09:32 20/01/2021

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần sự thay đổi mạnh mẽ

Vy Vy

Việc chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ từ chủ yếu cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp có thể sẽ đem lại hiệu quả nhất định

Mặc dù đã hỗ trợ rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động hiệu quả, song Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thể đến với phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. 

Vì vậy, song song với hình thức cho vay gián tiếp, Quỹ đang nghiên cứu đề xuất mô hình cho vay trực tiếp để tăng thêm kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

CẦN SỰ THAY ĐỔI MẠNH MẼ 

Do tác động từ Covid-19, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp rất khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy, có khoảng 20.000 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và giải thể trong năm 2020. Những gói hỗ trợ trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng được Chính phủ đưa ra không thể đến được các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng, trong bối cảnh doanh nghiệp thiếu vốn, mất thanh khoản, không có khả năng tiếp cận vốn từ ngân hàng... Chính phủ cần cân nhắc tới việc đưa vốn hỗ trợ vào các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và đặc biệt là siêu nhỏ. Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa là giải pháp hiệu quả vào lúc này. Tuy nhiên, với việc chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp thông qua trung gian là các ngân hàng thương mại, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp trở nên khó khăn hơn. Trong khi quỹ hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ngày một lớn mạnh thì ngân hàng thương mại lại hướng tới lợi nhuận.

Chuyên gia gợi ý cơ chế cho vay trực tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa   - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng

 Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của quỹ từ chủ yếu cho vay gián tiếp sang cho vay trực tiếp có thể sẽ đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, chuyển đổi từ gián tiếp sang trực tiếp không chỉ là chuyển đổi về hình thức mà còn về nội dung, và cách thức hoạt động của quỹ. 

Quỹ đang tiến tới dạng kinh doanh như ngân hàng, nhưng khác là quỹ không được huy động vốn từ người dân như ngân hàng trong khi có thể huy động vốn từ ngân sách nhà nước, các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước và có thể phát hành trái phiếu. Vì quỹ đứng ra cho vay trực tiếp nên mô hình hoạt động của quỹ đòi hỏi có sự thay đổi. Đó là thay vì lệ thuộc vào các ngân hàng thương mại trong các khâu từ thẩm định, giải ngân, giám sát, thu hồi nợ... Quỹ sẽ phải xây dựng bộ quy trình, tiêu chí riêng của mình trong từng lĩnh vực. Theo đó, quỹ đòi hỏi sự gia tăng nguồn nhân lực cũng như vật lực để thực hiện được tất cả các công đoạn này. 

Trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng sau giai đoạn Covid-19, quỹ đi vào hoạt động sẽ đối mặt với rất nhiều rủi ro khi "sức khỏe" của khu vực doanh nghiệp không còn sung sức như trước. Vì vậy, để thực hiện mô hình cho vay trực tiếp, quỹ cần tập trung bổ sung các quy trình liên quan tới thẩm định, giám sát, giải ngân...; xây dựng bộ máy vận hành đủ năng lực, phù hợp với mô hình kinh doanh với tiêu chí phi lợi nhuận. Đặc biệt, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cần cân nhắc tới kết hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng để đẩy mạnh hình thức cho vay tín chấp.

KHUYẾN KHÍCH SỰ THAM GIA CỦA NHÀ ĐẦU TƯ DÀI HẠN  

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam nhận xét, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục nhận được các dòng tài chính quốc tế. Trong bối cảnh Covid-19, sự chuyển dịch các chuỗi cung ứng đang tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp để sáp nhập vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với một hệ sinh thái hỗ trợ để phát triển đáp ứng cao, bao gồm một hỗn hợp tài chính khỏe mạnh từ trong và ngoài nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển tiềm năng mạnh mẽ cho sự tăng trưởng năng động và bền vững tại Việt Nam.

Chuyên gia gợi ý cơ chế cho vay trực tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa   - Ảnh 2.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam

Làm thế nào để hỗ trợ cho vay trực tiếp của Nhà nước có thể mở ra tiềm năng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, UNDP cho rằng cần tập trung vào 3 luận điểm chính.

Thứ nhất, chúng ta cần phải có hiểu biết sâu rộng về hệ sinh thái tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam và vai trò chiến lược mà một kênh cho vay mới có thể có để tăng cường nguồn vốn nội địa hiện có, bao gồm cả khối công và tư để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thế nên, cơ chế cho vay mạnh mẽ, hiệu quả và bền vững cần được tạo lập để tháo gỡ những rào cản tín dụng mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải.

Hơn nữa, điều này cũng sẽ giúp đưa ra định nghĩa rõ ràng về một kênh cho vay trực tiếp cho Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhóm đối tượng rõ ràng và tiêu chí để theo dõi, đo lường sự thành công. Điều này cần được hỗ trợ bởi việc tạo lập hệ thống khung pháp lý và môi trường điều tiết có tính kích hoạt để tăng sự tự tin đối với các nhà đầu tư dài hạn, khuyến khích các chương trình và nguồn tài chính đổi mới để hỗ trợ các doanh nghiệp start-up và phi truyền thống.

Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng về nguồn tài chính xanh và bền vững để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, quỹ nên tập trung vào sự phát triển và phục hồi xanh. Xây dựng một nền kinh tế xanh mang đến cơ hội quan trọng cho những doanh nghiệp tân tiến để chạm đến nguồn tài chính xanh.

Thứ ba, nguồn tài chính chính phủ hạn hẹp được dành riêng cho những loại quỹ này nên được sử dụng một cách hiệu quả để làm chất xúc tác thu hút đầu tư to lớn từ khối tư nhân mà có thể kết hợp với các nguồn tài chính khác như tài chính công. Chính phủ nên tăng cường việc giới thiệu các chương trình tài chính đổi mới, như trái phiếu xanh, chương trình mua bán carbon để doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn tài chính mới.

KHÓ KHĂN KHI CHO VAY THEO CHUỖI 

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa đang trong quá trình hoàn thiện quy trình nghiệp vụ đối với chức năng cho vay trực tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời trao đổi với một số đối tác quốc tế về việc hỗ trợ Quỹ xây dựng khung quy chế cho hoạt động tài trợ vốn. Vì đây là một chức năng mới, mô hình thành công tại Việt Nam chưa nhiều nên việc nhận diện những rủi ro và thách thức trong một số mô hình cho vay sẽ giúp có cái nhìn chính xác, hỗ trợ quá trình xây dựng chính sách.

Chuyên gia gợi ý cơ chế cho vay trực tiếp từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa   - Ảnh 3.

Ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Viện phó Viện Chiến lược ngân hàng

Nhằm thúc đẩy người nuôi tôm và công ty chế biến tôm áp dụng và thực hành các đánh giá tác động xã hội, tác động môi trường và đa dạng sinh học cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên (năng lượng, nước) và cải thiện tài chính, dự án phát triển chuỗi giá trị tôm công bằng và bền vững tại Việt Nam đã được triển khai. Theo đó, dự án sẽ tổ chức gắn kết cung ứng nông sản cho thị trường trong/ngoài nước đủ về lượng, đúng tiêu chuẩn về số và chất lượng hàng hóa, có xuất sứ rõ ràng từ khâu cung ứng giống, vật tư, thức ăn... đến khâu sản xuất, thu hoạch, thu mua, chế biến hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.

Hiện nay, dự án thực hiện cung cấp tín dụng theo chuỗi giá trị dựa trên 6 tiêu chí. Đó là tiêu chí về quy mô, tiêu chí về tài chính, tiêu chí ràng buộc trách nhiệm của các thành viên trong chuỗi, tiêu chí ràng buộc liên kết giữa các ngân hàng, tiêu chí về công nhận chuỗi và tiêu chí về quản trị rủi ro tín dụng và tính toán nội bộ của các ngân hàng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, đã nảy sinh những khó khăn khi triển khai cho vay theo chuỗi giá trị. Cụ thể, cơ chế hợp tác, phân chia lợi ích và chia sẻ rủi ro của người nông dân, doanh nghiệp, tổ hợp tác, cũng như định chế tài chính tham gia trong chuỗi còn thiếu công khai, minh bạch. Sản phẩm tài chính cho vay theo chuỗi giá trị chưa đa dạng và đồng bộ, nhất là kỷ cương thanh toán... Đáng chú ý là chưa có hành lang pháp lý đối với cơ chế dự phòng xử lý khi rủi ro xuất hiện đặc biệt là chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp. Sự liên kết của các định chế tài chính, nhà đầu tư tư nhân với các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng dịch vụ tài chính cho các thành viên trong chuỗi giá trị trên thực tế ở Việt Nam còn lỏng lẻo.

Vì vậy, việc ban hành một nghị định riêng về hình thành và cho vay theo chuỗi giá trị đối với nông sản chủ yếu của Việt Nam cũng như xây dựng bộ quy tắc ứng xử về nguyên tắc thỏa thuận, trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên trong chuỗi là rất cần thiết.