Việt Nam chuẩn bị công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi: Mối lo hơn 100 năm qua của ngành chăn nuôi sẽ được giải tỏa
Hội đồng của Cục Thú y đã họp và lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2022...
Đây là sự kiện mang tính lịch sử, bởi trong hơn 100 năm qua, ngành Thú y Việt Nam nói riêng và ngành Thú y thế giới nói chung vẫn đang "loay hoay" trong việc tìm ra vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Thông tin quan trọng này được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến công bố tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật (trên cạn và thủy sản) năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/02 theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT CÁC Ổ DỊCH
Báo cáo tại hội nghị về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2021, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật trên cạn, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển.
Năm 2021 so với năm 2020, tổng đàn vật nuôi đạt trên 510 triệu con gia cầm, tăng 5,8%; 28 triệu con lợn, tăng 7,1%; đàn bò 6,5 triệu con, tăng 13,2%; đàn trâu, giảm 2,4%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 6,7 triệu tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 17,5 tỷ quả.
Đến nay, cả nước có 3.705 lượt cơ sở, vùng chăn nuôi tại 52 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh.
Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch cúm gia cầm xảy ra tại 125 xã của 33 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 457 nghìn con gia cầm (chiếm 0,09% tổng đàn gia cầm) với các chủng virus cúm A/H5N6, A/H5N1. Riêng chủng virus cúm A/H5N8 (xuất hiện tại Việt Nam tháng 6/2021 ở 15 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy 47.000 con gia cầm).
"Các địa phương cần khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt và bố trí kinh phí để tổ chức triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2022. Đồng thời, cung ứng hóa chất bằng nguồn ngân sách của địa phương để chủ động xử lý môi trường tại các khu vực nguy cơ cao nhằm cắt đứt nguồn lây lan dịch bệnh".
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y
Từ đầu năm 2022 đến nay, phát sinh 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại xã Quế Mỹ và xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, Quảng Nam với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy khoảng 4.000 con.
Về dịch lở mồm long móng, năm 2021, bệnh xảy ra tại 89 xã của 18 tỉnh, thành phố với số gia súc mắc bệnh 3.407 con, số gia súc tiêu hủy là 349 con, giảm 2,3 lần số ổ dịch, số gia súc mắc bệnh giảm 2,4 lần so với năm 2020. Hiện cả nước không còn ổ dịch lở mồm long móng.
Về dịch tả lợn châu Phi, năm 2021 đã xảy ra tại 3.154 xã của của 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 288.668 con lợn (cao gấp 3,2 lần so với năm 2020). Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 31 địa phương, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn.
Để bảo vệ và phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Long đề nghị các địa phương cần tiếp tục triển khai việc tiêm vaccine cho đàn gia súc, gia cầm (trừ bệnh dịch tả lợn châu Phi là chưa có vaccine), tăng cường giám sát các ổ dịch, trong đó có các dịch bệnh trên thủy sản để kịp thời có các giải pháp ứng phó, xử lý hữu hiệu.
Cùng với đó, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ, đẩy mạnh xây dựng các cơ sở, trang trại chăn nuôi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo chất lượng và nguồn cung thực phẩm trong nước cũng như xuất khẩu.
YÊU CẦU TIÊM PHÒNG VACCINE TỐI THIỂU ĐẠT 80%
Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh năm 2021 khoảng 5.608 ha, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2020. Về cơ bản, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, đặc biệt không để các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi xâm nhập vào trong nước.
Ông Nhữ Văn Cẩn kiến nghị, Cục Thú y cần kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng con giống thủy sản, bởi đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo an toàn dịch bệnh ngay từ đầu và hiệu quả trong nuôi trồng. Cục cũng cần tích cực phối hợp với địa phương phát triển các vùng nuôi an toàn dịch bệnh và đây là yêu cầu phát triển chung của thị trường.
Bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm nuôi nước lợ, tỉnh Sóc Trăng có diện tích bị bệnh lớn nhất, chiếm 27,45% tổng diện tích bị bệnh năm 2021. Từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp xảy ra tại 8 xã của 3 tỉnh, thành phố, với tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh là 16 ha.
“Hàng tuần, Tổng cục Thủy sản vẫn nhận được báo cáo về tình hình dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản của Cục Thú y. Tuy nhiên, cần có thêm các thông tin về kiểm dịch tôm bố mẹ nhập khẩu để Tổng cục có các chỉ đạo, hướng dẫn cũng như khuyến cáo cho các địa phương, người nuôi trồng kịp thời”, ông Nhữ Văn Cẩn yêu cầu.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, năm 2022 một số dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản tiếp tục có diến biến phức tạp. Đề nghị các địa phương sớm kiện toàn hệ thống thú y theo các quy định cùng với bố trí ngân sách cho phòng, chống dịch, nhằm đảm bảo hóa chất, vaccine… kịp thời.
"Việc tập trung phòng, chống dịch bệnh động vật là yếu tố rất quan trọng, bởi chăn nuôi và thủy sản vẫn là lĩnh vực còn dư địa nhiều để tăng trưởng. Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ giao ngành phải đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao, cùng với việc đảm bảo đủ nguồn cung, an toàn thực phẩm cho trong nước và xuất khẩu", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Để phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, Thứ trưởng yêu cầu ngành thú y và các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của trung ương; khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin ngay từ đầu năm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn được tiêm phòng. Phải hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan ra diện rộng; tổ chức ngăn chặn.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu. Phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật; tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật bảo đảm yêu cầu các điều kiện để sản xuất mới.
Dự kiến cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2022 sẽ công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi
Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện trên thế giới cả trăm năm nay, đến giờ chưa có vaccine nhưng Bộ đã phối hợp với Bộ Khoa học công nghệ quyết tâm nghiên cứu để có vaccine dịch tả lợn châu Phi. Từ năm 2019 đến nay, đi tiên phong là doanh nghiệp NAVETCO đã tiếp nhận chủng virus G-delta I 177L và môi trường đã có kết quả bước đầu hiệu quả.
Đến nay đang có 3 doanh nghiệp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y cùng triển khai nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đồng bộ về nhiều mặt như về giống, môi trường...
Hiện, chúng tôi đã triển khai kiểm nghiệm và khảo nghiệm, bước khảo nghiệm bị chậm gần 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, các cơ quan đang triển khai khảo nghiệm vaccine này tại 2 cơ sở phía Bắc và phía Nam, đến giờ công việc này cũng đã xong và Hội đồng của Cục Thú y cũng đã họp và lãnh đạo Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vaccine vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2022.
Khi vaccine được công bố sẽ có hiệu quả tiêm rất cao và tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có niềm tin vì khi kết quả được công bố với các phương pháp nghiên cứu hiện đại. Các chỉ tiêu được theo dõi tỉ mỉ qua 5 đến 6 lần khẳng định đáp ứng miễn dịch rất cao