18:03 04/01/2023

Sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ nào bứt tốc trong năm 2023?

Hoàng Lan

Chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay là bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm xe cơ giới. Theo đánh giá của giới phân tích, 2 lĩnh vực này sẽ tiếp tục sôi động trong năm 2023...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Mặc dù tăng trưởng chậm lại trong giai đoạn Covid-19 nhưng sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 khi Việt Nam mở cửa trở lại. Các chuyên gia cho rằng bảo hiểm sức khoẻ được dự báo sẽ là phân khúc sôi động nhất trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trong năm 2023.

GIÀ HOÁ DÂN SỐ KÍCH CẦU BẢO HIỂM SỨC KHOẺ

Theo World Bank, tỷ lệ người cao tuổi trong cơ cấu dân số của Việt Nam (từ 60 tuổi trở lên) đã tăng từ 8,8% năm 2010 lên 12,8% vào năm 2021. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, tỷ lệ này có thể lên tới 25% vào năm 2050. Đây là nhóm có chi phí chăm sóc sức khoẻ nhiều hơn đáng kể so với nhóm người trẻ tuổi.

Tốc độ già hoá dân số của Việt Nam (Nguồn: World Bank)
Tốc độ già hoá dân số của Việt Nam (Nguồn: World Bank)

Trong giai đoạn 2015 – 2019, dữ liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy bảo hiểm sức khoẻ là sản phẩm có được mức tăng trưởng nhanh nhất, với tốc độ tăng trưởng kép là 22,5% so với toàn ngành là 13,2%. Trong giai đoạn Covid-19, tăng trưởng của sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ chững lại nhưng đã phục hồi mạnh mẽ khi Việt Nam chính thức mở cửa trở lại. Tính đến hết 9 tháng năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm sức khoẻ chiếm 33% tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ. 

 

Bảo Việt (BVH) là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bảo hiểm sức khỏe với 22,8% thị phần (dựa theo phí bảo hiểm gốc năm 2021), gấp đôi thị phần của doanh nghiệp đứng thứ 2 là PTI với 11,4% thị phần.

Theo các chuyên gia, bên cạnh thực trạng già hoá dân số, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam gia tăng mạnh mẽ cũng là động lực tăng trưởng dài hạn quan trọng cho nhu cầu bảo hiểm sức khỏe.

Báo cáo “Asia’s shoppers in 2030” của HSBC cho thấy Việt Nam được dự báo sẽ có 48 triệu người hoặc gần một nửa dân số có thu nhập hàng ngày trên 20 USD vào năm 2030, vượt qua Thái Lan. Việt Nam cũng là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới trong 10 năm qua. Đây là minh chứng rõ ràng cho việc tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

TRIỂN VỌNG CỦA BẢO HIỂM XE CƠ GIỚI

Bảo hiểm xe cơ giới là sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ lớn thứ 2 tại Việt Nam, chiếm 26% tổng phí bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng năm 2022.  

Giống như hầu hết các sản phẩm phi nhân thọ khác, trong 2 năm qua, tăng trưởng bảo hiểm xe cơ giới đã chậm lại đáng kể do ảnh hưởng của Covid-19 với mức tăng trưởng phí về cơ bản là đi ngang.

Tuy nhiên, dữ liệu từ Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy doanh số bán ô tô đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Doanh số bán ô tô 9 tháng 2022 đạt 264.951 xe, tăng 56% so với cùng kỳ và cao hơn 21% so với năm 2019 trước dịch. Nhờ đó, phí bảo hiểm xe cơ giới đã tăng trưởng dương trở lại trong 9 tháng năm 2022,  ở mức 17,2% sau khi sụt giảm trong năm 2021.

Về dài hạn, các chuyên gia đánh giá triển vọng tăng trưởng của bảo hiểm xe cơ giới rất tích cực. Lý do là tỷ lệ sở hữu xe ô tô ở Việt Nam còn thấp trong khi tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu mua xe ô tô trong tương lai.

Theo kết quả Tổng điều tra dân số nhà ở 2019 của Tổng cục Thống kê, tính trung bình cả nước có 5,7% tổng số hộ gia đình có xe hơi. Trong đó, khu vực thành thị có tỷ lệ cao gấp gần 3 lần so với nông thôn, lần lượt là 9,5% và 3,6%. GDP bình quân trên đầu người của cả nước năm 2019 là 3.425 USD. Dựa trên dữ liệu từ các quốc gia khác, các chuyên gia dự báo mức tiêu thụ ô tô ở Việt Nam có khả năng sẽ tăng vọt khi GDP bình quân trên đầu người đạt mốc 5.000 USD.

Như vậy, bảo hiểm xe cơ giới còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm có biên lợi nhuận thấp, cùng với đó là cạnh tranh rất khốc liệt.