10:33 14/07/2023

Samsung hỗ trợ doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu

Phúc Minh

Bên cạnh việc doanh nghiệp nội địa cần mạnh dạn, chủ động loại bỏ những thói quen cũng như hệ thống quản lý cũ thì vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn để những doanh nghiệp trong nước có hướng cải tiến đúng đắn cũng quan trọng không kém...

Khu vực sản xuất của một doanh nghiệp.
Khu vực sản xuất của một doanh nghiệp.

Các công ty Việt Nam khi tiếp cận với các công ty FDI sẽ học hỏi được rất nhiều lần từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia tới khảo sát và đánh giá.

ĐỒNG HÀNH CÙNG THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU

Thông qua việc đánh giá này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận công nghệ, những hệ thống quản lý mới, nhận thức được mức độ đáp ứng về chất lượng, giá cả, tiến độ cho các công ty đó. Chính điều này sẽ thúc đẩy việc cải tiến để nâng cao năng lực nội bộ.

Là 1 doanh nghiệp FDI lớn đang đầu tư tại Việt Nam, Samsung đã và đang tiến hành theo một lộ trình rõ ràng trong việc dẫn dắt, đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình tham gia rộng và sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Quá trình này diễn ra thành ba giai đoạn đan xen nhau. Ở giai đoạn đầu, từ năm 2015, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ thông qua hoạt động cử chuyên gia hàng đầu của Samsung tới tư vấn cải tiến cho các doanh nghiệp và mở các triển lãm công nghiệp phụ trợ giới thiệu các phụ kiện mà doanh nghiệp cần nhà cung cấp tại Việt Nam.

Sang giai đoạn hai, bắt đầu từ năm 2018, tiến hành đào tạo các chuyên gia tư vấn người Việt để có thể đưa việc tư vấn cải tiến tới nhiều doanh nghiệp Việt Nam hơn.

Trong giai đoạn thứ ba, từ năm 2022 đến nay, hướng dẫn các doanh nghiệp cải tiến theo hướng áp dụng mô hình nhà máy thông minh. Theo đó, tháng 2/2022, Samsung Việt Nam và Bộ Công Thương đã ký kết Biên bản ghi nhớ với mục tiêu trong hai năm 2022-2023, hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại 50 doanh nghiệp và đào tạo 100 chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh.

Doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật sau khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh.
Doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật sau khi tham gia dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh.

Tính đến hết năm 2022, chương trình đã hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh tại 26 doanh nghiệp. Trong năm nay, chương trình dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai tại 24 doanh nghiệp nữa. Trong đó, 12 doanh nghiệp phía Bắc đã chính thức bắt đầu tham gia chương trình năm nay sau Lễ Khởi động dự án hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh khu vực phía Bắc ngày 3/7 vừa qua.

Ông Kim Tae Hoon, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam cho biết: “Sau khi tham gia vào chương trình, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ gia tăng. Bên cạnh việc hỗ trợ vận hành hệ thống thu thập dữ liệu thực tại hiện trường, chương trình lan tỏa hiệu quả quản lý dựa trên phân tích dữ liệu kỹ thuật tích lũy hoặc trọng tâm là các dữ liệu mang tính khách quan...”.

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực tư vấn nhà máy thông minh vẫn luôn được tiến hành song song với kỳ vọng những nhân lực này sẽ trở thành lực lượng nòng cốt, giúp mở rộng triển khai hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng nhà máy thông minh rộng khắp Việt Nam.

DOANH NGHIỆP VIỆT ĐƯỢC HƯỞNG LỢI

Là một trong những doanh nghiệp điển hình được hưởng lợi từ quá trình hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Công ty TNHH Nhựa An Lập (Bắc Ninh) lần đầu mạnh dạn thay đổi căn bản cách thức tổ chức sản xuất khi tham gia vào dự án Tư vấn cải tiến doanh nghiệp do Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện.

Trước đó, doanh nghiệp 100% vốn trong nước, sản xuất các sản phẩm ép nhựa cho điện thoại di động này, cũng phải trải qua hơn 10 năm hoạt động với những bước ngoặt lớn để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những bước ngoặt này đều có điểm chung là gắn liền với những dự án hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam.

Trong năm 2016, Nhựa An Lập đã được chuyên gia Samsung hỗ trợ tư vấn nâng cao năng lực sản xuất. Nhờ việc nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn từ các chuyên gia, công ty đã đạt được tăng trưởng doanh thu ấn tượng trên 2,7 lần (từ mức 2,2 triệu USD năm 2016 lên đến 6 triệu USD năm 2021).

Hiện nay, do nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng đối tượng khách hàng nên công ty đã chuyển tới khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn (Bắc Ninh) với khu nhà xưởng mới lên tới khoảng 10.000 m2.

Nhắc lại thời điểm quyết định “rẽ hướng” về chiến lược phát triển kinh doanh bền vững thời kỳ hậu Covid-19, ông Đặng Quang Khởi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhựa An Lập cho biết đó là khi cú sốc Covid-19 ập đến 2 năm trước, đặt ra cho doanh nghiệp bài toàn khó cần lời giải.

Cùng lúc này, công ty biết đến Dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh do Bộ Công Thương phối hợp cùng Samsung triển khai năm 2022 và đã đăng ký, sau đó được lựa chọn là 1 trong 14 doanh nghiệp đầu tiên tham gia dự án này.

Hình ảnh xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nhựa An Lập trước và sau cải tiến.
Hình ảnh xưởng sản xuất của Công ty TNHH Nhựa An Lập trước và sau cải tiến.

Ông Đặng Quang Khởi chia sẻ, sau khi được các chuyên gia tư vấn, công ty đã đạt được một số thành quả như tăng năng suất, giảm lỗi chất lượng… Đặc biệt, là đã xây dựng môi trường kinh doanh số có thể giám sát tình hình hoạt động của nhà máy cũng như thu thập, phân tích dữ liệu của hiện trường sản xuất theo thời gian thực.

“Dự án lần này đã mở ra cơ hội lớn giúp chúng tôi nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản xuất và với nền tảng này, chúng tôi tin rằng mình đã đủ tự tin tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhựa An Lập Đặng Quang Khởi cho biết thêm.

Đến nay, công ty đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi trở thành 1 trong 257 doanh nghiệp Việt là nhà cung cấp cho Samsung.