Sâm Ngọc Linh chết hàng loạt, nhiều hộ nông dân được khoanh nợ
Theo tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có thông báo khoanh nợ cho 50 hộ dân Tu Mơ Rông với số tiền hơn 2,7 tỷ đồng...
Theo đó, các hộ dân được khoanh nợ trú ở các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Tê Xăng và Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông. Trong số 50 hộ được khoanh nợ lần này, có 29 hộ được khoanh nợ 36 tháng với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng, 21 hộ còn lại được khoanh nợ 60 tháng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Ông Võ Trung Mạnh ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết, ngoài 50 hộ được khoanh nợ lần này, vào tháng 1/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã có quyết định khoanh nợ từ 36 tháng đến 60 tháng cho 13 hộ dân khác vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền khoảng 900 triệu đồng. Qua hai đợt có tổng cộng 63 hộ trồng sâm có sâm chết được khoanh nợ tổng cộng 3,6 tỷ đồng.
“Khi sâm Ngọc linh bị chết, lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo sớm ngăn chặn và hỗ trợ kịp thời cho người trồng sâm bị ảnh hưởng. Huyện phối hợp với ngành chức năng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm, Ngân hàng Chính sách xã hội cùng Công ty cổ phần Sâm Ngọc linh Kon Tum vào cuộc tìm cách khống chế nạn sâm chết.
Nhờ đó, dịch bệnh được khống chế nhanh chóng, người dân được hỗ trợ 10.000 cây giống trị giá 3 tỷ đồng và được khoanh nợ 3,6 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời giúp người dân có điều kiện tái đầu tư vườn sâm để vươn lên làm giàu”, ông Võ Trung Mạnh chia sẻ.
Trước đó, nhiều diện tích Sâm Ngọc linh trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông mắc bệnh và chết, gây thiệt hại cho 408 hộ với số tiền hơn 20,8 tỷ đồng. Sau khi xảy ra vụ việc, ngành chức năng đã phối hợp với ngân hàng tiến hành kiểm tra, làm cơ sở đánh giá để khoanh nợ. Qua rà soát, chính quyền địa phương xác định có 63 hộ đảm bảo đủ tiêu chuẩn được khoanh nợ nên cơ quan chức năng đã có quyết định khoanh nợ cho 63 hộ này.
Được biết, năm 2022, tỉnh Kon Tum này đặt mục tiêu trồng mới 500 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, huyện Tu Mơ Rông được giao trồng 490 ha, còn lại tại huyện Đăk Glei.
Kon Tum cũng kỳ vọng đến 2025 sẽ phát triển khoảng 4.500 ha sâm Ngọc Linh và khoảng hơn 10.000 ha cây dược liệu khác. Đến 2030, con số này tăng lên trên 10.000 ha sâm Ngọc Linh và tham vọng trở thành thủ phủ sâm Ngọc Linh và dược liệu lớn nhất Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu này, hiện Kon Tum chủ động giao cho các địa phương liên kết với doanh nghiệp cùng nông dân phát triển. Trong đó, ngoài vai trò là chuỗi cung ứng, doanh nghiệp sẽ là đầu mối cung cấp nguồn giống cho người dân.
Để sâm Ngọc Linh phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh Kon Tum cho biết đang giám sát các vùng trồng chặt chẽ. Những huyện có diện tích sâm lớn đang được tỉnh xúc tiến cấp tem sản phẩm sâm Ngọc Linh cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để có thể truy xuất nguồn gốc và vùng trồng để quản lý chặt chẽ hơn và giảm được tình trạng hàng nhái, hàng giả kém chất lượng.
Cả nước có 2 tỉnh đang trồng sâm Ngọc Linh là Quảng Nam và Kon Tum. Trong đó, Quảng Nam được Chính phủ quy hoạch trồng khoảng 16.000 ha, còn Kon Tum là 17.000 ha. Quảng Nam có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm với diện tích trồng đạt 7.000-8.000 ha.