16:01 16/05/2012

Quy hoạch Thủ đô đang được thực hiện như thế nào?

Nguyên Trang

Sau khi được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2011, việc triển khai quy hoạch chung Thủ đô được thực hiện theo 3 bước

Huy động vốn được cho là một trong những rào cản lớn nhất của việc triển khai quy hoạch thủ đô.
Huy động vốn được cho là một trong những rào cản lớn nhất của việc triển khai quy hoạch thủ đô.
Sau khi được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2011, việc triển khai quy hoạch chung Thủ đô được thực hiện theo 3 bước.

Theo các chuyên gia, bản đồ án dù đã được thông qua, song đó chỉ mới là bước đi đầu tiên trên con đường đầy khó khăn để đưa Hà Nội trở thành một trong những thủ đô hiện đại trong khu vực. Bài toán vốn và phương thức triển khai sẽ là rào cản lớn nhất trong tiến trình thực hiện mục tiêu đó.

3 bước của quy hoạch

Tại hội thảo “Chiến lược phát triển quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức sáng 16/5, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, việc triển khai quy hoạch sẽ được thực hiện theo 3 bước.

Bước một, thành phố đã và đang khẩn trương triển khai quy hoạch các phân khu, trong đó trước mắt là 17 phân khu thuộc các khu vực đô thi đã được UBND thành phố phê duyệt. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sẽ triển khai các quy hoạch chuyên ngành.

Hiện nay, Sở Xây dựng đang gấp rút triển khai lập quy hoạch các hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong đô thị, như: quy hoạch cấp, thoát nước và xử lý nước thải; quy hoạch các công viên, hồ nước, vườn hoa, quy hoạch các nghĩa trang; quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015; quy hoạch giao thông vận tải...

Bước hai là thành phố sẽ xây dựng các quy hoạch chi tiết thông qua các dự án cụ thể và xây dựng các kế hoạch đầu tư, dự án trọng điểm của ngành.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, đây là giai đoạn cần tập trung giải quyết các vướng mắc giữa ý tưởng quy hoạch và thực tế và hiệu quả kinh tế của dự án. Đây cũng là giai đoạn đảm bảo cho tính khả thi của đồ án, song cũng là giai đoạn có sự so sánh giữa hiệu quả về kinh tế và xã hội, có thể tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng xã hội chung của thành phố và từng khu vực.

Ông Hùng nhấn mạnh, việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch các dự án đầu tư trong giai đoạn này cần có quy định giới hạn cụ thể và phải được xem xét một cách tổng thể trong toàn khu vực liên quan.

Bước cuối cùng của việc triển khai quy hoạch chung là giai đoạn đầu tư, xây dựng các công trình, hình thành các sản phẩm cụ thể. Cũng trong giai đoạn này, thành phố sẽ tiến hành cấp phép xây dựng các dự án cụ thể, đồng thời sẽ thanh tra trật tự xây dựng sau khi cấp phép.
 
Theo TS. Trần Thị Lan Anh (Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng), với quy hoạch chung đã được thông qua, Hà Nội đã và sẽ gánh vác nhiều chức năng quan trọng hơn so với trước, công nghệ xây dựng, yếu tố về hạ tầng, nhu cầu sử dụng đất cũng đã và sẽ biến đổi  rất đa dạng.
 
Tuy nhiên, nếu tạo nên nhiều biến đổi thái quá cho Hà Nội thì việc “làm mới” Thủ đô cũng có thể vô tình đưa Hà Nội thêm nhiều vướng mắc hơn. Do vậy, thành phố cần phải lập một chương trình kế hoạch phát triển đô thị hết sức cẩn trọng, đặc biệt tại các khu vực trung tâm và  các khu vực mở rộng từ vành đai 4 trở vào.

Lực hấp dẫn từ các dự án

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Tứ, để quy hoạch được thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất chỉ có thể dựa vào việc xác định đúng, chính xác danh mục các dự án đầu tư chiến lược trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng cần phải nhìn rõ một thực tế, nguồn lực tài chính và đất đai là có hạn, khan hiếm, do đó mọi quyết định đầu tư phải tính đến quy luật chi phí cơ hội và các nguyên tắc cơ bản của thị trường.

Vậy, những dự án chiến lược của Hà Nội sẽ là những dự án nào? Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đó là các dự án liên quan đến trung tâm chính trị - hành chính, cụ thể là trụ sở các bộ, ngành, cơ quan ngoại giao; các dự án liên quan đến văn hóa vùng, dự án liên quan đến lịch sử, truyền thống, các khu di tích, các làng nghề, chùa chiền, hệ thống các trường học, trung tâm nghiên cứu khoa học, kinh tế - tài chính, sân bay, bến cảng...

Theo ông Tứ, để các dự án nói trên chuyển động nhanh từ ý tưởng đến thực tiễn cần nhiều câu hỏi phải được đặt ra và trả lời, như hình thức đầu tư, cơ chế đầu tư, nguồn vốn, chủ đầu tư, tiến độ...

Tuy nhiên, có những câu trả lời tối quan trọng cần đặt ra trước hết là đặt các dự án dự án này vào không gian, vị trí nào và khoác cho chúng một diện mạo quy hoạch – kiến trúc ra sao?

“Những dự án chiến lược quan trọng nói trên có được triển khai nhanh hay không, có được đặt đúng chỗ hay không, quy mô như thế nào, có xứng tầm hay không... phụ thuộc rất nhiều vào các nhà quy hoạch của thành phố cũng như các cơ quan quản lý. Hy vọng, công tác quy hoạch của thành phố sẽ là những phi trường vững chắc và êm ái cho những dự án đầu tư chiến lược nói trên cất cánh và tới đích của nó”, ông Tứ nói.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Việt Nam, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch khoảng 160 đồ án thuộc các quy hoạch chung, quy hoạch vùng, phân khu, chi tiết...

Thành phố cũng lên kế hoạch các chương trình cần phải ưu tiên đầu tư như phát triển đô thị mới, các cơ sở kinh tế - xã hội chính yếu; cải tạo các khu chung cư cũ, di dời các cơ sở giáo dục, y tế, phát triển nhà ở xã hội...
 
Tuy nhiên, theo ông Chính, hạn chế lớn nhất là việc triển khai quy hoạch chung ở các huyện ngoại thành Hà Nội đặt ra không ít khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Đơn cử như dự kiến kinh phí đầu tư hạ tầng chỉ trong năm 2012 này cho huyện Thạch Thất đã là 130 tỷ đồng. Hay chi phí ban đầu cho chương trình nông thôn mới cũng lên tới 4.500 tỷ đồng.

Cái lo lớn hơn trong thực hiện quy hoạch chung, chính là tính toán thiệt hơn giữa các mục tiêu đưa ra cũng như bài toán liên kết vùng giữa Hà Nội với các địa phương lân cận.