Sẵn sàng “xuất ngoại”: Vaccine dịch tả lợn châu Phi
Những tháng gần đây, báo chí của một số quốc gia trên thế giới đã có nhiều bài viết về tính hiệu quả của Vaccine dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam. Nhiều quốc gia đặt vấn đề mua loại vaccine này, trong đó Philippines xin nhập 300.000 liều…
Trong bài viết về Vaccine dịch tả lợn châu Phi do hãng Reuters đăng tải ngày 12/6/2023 có đoạn: “Các quan chức thú y toàn cầu và Hoa Kỳ cho biết vaccine chống dịch tả lợn châu Phi đang được thử nghiệm ở Việt Nam sắp được phê duyệt. Đây sẽ là một bước đột phá lớn để giải quyết căn bệnh nguy hiểm thường xuyên tàn phá các trang trại lợn trên toàn thế giới”.
Nhiều báo chí ở một số quốc gia trên thế giới như ở Philippines, Dominica… cũng có nhiều bài viết khen ngợi tính hiệu quả của vaccine dịch tả lợn châu Phi được sản xuất tại Việt Nam.
KẾT QUẢ MANG ĐẾN NHIỀU HY VỌNG
Reuters dẫn lời của ông Gregorio Torres, người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cho rằng: “Sau nhiều thập kỷ nỗ lực nhưng thất bại do tính phức tạp của virus, hai loại vaccine do các nhà khoa học Hoa Kỳ đồng phát triển đang được các công ty Việt Nam thử nghiệm trong các chương trình thí điểm quy mô lớn đang cho thấy kết quả rất hứa hẹn”.
Bài viết cũng nhấn mạnh đến việc dịch tả lợn châu Phi trong nhiều năm đã làm gián đoạn thị trường thịt lợn toàn cầu trị giá 250 tỷ USD. Trong đợt bùng phát tồi tệ nhất năm 2018-2019, khoảng một nửa đàn lợn ở Trung Quốc đã chết, thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ USD.
“Chúng ta chưa bao giờ tiến gần đến việc tạo ra một loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể đạt được hiệu quả. Vì vậy, hai loại vaccin đang sản xuất và khảo nghiệm tại Việt Nam đang có cơ hội thành công cao nhất và sẽ được phép bán trên toàn thế giới”.
Ông Gregorio Torres, Trưởng Bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới (Theo Reuters).
“Chúng ta chưa bao giờ tiến gần đến việc tạo ra một loại vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể đạt được hiệu quả. Vì vậy, hai loại vaccin đang sản xuất và khảo nghiệm tại Việt Nam đang có cơ hội thành công cao nhất và sẽ được phép bán trên toàn thế giới”, ông Gregorio Torres nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Thomas Vilsack, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), cho biết đang trông chờ Việt Nam cho phép xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi, để tính việc mua hàng phòng ngừa ở Hoa Kỳ, mặc dù cho đến nay Hoa Kỳ đã thoát khỏi virus bệnh này”.
Theo người phát ngôn của USDA, các nhà nghiên cứu của USDA đã xem xét kết quả của một trong những loại vaccine NAVET-ASFVAC, do họ hợp tác phát triển với công ty Việt Nam NAVETCO VET.HNO. Sau khi vaccine được khảo nghiệm cho thấy mức độ hiệu quả cao và không có rủi ro trong các cuộc thử nghiệm, 600.000 liều đã được khảo nghiệm trong chăn nuôi lợn ở Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về việc vì sao vaccine dịch tả lợn châu Phi chỉ mới đang khảo nghiệm tại Việt Nam, chưa cho phép xuất khẩu, nhưng một số quốc gia đã có vaccine này đưa vào thử nghiệm? Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết thời gian qua, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y đã cử đoàn công tác sang Cộng hòa Dominica tiêm phòng thử nghiệm vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC từ ngày 15/5 - 19/6/2023.
Kết quả cho thấy, vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET – ASFVAC là an toàn, hiệu quả với tất cả 459 lợn thí nghiệm được tiêm tại thực địa. Phía Cộng hòa Dominica đề nghị Công ty Navetco tiếp tục hỗ trợ thêm 2.500 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi để tiêm mở rộng trong thời gian tới tại quốc gia này.
Với Philippine, từ tháng 2/2023, Cục Thú y Philippines đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho Philippines một số lượng vaccine để thử nghiệm. Được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty AVAC đã phối hợp và cung cấp 1.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE. Bộ Nông nghiệp Philippines đã cho phép các đơn vị chủ động phối hợp để thực hiện tiêm thí điểm vaccine AVAC ASF LIVE tại 6 trại lợn thịt thuộc vùng Luzon của Philippines.
Kết quả thử nghiệm, vaccine AVAC ASF LIVE an toàn và hiệu quả cho tất cả 1.000 lợn thí nghiệm được tiêm. “Cục Thú y Philippines đã đề xuất Chính phủ Philippines chính thức cho phép nhập khẩu và sử dụng 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi từ Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thông tin.
Liên quan đến vấn đề xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết các bước tiếp theo sẽ vẫn phải được tiến hành thận trọng. Hiện, Bộ đang chờ các chuyên gia của Hoa Kỳ có báo cáo đánh giá chất lượng, an toàn, hiệu lực vaccine dịch tả lợn châu Phi sản xuất tại Việt Nam. Bộ cũng đang đặt vấn đề mời đoàn đánh giá của châu Âu sang tiến hành đánh giá mức độ an toàn của vaccine và cấp chứng nhận. Khi có các chứng nhận quốc tế, chúng ta sẽ yên tâm xuất khẩu.
ĐỀ XUẤT SỚM ĐƯA VÀO SỬ DỤNG RỘNG RÃI, TIẾN TỚI XUẤT KHẨU
Nhận định về thành công trong sản xuất vaccine dịch tả lợn châu phi, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến thẳng thắn: “Đây không phải là thành công của riêng Việt Nam, mà có sự hợp sức hỗ trợ của nhiều quốc gia trên thế giới. Quá trình nghiên cứu và thuần hóa các chủng virus này được các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ thực hiện, sau đó chuyển giao cho Việt Nam tiến hành các công đoạn sau để đi đến thành công”.
Báo cáo tại cuộc họp đánh giá kết quả giám sát chất lượng và sử dụng vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của NAVETCO và AVAC do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 15/7/2023 vừa qua, ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết đến thời điểm này, việc tiêm phòng thí điểm 600.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi trên diện hẹp của 2 Công ty CP NAVETCO và Công ty CP AVAC Việt Nam đã cho kết quả khả quan.
Theo đó, từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023, NAVETCO đã cung ứng và phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát triển khai tiêm vaccine NAVET ASFVAC trên 7 quy mô đàn khác nhau từ 50 lợn/hộ đến 2.000 lợn/trại tại 132 cơ sở thuộc 23 tỉnh, thành phố. Tổng số liều tiêm là 47.435 liều, trong đó tiêm có giám sát là 29.685 liều.
TS.Nguyễn Xuân Hạnh, Phó Tổng giám đốc Công ty NAVETCO, thông tin số lượng lợn có phản ứng sau khi tiêm một mũi và hai mũi được ghi nhận là 219 con (chiếm 0,5%), trong đó có 42 lợn phải loại thải (chiếm 0,1%). Biểu hiện của phản ứng thường gặp sau 2 - 4 ngày tiêm vaccine với một số triệu chứng như sốt nhẹ, giảm ăn, ho hoặc tiêu chảy, sau đó lợn trở lại trạng thái bình thường. Kết quả kiểm tra kháng thể sau tiêm đạt 85,5% đối với mũi 1 và 97,4% đối với mũi 2; tỷ lệ trung bình cả 2 mũi đạt 95,5%...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 30 - 2023 phát hành ngày 24 - 7 - 2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam