16:29 27/04/2021

Sản xuất thức ăn chăn nuôi lao đao vì thiếu nguyên liệu

Chu Khôi

Giá các loại nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, bột cá... bắt đầu tăng từ tháng 10/2020 và liên tục tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30-35%...

Sản xuất thức ăn chăn nuôi thiếu hụt nguồn nguyên liệu
Sản xuất thức ăn chăn nuôi thiếu hụt nguồn nguyên liệu

Các doanh nghiệp sản xuất thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng.

CHI 6 TỶ USD NHẬP KHẨU NGUYÊN LIỆU

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu năm 2015 là 15,4 triệu tấn (tương đương 5,3 tỷ USD), đến năm 2020 lượng nhập khẩu tăng lên 20,2 triệu tấn (tương đương 6,0 tỷ USD). Tốc độ tăng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2015-2020 là 6,2%/năm.

Các nguyên liệu nhập khẩu chiếm tỷ lệ lớn là nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc thực vật. Số liệu nhập khẩu năm 2020: ngô hạt 9,9 triệu tấn (tương đương 1,9 tỷ USD), khô dầu các loại 4,7 triệu tấn (tương đương 1,6 tỷ USD), dinh dưỡng gia súc 1,1 triệu tấn (tương đương 256 triệu USD), bột thịt xương và các phụ phẩm từ động vật 1,2 triệu tấn (tương đương 560 triệu USD), thức ăn bổ sung 661 nghìn tấn (tương đương 876 triệu USD).

Biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Biến động giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Trong quý 1/2021, tổng lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu đạt 5,4 triệu tấn, tương đương 1,66 tỷ USD; tăng 3,94% về số lượng và 5,53% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Giai đoạn từ năm 2015 đến quý 3/2020 nhìn chung giá ổn định, thậm chí có thời điểm giảm. Tuy nhiên, từ tháng 10/2020 giá các loại nguyên liệu chính của thức ăn chăn nuôi bắt đầu có xu hướng tăng và liên tục tăng cao đến thời điểm hiện nay với mức tăng trung bình từ 30 – 35%.

Như vậy, tính từ lần tăng giá đầu tiên tại thời điểm cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt (mức tăng 200-300 đồng/kg/lần), với tổng mức tăng chung là 10-15% (tương đương 1.000-1.500 đ/kg, tùy từng loại).

Đáng chú ý, trong những ngày gần đây (20-23/4/2021), giá một số nguyên liệu như ngô, lúa mì có xu hướng tăng nhanh do những lo ngại từ việc nhu cầu thu mua của Trung Quốc tăng cao cũng như tình trạng hạn hán tại Braxin có thể ảnh hưởng đến sản lượng ngô của nước này.

Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong quý 1/2021 tăng so với quý 4/2020, cụ thể: thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt từ 60kg trở lên 10.357 đồng/kg (tăng 10,4%), thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 10.601 đồng/kg (tăng 11,0%), thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 10.702 đồng/kg (tăng 7,5%). Trong tháng 4/2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tiếp tục tăng 2,7-3,3% so với 3 tháng đầu năm 2021.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, giá nguyên liệu thông thường chiếm khoảng 80-85% so với giá thành sản xuất; chi phí khác như nhiên liệu, khấu hao, nhân công, lãi vay, lương... chiếm khoảng10-15%.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ giữa năm 2020 giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, thức ăn chăn nuôi có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Nguyên liệu sản xuất thức ăn như bột cá, ngũ cốc, đậu tương, phụ gia, khô dầu chủ yếu phải nhập khẩu, chiếm 70-80%.

“Giá nguyên liệu tăng cao là do dịch Covid-19 tác động tới logistics toàn cầu, khiến cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Trong khi, Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu ở mức độ bất thường”, ông Dương nói.

CHỦ ĐỘNG TÌM KIẾM NGUYÊN LIỆU TRONG NƯỚC

Ông Dương cho biết các nguyên liệu của chúng ta thiếu lại là thế mạnh của nước Nam Mỹ và Bắc Mỹ như Mỹ, Argentina, Brazil, châu Âu, Nga.... những khu vực này đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 khiến việc giao thương và hệ thống logistics gần như tê liệt, trong đó điển hình là việc thiếu container.

Giá ngô hạt, đậu tương, khô dầu chào hàng ngày 23/4/2021 tại CBOT (Chicago Board of Trade) tương ứng là 249-258USD/tấn, 557-565.5 USD/tấn và 465,7-469,5 USD/tấn (tương tự như giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trên 20% so với mức trung bình những năm gần đây).

Thức ăn thủy sản tiếp tục xu hướng tăng
Thức ăn thủy sản tiếp tục xu hướng tăng

“Giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính chưa có chiều hướng giảm ngay trong quý 2/2021, dự kiến sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7/2021. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ còn tăng, tối thiểu là 5-10% (500-1.000 đồng/kg, tùy loại) để đạt mức tăng chung là 20% thì mới có thể dừng lại, khi đó thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho lợn thịt và gà thịt ở giai đoạn vỗ béo có thể sẽ lên mức trên 11.000-11.300 đồng/kg, ông Dương đưa ra dự báo.

Đề xuất giải pháp kiểm soát giá và thị trường thức ăn chăn nuôi trong nước, ông Dương cho rằng các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nguồn nhập khẩu để chế biến thức ăn chăn nuôi (khô dầu hạt điều, cám điều, bã sắn, cám gạo…); Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.

Cục Chăn nuôi khuyến cáo các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng thức ăn chăn nuôi (giảm thấp nhất FCR/đơn vị sản phẩm chăn nuôi).

Đồng thời cần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm chi phí nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bằng các chính sách thương mại và nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu TACN. Cần tăng diện tích đất trồng thâm canh các loại cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho đại gia súc. Nhu cầu tăng thêm cho mục tiêu này là từ 150-200 ngàn ha vào năm 2025.

Bên cạnh đó, cần áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, chế biến nâng cao giá trị và bảo quản nguồn phụ phẩm trong sản xuất nông, công nghiệp làm nguyên liệu TACN như rơm, cỏ xanh, thân cây ngô, bã dứa, bẵ sắn, vỏ quả điều, xương và mỡ cá tra, đầu và vỏ tôm... Chủ động sản xuất các nguyên liệu thức ăn trong nước có thể sản xuất được như chế phẩm probioitic, enzim, thảo dược, các loại khoáng đa lượng (bột đá, MCP, DCP…), khoáng vi lượng (CuSO4, FeSO4…).