Quỹ bảo hiểm y tế nhỏ, tỷ lệ người Việt phải bỏ tiền túi trả phí khám chữa bệnh cao gấp đôi thế giới
Chi phí trực tiếp từ tiền túi của người bệnh cho chi tiêu y tế vẫn chiếm tỉ lệ khá cao với 43%. Mức chi tiêu từ tiền túi này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 20% và cao gấp 2-2,5 lần so với các nước phát triển (từ 14-20%).
Thông tin này được ông ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), Bộ Y tế cho biết tại hội thảo "Cơ chế tài chính nhằm tăng cường tiếp cận các giải pháp công nghệ mới trong chăm sóc sức khỏe" do Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và Hội Kinh tế y tế tổ chức ngày 6/4 tại Hà Nội.
Cùng với mức tăng trưởng kinh tế cao trong ba thập kỷ qua, hệ thống y tế của Việt Nam liên tục phát triển, đạt những thành tựu rất quan trọng, đáp ứng với những thách thức mới về nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân.
Các chỉ số sức khỏe, chỉ số chất lượng y tế công cộng đã thể hiện rõ kết quả của sự phát triển này như: tuổi thọ trung bình ngày càng cao và cao hơn đáng kể so với các nước có cùng điều kiện về kinh tế- xã hội, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm, việc tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng ngày cảng được cải thiện, tỷ lệ bao phủ BHYT đã đạt trên 90% dân số vào năm 2020.
Theo ông Trần Văn Thuấn, Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang có nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào hệ thống y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có ứng dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc đặc hiệu thế hệ mới.
"Một trong những thách thức hiện nay đó là tỷ lệ chi tiền túi từ người sử dụng dịch vụ y tế còn cao. Theo báo cáo, tỷ lệ chi tiền túi chiếm khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế trong năm 2017. Điều này có liên quan đến một thực tế là quỹ BHYT chưa đảm bảo bao phủ toàn bộ nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và mức độ bao phủ về tài chính còn hạn chế" – ông Thuấn nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ, để giảm chi tiền túi người dân phải tăng mức đóng để mở rộng hơn nữa phạm vi chi trả, tăng quyền lợi khi khám chữa bệnh.
Tăng mức đóng có thể từ nguồn nhà nước hỗ trợ, nguồn thu nhập doanh nghiệp và từ tiền lương của người dân. Tuy nhiên, tăng lên bao nhiêu phần trăm lương cơ sở, tăng đối tượng nào trước… cần có nghiên cứu, tính toán thận trọng theo lộ trình (mức đóng BHYT hiện tại là 4,5% lương cơ sở).
Đặc biệt, khi tăng mức đóng phải kiểm soát chi tiêu hiệu quả tại các bệnh viện. Do đó, dự kiến từ tháng 7 tới, Bộ Y tế sẽ bắt đầu áp dụng phương thức chi trả theo chẩn đoán với bệnh nhân nội trú, xác định trước số tiền cho mỗi chẩn đoán bệnh. Khi đó cả bác sĩ và bệnh nhân đều đối tượng được chỉ định như thế nào, sử dụng dịch vụ nào để hợp lý nhất, tiết kiệm chi tiêu.
Để tăng cường các giải pháp tài chính cho chăm sóc sức khỏe, ông Trần Văn Thuấn khẳng định, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, nguồn BHYT thì các nguồn tài chính khác dựa trên nguyên lý bảo hiểm là một nguồn kinh phí quan trọng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về các gói quyền lợi bảo hiểm trong chăm sóc sức khỏe, góp phần vào bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Ngày 25/10/2017, Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế", bao gồm: tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân; điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và chất lượng dịch vụ; đa dạng các gói BHYT; BHYT xã hội với BHYT thương mại.
"Trong bối cảnh gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong lĩnh vực y- dược, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính y tế nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả đặc biệt là các giải pháp công nghệ tiên tiến có chi phí cao về thuốc, dịch vụ, vật tư y tế đang dần trở thành mối quan tâm lớn. Vấn đề đặt ra lúc này là: làm thế nào để xây dựng một cơ chế tài chính phù hợp và hiệu quả, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, giúp họ có thể tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiên tiến" – ông Thuấn cho biết thêm.