và có tầm nhìn xa khi dự trữ một lượng lớn nguyên liệu tân dược. Bởi thế hạn chế được ảnh hưởng từ sự đứt gãy nguồn cung do đại dịch Covid hoành hành tại Ấn Độ, một trong những nước xuất khẩu nguyên liệu tân dược chủ lực cho Việt Nam.

Cụ thể, các vùng trồng dược liệu tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Phú Thọ, Nam Định, Phú Yên với tổng diện tích hơn 36.300 ha có khả năng cung cấp 90% sản lượng nguyên liệu sử dụng hàng năm của Công ty. Còn nguyên liệu tân dược đã được Traphaco dự trữ đủ cho sản xuất tới hết quý 3/2021. Doanh nghiệp đã có nguồn cung thay thế đối với hoạt chất và đối với tá dược, bao bì trong trường hợp dịch bệnh kéo dài.

Thích ứng với bình thường mới do đã có kinh nghiệm trong sản xuất và phòng dịch từ năm 2020, Traphaco và Tập đoàn dược phẩm Daewoong đang thúc đẩy tiến độ chuyển giao công nghệ các sản phẩm từ Hàn Quốc. Bên cạnh một số chuyên gia đã có mặt tại Việt Nam sau thời gian cách ly, việc trao đổi từ xa đang được hai bên tập trung để trong quý 3 năm nay những sản phẩm mới đầu tiên của sự hợp tác chuyển giao công nghệ sẽ bắt đầu có mặt.

Trước mắt, Công ty sẽ tập trung nhận chuyển giao và sản xuất hơn 10 sản phẩm, thuộc các ngành hàng điều trị bệnh tiểu đường, tim mạch.

Theo nhận xét của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán FPTS, Traphaco đã chứng minh được 2 điểm mạnh của doanh nghiệp, đảm bảo cho đà tăng trưởng 2 con số đã được thiết lập từ năm 2020. Đó là, khả năng tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm đông dược chủ lực như Hoạt huyết dưỡng não và Boganic, cũng như khả năng bổ sung doanh thu từ danh mục các sản phẩm mới.

LIÊN TỤC CẢI THIỆN NĂNG LỰC QUẢN TRỊ 

Ngoài ra, yếu tố phi tài chính là năng lực quản trị hiệu quả tại Traphaco đang ngày càng cải thiện. Theo chia sẻ của ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Traphaco, việc chuẩn hóa quy trình làm việc ở Traphaco bước đầu phát huy hiệu quả rõ rệt.

Từ cuối năm 2020, Traphaco đã hợp tác với Công ty TNHH KPMG Việt Nam và phối hợp với đối tác là Tập đoàn dược phẩm Daewoong đánh giá các năng lực cốt lõi, đưa ra các khuyến nghị nâng cao năng lực của Traphaco. Một trong những khuyến nghị quan trọng nhất là cần cải thiện quy trình làm việc.

Traphaco đã thay đổi cách giao và đánh giá mục tiêu công việc KPI. Theo đó, đánh giá dựa trên kết quả thực tế hoàn thành, tạo điều kiện cho người lao động hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, tránh tâm lý hoàn thành, thiếu cố gắng.

Quy trình mới gắn chặt với lợi ích, trách nhiệm của từng người lao động ở mỗi bộ phận, đồng thời đề cao hiệu quả làm việc nhóm, sự phối hợp giữa các bộ phận để hướng đến kết quả cao nhất.

“Việc đánh giá kết quả hoàn thành công việc được thực hiện thường xuyên, không chỉ với cán bộ nhân viên mà ngay cả Tổng giám đốc Công ty cũng có KPI”, ông Mã chia sẻ.

Như vậy, phân tích nhiều yếu tố cho thấy, Traphaco đã xây dựng được các định hướng chiến lược phù hợp với sự thay đổi, xoay chiều trên thị trường dược, từ đó không ngại đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng để bứt tốc, khẳng định đẳng cấp mới trong các năm tới.

Hội đồng Quản trị Traphaco đã thành lập Tiểu ban ngoài đông dược với 3 thành viên Hội đồng Quản trị tham gia. Tiểu ban có nhiệm vụ tư vấn và tham mưu cho Hội đồng Quản trị trong việc hoạch định chiến lược phát triển lĩnh vực ngoài đông dược, xác định mục tiêu và kế hoạch phát triển lĩnh vực ngoài đông dược, giám sát việc triển khai các quyết định của Hội đồng Quản trị đối với lĩnh vực ngoài đông dược. KPMG là nhà tư vấn cho hoạt động tái cấu trúc mới mẻ này.

Động thái của Hội đồng Quản trị Traphaco cho thấy sự quyết liệt và vào cuộc nhanh chóng trong việc thúc đẩy mảng tân dược, đem đến kỳ vọng vào khả năng thay đổi và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm chủ lực của Công ty.